Người dân đệ đơn kiện nhà cầm quyền trung ương Trung Quốc để tìm công lý cho họ
Một nhóm những người nông dân đến từ thành phố Thượng Hải và một cặp vợ chồng đến từ tỉnh Hồ Bắc đã đệ đơn kiện nhà cầm quyền trung ương Trung Quốc, yêu cầu bồi thường cho những hành vi sai trái của nhà cầm quyền. Với hành động hiếm hoi trực tiếp phản đối giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản, họ đã liệt Thủ tướng Lý Khắc Cường vào trong danh sách các bị đơn.
Các nguyên đơn từng nhiều lần yêu cầu các cơ quan hữu trách giải quyết các khiếu nại của họ thông qua các kiến nghị chính thức nhưng đều không có kết quả.
Họ đành phải nộp đơn kiện như một phương sách cuối cùng.
“Kinh nghiệm đau thương của bản thân khiến chúng tôi hiểu rằng nộp đơn kiến nghị giống như đi vào ngõ cụt và quy trình đó không hề được pháp luật bảo vệ hoặc giám sát,” những nông dân Thượng Hải viết trong đơn kiện của họ.
Các đơn kiện đã được gửi đến các tòa án tại Bắc Kinh. Tại thời điểm viết bài báo này, các nguyên đơn vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ tòa án.
Cặp vợ chồng người Hồ Bắc
Hôm 24/10, ông He Bin, 47 tuổi, và người vợ 50 tuổi Xu Caihong đã đệ đơn kiện lên tòa án cao nhất của Trung Quốc, Tòa án Nhân dân Tối cao. Họ nêu tên các bị đơn là ông Lý Khắc Cường, người đứng đầu chính phủ trung ương và ông Lật Chiến Thư, người đứng đầu cơ quan lập pháp bù nhìn.
Trong đơn kiện, vợ chồng họ cho rằng các quan chức đã buộc nhà hàng của họ phải đóng cửa. Họ đã đến Bắc Kinh để nộp đơn khiếu nại của mình nhưng lại thường xuyên bị cảnh sát quấy rối.
Trong một vài cuộc phỏng vấn qua điện thoại với tờ The Epoch Times ấn bản tiếng Trung, cặp vợ chồng này đã chia sẻ về trải nghiệm của họ khi khiếu nại đến các nhà chức trách.
Ông He và bà Xu từng là công nhân tại Nhà máy Sợi hóa học Hồ Bắc ở thành phố Tương Dương cho đến khoảng năm 2000, thì chủ nhà máy sa thải các nhân viên.
Họ cũng sở hữu một cửa hàng ở trung tâm thành phố Tương Dương chuyên bán các mặt hàng phục vụ cho những khách hàng trẻ tuổi như văn phòng phẩm cao cấp, quà tặng và đồ trang sức thời trang, v.v. Sau khi bị cho thôi việc, họ dành toàn bộ thời gian để quản lý cửa hàng. Hai vợ chồng tố cáo rằng công việc kinh doanh của họ rất phát đạt khiến đối thủ cạnh tranh là những người có quan hệ với các quan chức địa phương và xã hội đen rất tức giận. Năm 2001, ông He bị các nhà chức trách địa phương giam giữ [vì] những phát ngôn của ông là những cáo buộc sai sự thật. Trong vòng nửa năm, bà Xu đã kháng cáo lên các cơ quan chính phủ với hy vọng [họ] sẽ trả tự do cho ông He. Sau hàng tháng trời, ông He cuối cùng đã được thả khi mọi cáo buộc được hủy bỏ.
Tuy nhiên, ngay sau khi ông He được thả, những tên côn đồ đã xông vào cửa hàng của họ và phá hủy gần như toàn bộ hàng hóa. Những kẻ côn đồ nói với cặp vợ chồng rằng họ làm theo lệnh của một quan chức tại Tòa án Quận Phương Thành, ông He cho biết.
Hai vợ chồng buộc phải đóng cửa cửa hàng của mình và bắt đầu cuộc chiến pháp lý kéo dài 6 năm, bao gồm việc đệ đơn kiện chống lại các chủ sở hữu của cửa hàng đối thủ và các quan chức của tòa án quận. Họ cũng đi đến văn phòng khiếu nại ở thành phố Vũ Hán (thủ phủ của tỉnh) và Cục Khiếu nại Quốc gia ở Bắc Kinh.
Một mùa đông nọ, bà Xu đã bị cảnh sát giam giữ tại một “trung tâm giáo dục luật lệ” ở quận Phương Thành khi đang mang thai vì đã nộp đơn khiếu nại. Một số cảnh sát mặc thường phục bao vây và đánh đập bà cho đến khi bà bị sẩy thai. Những thương tích này đã khiến bà mất khả năng thụ thai.
Năm 2008, hai vợ chồng họ chấp nhận mức bồi thường mà các quan chức quận dành cho họ gồm 120,000 nhân dân tệ (18,150 USD) tiền mặt kèm theo bảo hiểm an sinh xã hội cho cả hai người. Sau đó ông He và bà Xu đã sử dụng số tiền này để mở một nhà hàng nhỏ, nằm bên trong một tòa nhà thuộc sở hữu của Tòa án Quận Phương Thành. Vào năm 2010, tòa án này đột ngột thông báo rằng tòa nhà cần được sửa chữa lại và đuổi tất cả khách thuê nhà, gồm cả vợ chồng họ, dù hợp đồng thuê nhà của họ vẫn chưa tới hạn. Sau khi ông He và bà Xu chuyển ra khỏi tòa nhà, tòa án này đã cho một người khách khác thuê lại nhà hàng với giá cao hơn mà không tiến hành bất kỳ sửa chữa nào.
Sau đó, ông He và bà Xu lại bắt đầu đi khiếu nại lần thứ hai tại Bắc Kinh.
Bị đưa vào danh sách đen của các nhà chức trách, ông He và bà Xu đã bị cảnh sát chặn lại trên đường phố Bắc Kinh sau khi các camera giám sát phát hiện vị trí của họ. Tiếp đó, nhà hàng nhỏ của họ ở Bắc Kinh đã bị cảnh sát khám xét bất ngờ vào mùa đông năm 2017. Cảnh sát đã bảo chủ nhà vứt hết tất cả các đồ đạc của họ, cặp vợ chồng cho biết.
Trong vài năm qua, họ đã bị bắt giam nhiều lần khi đi khiếu nại trong thời gian diễn ra các hội nghị quốc gia của Trung Quốc và các cuộc họp quan trọng ở Bắc Kinh.
Ông He và bà Xu đã viết trong đơn kiện: “Chúng tôi nghĩ rằng sự không can thiệp của các bị đơn [Lý Khắc Cường và Lật Chiến Thư] đã gây ra, làm trầm trọng thêm và khuyến khích tất cả những hành vi xâm phạm này [đối với nhân quyền của chúng tôi]… Chúng tôi yêu cầu các bị đơn tích cực sửa sai và chịu trách nhiệm.”
Những người nông dân Thượng Hải
Ông Shi Kehua và 55 nông dân sống tại các thị trấn Gaodong, Gaonan và Yangyuan ở quận Chuansha, thành phố Thượng Hải.
Năm 1992, Thượng Hải chia ba thị trấn này thành Khu thương mại tự do Pudong Waigaoqiao. 56 nông dân và hàng xóm của họ đã phải giao nộp nhà đất của họ cho chính quyền địa phương để phục vụ quy hoạch. Họ đã ký vào bản hợp đồng trong đó chính phủ hứa hẹn sẽ sắp xếp căn hộ mới với tiện nghi tương đương cho họ.
Tuy nhiên, các căn hộ được giao cho những người nông dân nhỏ hơn nhiều so với căn nhà ban đầu của họ.
“Chúng tôi, 56 nguyên đơn, sở hữu tổng cộng 10,542.3 m2 (113,476.4 feet vuông) diện tích đất được phép xây nhà và 11,029.15 m2 (118,716.78 feet vuông) diện tích nhà [vào năm 1992],” những người nông dân viết trong đơn kiện. “Những căn hộ mà các nhà chức trách bố trí cho chúng tôi chỉ có tổng cộng 6,249.69 m2 (67,271.1 feet vuông), tức là ít hơn 4,779.46 m2 (43.33%).”
Mấy chục năm qua, những người nông dân này đã nhiều lần thỉnh nguyện và khiếu nại lên chính quyền thành phố Thượng Hải, nhưng không nhận được phản hồi.
Theo các hồ sơ chính thức, những người nông dân này đã nộp đơn lên chính quyền thành phố Thượng Hải yêu cầu được bảo vệ tài sản đất đai của mình vào ngày 20/8/2018. Tuy nhiên, họ không nhận được hồi đáp nào từ phía chính quyền.
Vài tháng sau đó, vào ngày 20/12, những người nông dân này đã đệ đơn yêu cầu các nhà chức trách xem xét lại yêu cầu bảo vệ tài sản đất đai của họ — một quyền được quy định trong Luật Xét lại Hành chính Trung Quốc (China’s Administrative Reconsideration Law). Sáu ngày sau đó, chính quyền Thượng Hải đã trả lời rằng những người nông dân phải tuân theo một quy trình kiến nghị trước khi đệ đơn yêu cầu [bảo vệ tài sản].
Những người nông dân này cảm thấy thất vọng và đã đệ một đơn xin xét lại mới lên Hội đồng Nhà nước Trung Quốc vào ngày 5/1/2019.
Chờ đợi hơn một năm, cuối cùng vào ngày 3/4/2020, những người nông dân này đã nhận được phản hồi, trong đó Hội đồng Nhà nước tuyên bố rằng họ thiếu tài liệu hỗ trợ cho đơn yêu cầu của họ.
“Chúng tôi thiếu những tài liệu nào?” những người nông dân đưa ra câu hỏi trong đơn kiện. “Chúng tôi có rất nhiều tài liệu xác minh.”
Hôm 6/10,họ đã đệ đơn kiện lên Tòa án Nhân dân Bắc Kinh Trung cấp Thứ nhất chống lại Hội đồng Nhà nước, do Thủ tướng Lý Khắc Cường đứng đầu, để yêu cầu chính quyền trung ương xem xét lại trường hợp của họ một lần nữa và đền bù cho họ.
Những người thỉnh nguyện ở Trung Quốc thường xuyên bị sách nhiễu và giam giữ.
Hàng năm, trong khi các phiên họp của cơ quan lập pháp bù nhìn [của Trung Quốc] đang diễn ra, mỗi ngày có hàng nghìn người dân khiếu kiện tụ tập trước Cục khiếu nại quốc gia. Tuy nhiên, cảnh sát thường xuyên bắt giữ họ hoặc đuổi họ về quê.
Tháng 4/2009, trong một bài báo trên tạp chí Hồng Kông, luật sư nhân quyền Trung Quốc Zheng Enchong ước tính rằng nước này có khoảng 20 triệu người dân khiếu kiện.
Hiện không rõ có bao nhiêu người dân khiếu kiện ở Trung Quốc. Hàng trăm người trong số họ đã di cư ra nước ngoài và đôi khi xuất hiện để phản đối các chuyến thăm cấp nhà nước của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Ví dụ, hôm 10/5/2019, Jin Yuehua, một người dân khiếu kiện của Thượng Hải, đã chặn đoàn xe hộ tống của Phó Thủ Tướng Trung Quốc Lưu Hạc ở thủ đô Washington.