Người đứng đầu Cơ quan Tình báo Canada tuyên bố mối đe dọa của Trung Cộng đang diễn ra trên ‘Tất cả các mặt trận’
Người đứng đầu cơ quan tình báo Canada đã tuyên bố mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia của Canada đến từ Trung Quốc và Nga, đồng thời than phiền luật pháp lỗi thời đang hạn chế năng lực của cơ quan này.
Diễn thuyết tại một hội thảo trực tuyến do Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế tổ chức hôm 09/02/2021, Giám đốc Cơ quan An ninh Tình báo Canada (CSIS) David Vigneault cũng kêu gọi sự hợp tác và nhận thức toàn diện hơn để ứng phó với một mức độ đe dọa cao hơn trong bối cảnh đại dịch.
CSIS trước đây đã cảnh báo về hành vi trộm cắp nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19 và những mưu toan của Trung Cộng và Nga trong việc tự truy cập hoặc tuyển những người tay trong và nhân viên cũ để thực hiện công việc này.
Liên quan đến Trung Quốc, ông Vigneault phân biệt giữa người dân Trung Quốc và chính quyền cai trị Trung Cộng.
“Để nói rõ ràng, mối đe dọa không đến từ người dân Trung Quốc, mà là từ chính quyền Trung Cộng,” ông Vigneault nói, sau khi ca ngợi những đóng góp của người dân Canada gốc Hoa cho Canada trong một số lĩnh vực.
Trung Cộng đang “theo đuổi chiến lược giành lợi thế địa chính trị trên mọi mặt—kinh tế, công nghệ, chính trị và quân sự—và sử dụng mọi yếu tố của quyền lực nhà nước để thực hiện các hoạt động đe dọa trực tiếp đến an ninh và chủ quyền quốc gia của chúng ta,” ông Vigneault nhận định.
Dẫn ví dụ về Chiến dịch Săn Cáo của Trung Cộng, một chiến dịch hăm dọa và uy hiếp nhằm mục đích bắt cộng đồng Hoa kiều phải hồi hương, ông Vigneault chỉ rõ, “Chiến dịch Săn Cáo… tuyên bố nhắm vào tham nhũng, nhưng người ta tin rằng nó được sử dụng để bắt bớ và bịt miệng những người bất đồng chính kiến với chế độ.”
Tháng 10 năm ngoái (2020), Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ đã bắt giữ năm người bị cáo buộc có liên hệ đến một âm mưu của Chiến dịch Săn Cáo.
Ông Vigneault cũng cho rằng chính sách toàn cầu hóa và những thay đổi công nghệ nhanh chóng là những yếu tố tạo ra nhiều cơ hội hơn cho sự can thiệp.
“Sự can thiệp luôn hiện diện ở Canada, nhưng quy mô, tốc độ, phạm vi và tác động đã tăng lên do toàn cầu hóa và công nghệ,” ông Vigneault khẳng định.
Luật pháp lỗi thời
Theo ông Vigneault, các mối đe dọa mà Canada đang đối mặt hiện nay là rất khác so với những gì được hình dung trong Đạo luật CSIS năm 1984, vốn phù hợp hơn với Chiến tranh Lạnh. Luật pháp “giới hạn quá mức các cuộc điều tra của chúng tôi trong kỷ nguyên hiện đại,” ông Vigneault nói.
“Đạo luật CSIS… cản trở nghiêm trọng khả năng của chúng tôi trong việc sử dụng các công cụ hiện đại và đánh giá dữ liệu và thông tin. Chúng tôi cần các luật cho phép các loại điều tra dựa trên dữ liệu như thế này,” ông Vigneault nhận định và nói thêm rằng luật này “hạn chế khả năng của chúng tôi trong việc đưa ra những lời tư vấn liên quan cho các đối tác then chốt.”
Mặc dù ông Vigneault không đề cập cụ thể đến bất kỳ trường hợp nào, nhưng hồi tháng 07/2020, một thẩm phán Tòa án Liên bang Canada đã từ chối yêu cầu của CSIS về việc thu thập thông tin tình báo nước ngoài từ một địa điểm bên trong lãnh thổ nước này, với lý do rằng phương pháp được đề xuất để thực hiện việc này là nằm ngoài phạm vi thẩm quyền hợp pháp của CSIS.
Tòa án này đã công bố một phiên bản được ẩn thông tin nhạy cảm của phán quyết trên hồi đầu tháng 02/2021. Mặc dù việc ẩn thông tin khiến phán quyết này không nói rõ về phương pháp thu thập thông tin tình báo mà CSIS đã đề nghị, nhưng hồ sơ của tòa án vẫn chứa một số mục đề cập đến internet, bao gồm cả một mục được chỉnh sửa nhiều, có tiêu đề “lịch sử tố tụng liên quan đến thông tin có thể truy cập được thông qua internet” và hai tham chiếu đề cập đến án lệ, thừa nhận “bản chất không giới hạn của internet.”
Nguyên nhân của việc này là do các loại công nghệ tiên tiến phần lớn được giới học thuật và các công ty khởi nghiệp nhỏ phát triển, những đối tượng này vốn là những mục tiêu hấp dẫn do không có sẵn nhiều nhận thức về các mối đe dọa và an ninh, ông Vigneault giải thích.
“Họ có nhiều khả năng theo đuổi các cơ hội hợp tác và tài chính, nhưng những cơ hội này thật đáng tiếc là có thể bị các nước khác khai thác,” ông Vigneault nhận định.
Ông Vigneault gọi đó là “chủ nghĩa tư bản quốc doanh” – nơi mà các quốc gia khác không đáp lại sự cởi mở và hỗ trợ của Canada cho một sân chơi bình đẳng, mà thay vào đó lại lợi dụng nước này bằng việc “tích cực thúc đẩy tình báo kinh tế và lợi ích cho nhà nước quân sự của riêng họ trên phí tổn của chúng tôi.”
Do đó, các mối liên hệ đối tác như Liên minh Tình báo Ngũ Nhãn là rất quan trọng đối với Canada và các quốc gia cùng chí hướng muốn thành lập liên minh để bảo vệ lợi ích của mình, ông Vigneault nói.
“Trong môi trường đe dọa đầy biến động ngày nay, chính phủ, xã hội dân sự và khu vực tư nhân phải làm việc cùng nhau để tăng cường an ninh và bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng ta,” ông Vigneault kêu gọi.
“Canada xứng đáng có một cuộc thảo luận năng động hơn, chín chắn hơn về những vấn đề này.”
Cuộc tranh cãi giữa quyền riêng tư và vấn đề an ninh quốc gia thường xảy ra đối với các cơ quan tình báo. Ông Vigneault cho biết sẽ rất bất lợi nếu áp dụng một quan điểm quá đơn giản rằng chỉ có thể có hai sự lựa chọn thay thế cho nhau: hoặc cho phép các cơ quan an ninh theo dõi người dân hoặc cho phép các cá nhân duy trì toàn bộ quyền riêng tư.
Rahul Vaidynath
Yến Nhi biên dịch
Xem thêm: