Người cao tuổi Trung Quốc bị bức hại vì đức tin: ‘Hành động tà ác của Trung Cộng sẽ không được dung thứ’
Trong các nền văn hóa trên khắp thế giới, bao gồm cả nền văn hóa truyền thống Trung Hoa, các thế hệ người cao tuổi được tôn kính về phẩm hạnh đạo đức bắt nguồn từ đức tin kiên định của họ. Tuy nhiên, ở Trung Quốc ngày nay, dưới sự cai trị của cộng sản, những đức hạnh cao đẹp đó đang bị tấn công, khiến người già có nguy cơ bị bức hại.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng), khét tiếng với những hệ tư tưởng vô thần hà khắc bắt nguồn từ chủ nghĩa Marx, đã không có một chút khoan hồng nào trong việc đàn áp-thậm chí cả những người cao tuổi vì đức tin tâm linh của họ.
Các tín đồ Cơ đốc giáo, Phật tử, người Duy Ngô Nhĩ và học viên Pháp Luân Công cao tuổi là những đối tượng dễ bị tấn công nhất. Họ thường xuyên bị theo dõi, sách nhiễu, giam giữ, tước đoạt tiền lương hưu, bị đánh đập, thậm chí có lúc bị tra tấn đến chết.
Sự giám sát và kiểm duyệt Internet tinh vi của Trung Cộng khiến việc thu thập dữ liệu chính xác về các vụ vi phạm nhân quyền hay tội ác diệt chủng đang diễn ra trở nên rất khó khăn, nhưng các chuyên gia và các cuộc điều tra độc lập đã cảnh báo rằng tình hình [đàn áp] này thật sự thảm khốc.
Bức hại tài chính
Do đại dịch virus Trung Cộng bùng phát khiến nền kinh tế thế giới đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có Trung Quốc. Trong khi người dân đang phải đối mặt với gánh nặng về khó khăn tài chính, thì chế độ cộng sản lại hưởng lợi khi cưỡng đoạt tiền [từ lương hưu] và trợ cấp của những công dân cao tuổi trên chính đất nước mình.
Trong nhiều năm qua, nhiều người về hưu không những phải đối mặt với sự ngược đãi tràn lan mà còn bị giữ lại lương hưu vì đức tin của mình.
Vào tháng 04/2020, một phụ nữ nghèo theo đạo Cơ đốc ở tỉnh Hà Nam đã bị cắt khoản trợ cấp xóa đói giảm nghèo. Bitter Winter, một tạp chí trực tuyến đưa tin về tự do tôn giáo và nhân quyền ở Trung Quốc, cho biết các quan chức [địa phương] thậm chí còn gỡ bỏ tất cả các câu đối và biểu tượng tôn giáo ra khỏi nhà của bà ấy. Trong một vụ việc khác, các quan chức từ thành phố Ưng Đàm của Giang Tây đã xóa bỏ khoản trợ cấp tài chính của một phụ nữ địa phương theo đạo Cơ đốc bị liệt vì bà đã tổ chức “các buổi gặp gỡ giao lưu tôn giáo” tại nhà.
Theo dữ liệu chưa đầy đủ do Minghui.org (một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ, chuyên đưa tin về cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc), Trung Cộng đã tống tiền các gia đình của 401 học viên Pháp Luân Công với tổng số tiền hơn 1.12 triệu USD chỉ riêng trong năm 2020, trung bình khoảng 2,800 USD mỗi người. Ngoài ra, ít nhất có 161 học viên về hưu bị buộc phải trả lại tiền lương hưu mà họ đã nhận được trong thời gian họ bị giam cầm và bức hại bất hợp pháp.
Từ năm 2018 đến 2020, có hơn 3,020 học viên cao tuổi trở thành mục tiêu của Trung Cộng. Tính riêng năm ngoái (2020), có đến 1,334 học viên trên 65 tuổi đã bị bức hại. Bất chấp tuổi tác của họ, họ bị ngược đãi về thể chất và tinh thần, và một số người thậm chí còn bị bức hại đến chết, Minghui.org đưa tin. Pháp Luân Công là một môn tập thiền tâm linh cổ xưa, dựa trên các giá trị phổ quát của “chân, thiện và nhẫn.” Môn tập này được thực hành tự do trên khắp thế giới nhưng đã bị Trung Cộng đàn áp một cách tàn nhẫn ở Trung Quốc kể từ năm 1999 đến nay.
