Người di cư Hồng Kông kêu gọi chính phủ Anh cảnh giác trước sự xâm nhập của Trung Cộng
Những khoản đãi ngộ của chính phủ Anh đối với người Hồng Kông có thể mang lại những cơ hội tiềm năng
Hồi đầu tháng Năm, các nghị sĩ Anh đã gặp một số người di cư Hồng Kông, những người kêu gọi chính phủ Vương quốc Anh đề phòng sự xâm nhập của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng) đang đe dọa sự an toàn của cư dân Hồng Kông tại Anh quốc.
Trong bản tin ngày 14/05, Đài Á Châu Tự do cho biết, hôm 11/05, tổ chức Đông Nam Á và Đông Á của Đảng Lao Động Anh đã chủ trì một cuộc họp tại Quốc hội Anh với đại diện của người Hồng Kông, lắng nghe nhu cầu sinh kế của họ tại Vương quốc Anh.
Tại cuộc họp, Nghị sĩ Đảng Lao Động Stephen Kinnock nhấn mạnh rằng đảng của ông ủng hộ chương trình thị thực Công dân Anh ở Hải ngoại (BNO), một chính sách đãi ngộ cho phép người Hồng Kông nhập cư vào Vương quốc Anh sau khi ĐCSTQ thực hiện Luật An ninh Quốc gia vốn vi phạm cam kết bảo đảm tự do và dân chủ tại thành phố cựu thuộc địa của Anh quốc này.
Anh Trịnh Văn Kiệt (Simon Cheng), người sáng lập Hội Kiều bào Hồng Kông tại Anh quốc, đã bày tỏ mối lo ngại về sự xâm nhập của ĐCSTQ vào Vương quốc Anh. Anh nói rằng chính phủ Anh cam kết [viện trợ] 43 triệu bảng Anh (khoảng 59 triệu USD) để tái định cư người di cư Hồng Kông ở Anh quốc, nhưng một số nhóm người gốc Hoa đang nhận tài trợ bị nghi ngờ nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ.
Tại cuộc họp, anh Trịnh cho biết chi tiết rằng hai giám đốc của Trung tâm Cộng đồng người Hoa–Birmingham (gọi tắt là CCC-B) nhận được khoản tài trợ 35,000 bảng Anh (43,000 USD) đã được tiết lộ là đã làm việc cho Dự án người Hoa ở Anh này. Người sáng lập tổ chức này, luật sư người Trung Quốc Lý Trinh Câu (Christine Ching Kui Lee), được xác định trong Cảnh báo can thiệp của Dịch vụ An ninh MI5 (SSIA) ngày 12/01 là “người đại diện của chính quyền Trung Quốc.”
Cảnh báo mà cơ quan này đưa ra cho biết một cá nhân tên Lý Trinh Câu đã “cố ý tham gia vào các hoạt động can thiệp chính trị thay mặt cho Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD) của ĐCSTQ.”
Báo cáo cho biết bà Lý đã tạo điều kiện để quyên góp tài chính cho các đảng phái chính trị và nhiều nhà chính khách, đồng thời cảnh báo rằng bất kỳ ai được bà ta liên lạc nên “lưu tâm đến sự dính líu tới nhà nước Trung Quốc và đóng vai trò trong việc thúc đẩy nghị trình ĐCSTQ của bà trong chính trường Vương quốc Anh.”
Trước đây, anh Trịnh là Giám đốc Thương mại và Đầu tư của Tổ chức Phát triển Quốc tế Scotland (SDI) thuộc Tổng Lãnh sự quán Anh tại Hồng Kông. Hồi tháng 08/2019, anh bị an ninh nhà nước Trung Quốc giam giữ 15 ngày khi đang đi công tác đến Thâm Quyến.
Hôm 25/11/2021, anh Trịnh nói với The Epoch Times Hồng Kông rằng trong thời gian bị giam giữ, anh đã bị tra tấn, bị biệt giam, và bị cưỡng bức nhận tội đã hành động “thay mặt cho Vương quốc Anh trong các cuộc biểu tình ở Hồng Kông năm 2019.”
Ngoài CCC-B, một hội Hoa kiều khác ở Southampton cũng bị cáo buộc có liên hệ với ĐCSTQ.
