Người đứng đầu WHO cảnh báo về ‘Bệnh X,’ thúc đẩy hiệp ước đại dịch
Người đứng đầu tổ chức y tế cho biết đó là một ‘vấn đề về khi nào, chứ không phải là nếu như.’
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lại đưa ra một cảnh báo về cái gọi là đại dịch “Bệnh X”, nói rằng đó là “vấn đề khi nào, chứ không phải nếu như.”
Tuần trước, tại Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ Thế giới, được tổ chức tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Tổng Giám đốc Tedros Ghebreyesus khẳng định với các thành viên rằng những dự đoán trước đây của ông về một loại virus giống như COVID-19 đã trở thành sự thật. Một lần nữa, ông lại nói rằng cộng đồng quốc tế chưa sẵn sàng cho một đại dịch khác.
Quan chức y tế này nói trước đám đông, trong đó có Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới gây tranh cãi Klaus, rằng: “Hôm nay tôi đứng trước quý vị sau hậu quả của COVID-19 khiến hàng triệu người thiệt mạng, với những cuộc khủng hoảng về xã hội, kinh tế, và chính trị còn ảnh hưởng cho đến ngày nay.”
“Bệnh này có thể được gây ra bởi một loại virus cúm, một loại virus corona mới hoặc một mầm bệnh mới mà chúng ta thậm chí còn chưa biết đến — mà chúng tôi gọi là Bệnh X. Và trong tình hình hiện tại, thế giới vẫn chưa sẵn sàng cho Bệnh X tiếp theo, và đại dịch tiếp theo.”
Ông không cung cấp thêm thông tin chi tiết nào về đại dịch được cho là tiếp theo đó, mà chỉ nói rằng các chính phủ khắp thế giới chưa được chuẩn bị.
Nhưng ông đã nói rằng COVID-19 là một “bệnh X,” gọi đây là “một mầm bệnh mới gây ra một căn bệnh mới. Nhưng sẽ có một Bệnh X khác, hoặc một Bệnh Y hoặc một Bệnh Z.” Ông cho biết thuật ngữ “bệnh X” được sử dụng lần đầu tiên vào năm 2018, và nói thêm rằng “cùng thời điểm tôi trình bày ngay tại Hội nghị Thượng đỉnh Chính phủ Thế giới này, với tư cách là một người phụ trách về một căn bệnh mà chúng ta thậm chí còn chưa biết đến, nhưng chúng ta dù sao có thể chuẩn bị được.”
Giám đốc WHO, người sớm bị chỉ trích trong đại dịch này vì rõ ràng có mối quan hệ thân thiết với Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã cảnh báo rằng “những bài học đau đớn mà chúng ta đã học được có nguy cơ bị lãng quên khi sự chú ý chuyển sang nhiều cuộc khủng hoảng khác mà thế giới của chúng ta đang phải đối mặt.”
Hồi tháng Một, ông Tedros đã gây chú ý khi đề cập đến “Bệnh X” tại một sự kiện của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ. Ông kêu gọi các chính phủ trên thế giới ký một thỏa thuận về đại dịch với sự hậu thuẫn của WHO.
“Thỏa thuận về đại dịch có thể tập hợp tất cả kinh nghiệm, tất cả thách thức mà chúng ta đã đối mặt và tất cả các giải pháp thành một,” ông nói tại Davos. “Thỏa thuận đó có thể giúp chúng ta chuẩn bị cho tương lai một cách tốt hơn. Đây là lợi ích chung toàn cầu, nên những lợi ích quốc gia rất nhỏ hẹp thì không nên gây cản trở.”
‘Những lời dối trá’
Ông Tedros cũng phản đối những chỉ trích nói rằng WHO và một số chính phủ một lần nữa muốn ban hành các lệnh bắt buộc chích ngừa, các đợt phong tỏa, và các biện pháp hạn chế khác tương tự như những gì đã xảy ra trong đại dịch COVID-19.
Thay vào đó, ông lập luận rằng các quốc gia có chủ quyền phải ký vào hiệp ước đại dịch của cơ quan y tế này để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai.
Trong hội nghị thượng đỉnh chính phủ ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, ông đã chỉ trích những tuyên bố nói rằng “đó là sự nắm quyền của Tổ chức Y tế Thế giới. Rằng hiệp ước đó sẽ nhường chủ quyền cho WHO. Rằng hiệp ước đó sẽ trao cho WHO quyền áp đặt lệnh phong tỏa hoặc bắt buộc chích ngừa lên các quốc gia. Rằng đó là một ‘cuộc tấn công vào tự do’. Rằng WHO sẽ không cho phép mọi người đi lại, và WHO muốn kiểm soát sinh mạng của mọi người.”
Tiếp tục, vị tổng giám đốc này tuyên bố rằng “đây là một số trong số những lời dối trá đang được lan truyền” và nói thêm rằng “những tuyên bố này tuyệt đối, hoàn toàn, rõ ràng là sai sự thật. … Bất cứ ai nói điều đó sẽ là thiếu hiểu biết hoặc đang nói dối.”
‘Sai lầm trầm trọng’
Những bên chỉ trích các kế hoạch của WHO, trong đó có Liên minh Bảo vệ Tự do Quốc tế, nói rằng hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý này của WHO sẽ nhường lại quyền lực cho tổ chức y tế toàn cầu này.
“Chúng tôi nhấn mạnh rằng Thỏa thuận về Đại dịch không được làm suy yếu các nghĩa vụ pháp lý quốc tế hiện có liên quan đến việc bảo vệ nhân quyền cho đến sự tự do diễn đạt, mà trong đó những hạn chế, kể cả vì lý do sức khỏe cộng đồng, phải luôn được thực hiện với sự thận trọng tối đa và theo cách ít hạn chế nhất có thể,” tổ chức này cho biết.
“Nhận thức rằng không thể có những xã hội tự do nếu không có sự tự do diễn đạt, nên chúng ta không được cho phép những thách thức gia tăng không ngừng để xác định tính xác thực của thông tin trong một thế giới toàn cầu hóa, lấy công nghệ làm trung tâm nhằm hạn chế quá mức sự tự do ngôn luận.”
Hồi năm 2023, Quỹ Di sản, một nhóm bảo tồn truyền thống khác, đã mô tả hiệp định về đại dịch này là “sai lầm trầm trọng” và nói rằng hiệp ước này không xứng đáng nhận được ủng hộ nào của Hoa Kỳ “do không tiếp thu được những bài học về đại dịch COVID-19,” trong khi cảnh báo rằng, “ Nếu Chính phủ Tổng thống Biden ký hiệp ước, Thượng viện nên từ chối tư vấn hay đồng thuận cần thiết để thông qua.”
Ngoài ra, nhóm này cảnh báo rằng bản dự thảo hiệp ước không có “bất kỳ đề cập nào về những hậu quả nếu một bên không cảnh báo cộng đồng quốc tế về một đợt bùng phát hoặc chia sẻ thông tin kịp thời, như trường hợp của Trung Quốc trong đại dịch COVID-19.” Loại virus này xuất hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc, hồi cuối năm 2019, mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cản trở đến cuối cùng các nỗ lực quốc tế điều tra nguồn gốc của đại dịch.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times