Người dân đánh giá hậu quả của đợt phong tỏa ở Thượng Hải
Kể từ khi Thượng Hải chính thức dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài hơn hai tháng trên toàn thành phố hôm 01/06, người dân thành phố đã tổng kết lại một số hậu quả mà mọi người đang gặp phải và chia sẻ trên mạng xã hội. Một số ý kiến cho rằng thành phố này sẽ mất một thời gian dài để phục hồi.
Người dân Thượng Hải vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Một hậu quả của cuộc phong tỏa này là việc bình thường hóa xét nghiệm acid nucleic mà mọi người phải thực hiện sau mỗi 72 giờ đồng hồ (tức ba ngày xét nghiệm một lần), và xét nghiệm hàng loạt mọi cư dân trong thành phố vào mỗi cuối tuần.
Hậu quả thứ hai là giá cả tăng vọt. Sau khi phong tỏa, người dân nhận thấy giá các loại thực phẩm như thịt, trứng, sữa tăng lên, đồng thời chi phí sinh hoạt cũng tăng lên đáng kể, điều này tiếp tục gây áp lực kinh tế lên dân chúng.
Cô Văn, một cư dân Thượng Hải, nói với The Epoch Times hôm 26/06, “Giá hiện giờ đã thấp hơn một chút so với giá trong thời gian phong tỏa, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với trước khi phong tỏa, điều này chắc chắn sẽ có tác động lớn hơn đến cuộc sống hàng ngày.”
Hiệu ứng thứ ba là số lượng nhân viên bị sa thải tăng lên. Trong thời gian thực hiện phong tỏa, nhiều công ty vừa và nhỏ ở Thượng Hải đã phải sa thải nhân viên. Nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và lớn đang làm ăn phát đạt trước khi phong tỏa đã chứng kiến doanh thu giảm mạnh khi mọi người phải ở nhà. Sau khi phong tỏa, họ bắt đầu cắt giảm các vị trí và thậm chí loại bỏ hoàn toàn một số phòng ban.
Ngoài ra, vì vẫn không được phép dùng bữa trong các nhà hàng, nên nhiều nhà hàng đã đóng cửa hẳn. Mặc dù các cửa hàng bán lẻ lớn đã mở cửa trở lại, nhưng số lượng người mua sắm giảm xuống do tác động kép của dịch bệnh và nền kinh tế xấu đi, dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc phá sản.
Một tác động khác là chi phí thuê nhà ngày càng tăng. Sau đợt phong tỏa này, nhiều người đã rời khỏi Thượng Hải, tuy nhiên giá thuê nhà đã tăng từ 10 đến 20 phần trăm. Những người ban đầu muốn mua nhà đã phải hoãn lại vì áp lực kinh tế. Trong khi đó, vì chủ nhà và những người môi giới trung gian không có thu nhập trong thời gian phong tỏa, nên giờ họ đã tăng giá nhà lên để bù đắp những thất thoát tài chính của mình. Ngoài ra, nhu cầu thuê nhà cao trong thời gian sinh viên tốt nghiệp đại học (tháng Bảy) đã đẩy giá thuê nhà ở Thượng Hải lên cao.
Một sản phẩm phụ nữa của việc phong tỏa là một làn sóng ly hôn mới. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương ở Thượng Hải, sau khi hết phong tỏa, làn sóng ly hôn đã xuất hiện. Trang web của Trung tâm Dịch vụ Đăng ký Kết hôn quận Từ Hối cho thấy các cuộc hẹn làm thủ tục ly hôn đã được đặt kín lịch cho đến ngày 07/07.
Cư dân đánh giá thiệt hại đối với thành phố của họ
Một người dân họ Dương nói với The Epoch Times hôm 24/06, “Các biện pháp zero COVID đã tàn phá Thượng Hải đến mức độ như vậy, thật không thể tưởng tượng được! Dù có xem xét ở góc độ nào đi chăng nữa, tôi cũng không thể hiểu được ý đồ của chính quyền ĐCSTQ. Thượng Hải sẽ không thể phục hồi trong mười năm nữa.”
Bà Mã, một người dân địa phương, cho biết hôm 24/06, “Đợt phong tỏa này đã khiến nhiều người bình thường kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần và bị ảnh hưởng sâu sắc. Điều mà người dân thường sợ hãi không phải là Omicron, mà là sự ngu ngốc, thiếu hiểu biết và các biện pháp khủng khiếp và không hiệu quả của chính quyền”.
Một người dân họ Đới nói với The Epoch Times hôm 25/06, “Sau khi dỡ bỏ phong tỏa, cứ vài trăm mét lại có những hàng dài chờ đợi trong thành phố. Mọi bưu điện, ngân hàng, điểm xét nghiệm acid nucleic đều chật kín người. Đó là một cảnh tượng như vậy. Tôi mất 3 giờ để gửi một bức thư chuyển phát nhanh. Các phòng cấp cứu của các bệnh viện đều chật cứng người, thậm chí cả hành lang cũng chật kín giường phụ. Nó giống như một bệnh viện thời chiến. Phải mất 2 giờ xếp hàng chờ đợi chỉ để được chụp CT trong các phòng cấp cứu”.
Ông Alex Wu là một tác giả của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền, và các mối quan hệ quốc tế.