Vào năm 2020, các trường hợp học viên cao tuổi của môn tu luyện này bị cắt lương hưu đã xảy ra trên khắp Trung Quốc, từ tỉnh Liêu Ninh ở đông bắc đến tỉnh Tứ Xuyên ở tây nam. Và không có dấu hiệu dừng lại trong năm 2021. Dữ liệu được ghi lại trên Minghui.org cho thấy từ tháng 12/2020 đến tháng 01/2021, có 27 học viên khác đã bị cắt lương hưu vì kiên định vào đức tin của mình.
Tờ Bitter Winter đã đưa tin rằng vào tháng 09/2019, một địa điểm tụ họp Công giáo ở huyện Bà Dương của tỉnh Giang Tây đã được “lệnh ngừng các hoạt động tôn giáo.” Các quan chức địa phương đã đe dọa rằng các thành viên cao tuổi của hội thánh sẽ bị thu hồi lương hưu nếu còn tổ chức bất kỳ buổi gặp gỡ giao lưu nào. Các cán bộ đã dỡ bỏ cây thánh giá của nhà thờ và một bức tranh Đức Mẹ Đồng trinh, đồng thời treo lên các bức ảnh chân dung của Tập Cận Bình và Mao Trạch Đông.
Trong một vụ việc xảy ra vào năm 2017, bốn tín đồ Cơ Đốc Giáo tại gia ở độ tuổi 70 đã bị cưỡng bức áp tải đến đồn cảnh sát địa phương ở tỉnh Tứ Xuyên, và bị giam giữ cho đến 8 giờ tối cùng ngày. Một người trong số họ, người đã từng bị bắt vào năm 2010, bị cảnh cáo rằng “nếu ông ấy tiếp tục tin vào Chúa, họ sẽ hủy trợ cấp sinh hoạt phí và trợ cấp cựu chiến binh của ông,” tạp chí Bitter Winter đưa tin.
Do lo lắng một cách tuyệt vọng cho sự an toàn và sức khỏe của người vợ nằm liệt giường trong trường hợp ông bị bắt giam thêm lần nữa và bị cắt khoản trợ cấp, người đàn ông cao tuổi này đã tìm đến cái chết. May mắn là ông đã được cứu sống tại bệnh viện.
Quấy rối và giám sát liên tục
Những tín đồ cao tuổi thuộc tất cả các tín ngưỡng buộc phải sống trong nỗi sợ hãi thường trực về việc bị cảnh sát và chính quyền Trung Cộng sách nhiễu.
Hồi tháng 07/2020, những cây thánh giá đã bị buộc dỡ bỏ khỏi nhiều địa điểm tụ họp của nhà thờ Tam Tự đã được nhà nước chấp thuận ở thị trấn Lâm Nghi. Một trong những cán bộ của thị trấn nói với những người chứng kiến rằng “phải dỡ bỏ thánh giá khỏi tất cả các nhà thờ vì Cơ Đốc Giáo không thuộc về Trung Quốc,” tờ Bitter Winter đưa tin.
Trong một bài báo khác, tạp chí này cũng cho hay hồi tháng 03/2019, một nhà thờ Công giáo ở thành phố Nam Dương tỉnh Hà Nam, bị Trung Cộng coi là “bất hợp pháp,” đã bị bảy quan chức cộng sản địa phương đột kích.
Mấy vị cán bộ này đã gây ra nhiều thiệt hại, bao gồm đập phá bàn, ghế và bục Nhà thờ, cũng như lục soát nơi ở của linh mục. Hơn 400 cuốn Kinh thánh, loa phóng thanh và các vật dụng có giá trị cũng bị cướp phá. Chứng kiến sự tàn phá trong nhà thờ này, một người đàn ông khoảng 70 tuổi, người phụ trách nhà thờ, đã quở trách các quan chức Trung Cộng vì “hành động quá tàn bạo,” báo cáo cho biết.
Tức giận trước phản ứng của ông, một trong những cán bộ này đã giơ nắm đấm, tấn công người đàn ông lớn tuổi. Tuy nhiên, đúng lúc đó có một người chứng kiến nói rằng “Chúa đang theo dõi những gì con người đang làm và hành động xấu xa của Trung Cộng sẽ không được dung thứ,” nên cán bộ này đã dừng [tay] lại.
Cũng theo báo cáo của Bitter Winter, trong một vụ việc khác vào năm 2017, một Cơ Đốc nhân khiếm thính khoảng 70 tuổi, mắc bệnh tiểu đường và bệnh lao đã bị cảnh sát giam giữ và đánh đập khắp người, trong khi chân ông bị buộc vào giường. Khi các thành viên trong gia đình của ông chất vấn về lý do gì đã bắt giữ và tra tấn ông, các quan chức Trung Cộng “chỉ cáo buộc rằng tội của ông là chống đối Đảng.”