Một báo cáo ngày 18/04 trên tờ The Times đã dẫn chứng về bà Ping Hua, người sáng lập Hội người Hoa tại Southampton (CAS), người đã viết một bài báo bảo vệ việc ĐCSTQ trước hoạt động lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và kịch liệt chỉ trích cáo buộc của Hoa Kỳ về việc chính quyền Trung Quốc thực hiện hành vi tàn bạo kích động một “sự lật đổ khiêu khích ở Hồng Kông.”
Bà Hua cũng nêu quan điểm tương tự tại một cuộc biểu tình “Ngừng Phân biệt Chủng tộc Chống người gốc Á, Đả đảo Tân Chiến tranh Lạnh” ở Khu phố Tàu tại London hôm 27/11 vừa qua. Cuộc biểu tình này đã kích khởi bạo lực, khiến một người phải nhập viện và ít nhất một người bị bắt giữ.
CAS đã nhận được 20,130 bảng Anh (25,166 USD) tài trợ của Vương quốc Anh.
Cũng tại cuộc gặp với các nghị sĩ Anh, ông Lưu Tổ Địch (Finn Lau), khoảng 90 tuổi, một nhà hoạt động chính trị Hồng Kông, cho biết hồi tháng 06/2020, ông từng bị tấn công trên một con đường ở London.
Hôm 02/06/2020, ông Lưu đang đi tản bộ gần nhà ở London thì nhận ra ông đang bị theo dõi. Ông kể, ông đã dừng lại bên một cột đèn đường, và ba người bất ngờ lao ra và đánh ông. Vụ tấn công đã khiến ông bị gãy xương ổ mắt phải và bị chấn động mạnh. Ông Lưu cho rằng vụ tấn công có thể liên quan đến các thành viên băng đảng được ĐCSTQ trả tiền để thực hiện bạo lực.
Hôm 01/01/2020, ông Lưu tham gia cuộc Diễn hành Tết Nguyên Đán ở Hồng Kông và bị bắt cùng với nhiều người biểu tình khác. Ông được phóng thích sau 50 giờ bị giam giữ và ngay lập tức mua vé quay trở lại Vương quốc Anh nơi ông làm việc. Bảy tháng sau, tức tháng 08/2020, chính quyền Hồng Kông đã phát lệnh bắt giữ ông.
Nghị sĩ Đảng Lao Động Sarah Owen, chủ trì cuộc họp, đã chất vấn chính phủ tại Nghị viện về cách bảo vệ người Hồng Kông ở Anh quốc khỏi bạo lực của các thành viên trong băng đảng ĐCSTQ.
Ông James Cleverly, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh, trả lời rằng cuộc đàn áp người Hồng Kông của ĐCSTQ không chấm dứt ngay cả khi họ đến Vương quốc Anh và rằng các nhà chức trách sẽ xem xét việc bảo vệ người Hồng Kông một cách nghiêm túc.
Nghị sĩ Đảng Lao Động Stephen Kinnock cho biết, vô luận ĐCSTQ có làm cho nền dân chủ và quyền tự do xói mòn nhiều đến thế nào, thì ý chí kiên định đầy dũng khí của người dân Hồng Kông đã truyền cảm hứng cho thế giới.
Ông nói rằng Vương quốc Anh ủng hộ phong trào ủng hộ dân chủ của Hồng Kông và sẽ thực hiện các nghĩa vụ của mình đối với người dân Hồng Kông, những người thất vọng trước sự vi phạm Tuyên bố chung Trung-Anh của ĐCSTQ.
Thành viên Đảng Lao Động này cam kết rằng nếu đảng của ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, chương trình BNO sẽ được gia hạn.
Có đến 100,000 người Hồng Kông đã chuyển đến Vương quốc Anh theo chương trình thị thực BNO. Bằng cách lưu trú tại Vương quốc Anh trong năm năm bằng thị thực này, họ có thể nộp đơn Định cư Vô thời hạn (Indefinite Leave) để được ở lại và sau đó nộp đơn ghi danh nhập quốc tịch sau một năm nữa.
Chương trình thị thực BNO được Thủ tướng Boris Johnson công bố hồi tháng 11/2020, cung cấp một lộ trình ban đầu cho những người sở hữu BNO từ Hồng Kông nhập cư vào Vương quốc Anh.
Cô Jessica Mao là một nhà văn của The Epoch Times, chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times từ năm 2009.
Bản tin có sự đóng góp của Alexander Zhang
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: