Người dân: ĐCSTQ buộc các bác sĩ và nhân viên cộng đồng không liệt kê COVID là nguyên nhân tử vong
Gần đây truyền thông phương Tây đưa tin cho biết, nhằm cố gắng hạ thấp mức độ nghiêm trọng và phạm vi bùng phát của làn sóng lây nhiễm COVID hiện nay, chính quyền Trung Quốc không khuyến khích các bác sĩ báo cáo COVID-19 là nguyên nhân tử vong.
Một số công dân Trung Quốc đã nói chuyện với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times và chia sẻ những trải nghiệm cá nhân của mình. Những người này cho biết chính quyền ra lệnh cho các bác sĩ và nhân viên cộng đồng giả tạo nguyên nhân tử vong trong giấy chứng tử.
Hôm 17/01, bà Trương Miểu (Zhang Miao) (hóa danh), một nhân viên cộng đồng ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng bà vừa chuẩn bị giấy chứng tử cho một cư dân cao niên qua đời vì COVID-19.
“Cục trưởng cục cảnh sát địa phương đã đến văn phòng cộng đồng của chúng tôi hôm 14/01 và yêu cầu tôi cấp giấy chứng tử cho bố vợ của ông ấy,” bà Trương cho hay. “Tôi đã hỏi ông ấy liệu nguyên nhân tử vong có phải là do COVID-19 hay không, và ông ấy cho biết đúng thế.”
“Sau đó, tôi giải thích với ông ấy rằng chúng tôi đã nhận được chỉ thị từ cấp trên, chỉ thị đó yêu cầu rằng nguyên nhân tử vong không thể được liệt kê là COVID-19,” bà Trương nói.
Bà giải thích thêm, nếu bệnh nhân mất tại nhà, thì trước hết người nhà phải đến văn phòng cộng đồng để xin giấy chứng tử, rồi sau đó nộp lên bệnh viện công để đổi lấy một giấy chứng tử do bệnh viện cấp. Cảnh sát địa phương sẽ chỉ thừa nhận một giấy chứng tử do bệnh viện cấp trước khi họ xóa đăng ký cư trú của người đã khuất. Những bước này là cần thiết trước khi thi thể của người quá cố có thể được gửi đến lò hỏa táng.
“Tuy nhiên, vấn đề là, cộng đồng không thể ghi COVID-19 là nguyên nhân tử vong trên giấy chứng nhận; nếu không bệnh viện sẽ không cấp giấy chứng tử chính thức. Ngay cả khi quý vị quay trở lại cộng đồng xin cấp lại, bệnh viện cũng sẽ không cho quý vị cơ hội này. Quý vị chỉ có một cơ hội duy nhất để làm ‘đúng.’ Giấy chứng tử mà tôi đưa cho bố vợ của ông ấy có ghi nguyên nhân qua đời là vì chứng nhồi máu não,” bà Trương cho hay.
Các bệnh viện được chỉ thị để nói dối trên giấy chứng tử
Hôm 17/01, ông Lưu Thần (Liu Chen) (hóa danh), một bác sĩ tại một bệnh viện ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng chính quyền đã đặt ra một quy định, đó là “những bệnh nhân qua đời vì các bệnh nền vốn trở nên nặng hơn do COVID-19 thì không thể được tính là tử vong do COVID-19.”
“Đó là tiêu chuẩn mà tất cả chúng tôi phải tuân theo. Vì vậy, từ trên xuống dưới, không ai biết chính xác tỷ lệ tử vong do COVID-19. Ngay cả các quan chức cấp cao nhất cũng không thể biết được con số chính xác,” ông cho biết thêm.
Hôm 17/01, ông Trình Anh (Cheng Ying) (hóa danh), một bác sĩ tại Bệnh viện Yên Đài Sơn, cũng đưa ra tuyên bố tương tự khi nói chuyện với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, “Ngay cả trong cơ sở của chúng tôi, bệnh viện của chúng tôi cũng không có con số chính xác về số người tử vong vì COVID-19, vì chính quyền không cho phép chúng tôi ghi danh những bệnh nhân này là người tử vong vì COVID-19.”
Hôm 15/01, bà Vương Linh (Wang Ling) (hóa danh), bác sĩ tại một bệnh viện khác ở Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, cho biết số người tử vong vì COVID-19 lớn đến mức hệ thống y tế Sơn Đông đã ra thông báo khẩn cấp cấm các bác sĩ liệt COVID-19 là nguyên nhân tử vong.
“Miễn là có những căn bệnh nền khác, thì những bệnh đó có thể được liệt kê là nguyên nhân tử vong. Về căn bản, bất kỳ nguyên nhân nào cũng có thể được liệt kê, ngoài COVID-19. Hơn nữa, các bác sĩ phải được ban quản lý bệnh viện chấp thuận về các chi tiết cụ thể trước khi điền vào giấy chứng tử; các bác sĩ không được phép tự ý làm điều đó.”
Hôm 17/01, ông Cố Thành (Gu Cheng) (hóa danh), một cư dân Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, nói với The Epoch Times về một người bạn vừa mất cha vào tháng trước.
“Cha của anh ấy đã nhập viện tại Bệnh viện Yên Đài để điều trị bệnh tim vào đầu tháng Mười Hai năm ngoái và ban đầu được lên lịch xuất viện sau một tuần nữa. Nhưng sau khi lệnh phong tỏa và hạn chế đột ngột được dỡ bỏ, cha anh ấy đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID khi còn đang nằm viện, và qua đời vài ngày sau đó. Các bác sĩ đã từ chối liệt kê COVID-19 là nguyên nhân tử vong và thay vào đó viện dẫn bệnh tim. Ở các bệnh viện khác cũng vậy. Các bác sĩ bị cấm liệt kê COVID-19 là nguyên nhân tử vong,” ông Cố cho hay.
Người dân Trung Quốc đặt câu hỏi về số liệu tử vong chính thức
Hôm 14/01, Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc đã báo cáo rằng trong khoảng thời gian từ ngày 08/12/2022 đến ngày 12/01/2023 có 60,000 ca tử vong do COVID.
Tuy nhiên, làn sóng lây nhiễm bùng nổ rõ rệt này và thực tế rằng các nhà tang lễ hiện quá đông đang cho thấy một câu chuyện khác.
Hôm 18/01, bà Khúc Lê (Qu Li) (hóa danh), một cư dân Bắc Kinh, nói với The Epoch Times rằng bà nhìn thấy một hàng dài các phương tiện bên ngoài một lò hỏa táng.
“Mẹ tôi qua đời sau khi nhiễm COVID-19. Chúng tôi đã chờ cả tuần tại Nhà hỏa táng Bình Phòng ở quận Triều Dương để được hỏa táng, và đây là kết quả của việc rút ngắn thời gian chờ bằng cách sử dụng một mối quen biết cá nhân. Vào ngày hỏa táng, có rất đông người xếp hàng bên ngoài để lấy số của họ và nếu chỉ nhìn thoáng qua thì quý vị sẽ không thể thấy được đâu là điểm cuối [của hàng chờ này]. Khi chúng tôi rời nhà hỏa táng, mặc dù xe đã chạy một quãng đường dài nhưng quý vị vẫn có thể nhìn thấy những người đang xếp hàng,” bà Khúc cho hay.
Bà Khúc nghe nói rằng điều tương tự cũng xảy ra tại các lò hỏa táng khác ở Bắc Kinh.
Bà cho biết thêm, “Anh trai tôi nói rằng 21 người mà anh ấy biết biết xung quanh anh ấy mới qua đời gần đây, trong đó có ba người họ hàng trong gia đình tôi. Không một giấy chứng tử nào nói rằng họ bị nhiễm COVID-19. Kể ra thì số người tử vong do COVID gần đây sẽ khiến người ta ‘chấn kinh.’ Chính quyền nói có 60,000 người tử vong, nhưng tôi không tin.”
Hôm 17/01, ông Dương Hải (Yang Hai) (hóa danh), cư dân thành phố Hải Luân, tỉnh Hắc Long Giang, nói với The Epoch Times rằng chú của ông vừa qua đời do nhiễm COVID-19.
“Trên các kệ bên trong nhà tang lễ là những linh cữu xếp chồng lên nhau. Các nhân viên đang vận chuyển một số thi thể đến một lò hỏa táng khác cách đó hơn 50 km (31 dặm) để hỏa táng. Có hai lò hỏa táng ở thành phố Hải Luân. Cả hai đều quá bận rộn để giải quyết tất cả các yêu cầu hỏa táng vì có quá nhiều thi thể. Người đã khuất chủ yếu là người già, cũng có người trong độ tuổi 50.”
Bà Trương, người nhân viên cộng đồng được đề cập đến ở trên, cho biết bà đã cấp năm giấy chứng tử vào ngày hôm đó, trong đó có một giấy cho bố vợ của cục trưởng cục cảnh sát. Trên hầu hết các giấy chứng nhận, bà đều ghi nguyên nhân tử vong là do suy tim.
“Có ba đồn cảnh sát trong khu vực của chúng tôi. Cục trưởng cục cảnh sát nói với tôi rằng ông ấy đã xóa 23 người đã tử vong khỏi hệ thống đăng ký cư trú trong một ngày làm việc. Nếu đó là con số trung bình cho một đồn cảnh sát, thì chẳng phải trung bình có 70 người qua đời mỗi ngày ở ba đồn cảnh sát sao?” bà Trương cho biết thêm.
Hôm 17/01, Quốc vụ viện Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp báo về chủ đề kinh tế đất nước vào năm 2022. Khi được hỏi về số người tử vong và dữ liệu dân số vào tháng Mười Hai, ông Khang Nghĩa (Kang Yi), Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia, cho biết trong những năm không điều tra dân số, thời điểm điều tra chọn mẫu dân số là ngày 01/11 hàng năm nên chưa có dữ liệu về số người tử vong cho tháng 12/2022.
Ông cũng tuyên bố rằng dữ liệu về đại dịch, bao gồm số ca nhiễm bệnh và các khía cạnh khác, sẽ được công bố ra thế giới và chia sẻ với các tổ chức liên quan ngay khi có.
Trước những tuyên bố trên của ông, cư dân mạng Trung Quốc đã bày tỏ sự phẫn nộ. Họ để lại những bình luận như: “Với một hệ thống đăng ký hộ khẩu nghiêm ngặt như vậy, vốn yêu cầu nộp giấy chứng tử đúng hạn, tại sao ông lại không biết số người qua đời?” và “Bây giờ thông tin hộ khẩu đều là trực tuyến, ông có thể tìm ra tổng số giấy chứng tử trong hệ thống của mình. Tại sao ông lại tuyên bố rằng ông không có dữ liệu cho tháng Mười Hai?”
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times