Trong một trường hợp khác, các quan chức cộng sản đã sử dụng những lời dối trá và tạo các bằng chứng giả mạo để bắt giữ một học viên Pháp Luân Công đã 80 tuổi.
Theo luật hình sự Trung Quốc, những người trên 75 tuổi sẽ được ân xá nhiều hơn. Tuổi 75 là mốc tiêu chuẩn (để thi hành luật). Tuy nhiên, theo báo cáo của The Epoch Times, Trung Cộng đã bắt giữ cụ bà Trần Quý Phân (Chen Guifen), 80 tuổi, bằng cách thay đổi năm sinh của cụ cho cụ trẻ đi 5 tuổi.
Cụ bà Quý Phân đã bị bắt giữ bất hợp pháp khi đang phát tờ rơi [cung cấp] thông tin để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại Pháp Luân Công đang diễn ra [ở Trung Quốc]. Ông Ngô Thiểu Bình (Wu Shaoping), một cựu luật sư nhân quyền ở Thượng Hải, nói rằng chính quyền cố tình thay đổi tuổi của cụ bà để họ có thể đưa ra hình phạt nghiêm khắc hơn đối với cụ.
Ông Ngô cho hay, “Điều chỉnh ngày sinh của mọi người tự nó đã là vi phạm pháp luật. Đặc biệt hành động này được làm ra vì mục tiêu của họ là tống những người vô tội vào tù.”
Bị bức hại đến chết
Ngoài việc bắt giữ phi pháp và cưỡng đoạt tài chính, Trung Cộng đã không ngần ngại tra tấn các tín đồ tâm linh cao tuổi cho đến chết.
Theo một báo cáo khác của Bitter Winter, vào ngày 19/09/2014, bà Trương Bồi Bích (Zhang Peibi), một cụ bà 82 tuổi theo Cơ Đốc Giáo ở thị trấn Thái An, quận Vạn Châu, thành phố Trùng Khánh, đã bị cưỡng bức đưa đến một lớp giáo dục chính trị và tư tưởng ở một trường tiểu học của thị trấn để “cải đạo,” theo một báo cáo khác của Bitter Winter.
Sau một đêm dài bị tra tấn tinh thần, tước đoạt giấc ngủ, và không được cho ăn, bà cụ ngã quỵ vào buổi chiều [hôm sau] trên đường trở về nhà. Con trai của bà đã đưa bà đến bệnh viện, nhưng bất chấp những nỗ lực và tiền bạc đã bỏ ra, bà đã qua đời vào ngày 22/09 – chỉ ba ngày sau khi bị đưa đi tẩy não khắc nghiệt.
Một học viên Pháp Luân Công 77 tuổi, ông Lý Thiểu Thần (Li Shaochen) ở Thiên Tân, đã bị bắt vào ngày 07/12/2016 và bị Tòa án Quận Hồng Kiều kết án 4 năm rưỡi tại nhà tù Tân Hải vào tháng 10/2017, theo một báo cáo của Minghui.
Kể từ tháng 05/2019, nhà tù nơi ông Lý bị kết án đã thực hiện một chiến dịch buộc các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của mình. Các hình thức tra tấn thể chất khác nhau cũng như không cho ngủ và bỏ đói được sử dụng để tra tấn những học viên này. Ông Lý đã qua đời hồi tháng 03/2020 do hậu quả của sự ngược đãi mà ông đã phải đối mặt ở trong tù.
Một trường hợp khác là cụ ông Phó Nghĩa Xuyên (Fu Yishuan)–một sĩ quan quân đội 92 tuổi đã về hưu, phải chịu sự bức hại trong hai thập kỷ trước khi qua đời vào tháng 09/2020. Cụ Phó, sinh sống ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, đã cảm thấy sức khỏe của mình được cải thiện đáng kể sau khi thực hành môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công. Tuy nhiên, sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu diễn ra vào năm 1999, cụ Phó liên tục bị cảnh sát sách nhiễu và tẩy não. Áp lực tinh thần đến mức không chịu nổi khiến cụ Phó đã từng bị ngất đi và phải hồi sức trong bệnh viện.
Do bị đàn áp, cụ Phó không thể sống trong căn hộ mà quân đội cấp cho, vì vậy cụ đã chuyển đến sống cùng với người thân để trốn khỏi cảnh sát. Cụ Phó đã không bao giờ có thể trở về nhà của cụ cho tới khi cụ ra đi, Minghui.org đưa tin.
Do Daksha Devnani thực hiện
Yến Nhi biên dịch
Với sự đóng góp của Arshdeep Sarao và Dorothy Li
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: