Người biểu tình Hồng Kông dùng biểu ngữ, khẩu hiệu để lách qua luật mới
Trong khoảng hơn chục người biểu tình vào giờ ăn trưa ở một khu mua sắm sang trọng tại quận Trung tâm, một người đàn ông giơ cao một tấm áp phích, khi nhìn từ xa thì có hàng chữ : “Khôi phục Hồng Kông, Thời đại Cách mạng”.
Chính quyền đã cấm dùng khẩu hiệu này, nói rằng nó mang sắc thái ly khai và vi phạm vào điều khoản cấm ly khai trong Luật An ninh Quốc gia mới ban hành.
Cảnh sát tiến vào trong khu mua sắm và xua đuổi những người đứng xem xung quanh. Họ bắt giữ người đàn ông và nói rằng khẩu hiệu đó đã bị cấm. Nhưng khi cảnh sát nhìn vào tấm biểu ngữ ở khoảng cách gần, thì không thấy chữ nào cả. Nó chỉ có các vòng tròn nổi bật trên nền đen. Họ chụp vài tấm ảnh về tấm áp phích và thả cho anh ta đi.
Luật an ninh này cấm ly khai, lật đổ và các hành động khủng bố, cũng như móc nối với các lực lượng ngoại bang, với hình phạt lên đến mức chung thân. Từ khi bộ luật này được đưa vào thực hiện, những người biểu tình ở Hồng Kông và những người ủng hộ phong trào, đã sử dụng các biện pháp khác nhau để lên tiếng mà không vi phạm pháp luật.
Ngày 30/6, trước khi bộ luật có hiệu lực, người biểu tình thường giơ lên những tấm áp phích với những khẩu hiệu lên án chính quyền Trung Quốc và kêu gọi độc lập cho Hồng Kông. Sau đó thì họ trở nên sáng tạo hơn khi tìm cách che đi các thông điệp của mình.
Nhiều người biểu tình ở các trung tâm mua sắm sang trọng giơ lên các tờ giấy trắng trống không để biểu tình, ý nói phản đối chính sách “Khủng bố trắng” của Trung Quốc . Những áp phích khác được thiết kế để tránh né các lệnh cấm. Chính quyền chưa làm rõ liệu những cách biểu đạt như vậy có bị tính là phi pháp hay không.
Bộ luật này còn trấn áp lên các “cửa hàng màu vàng”, màu sắc để ủng hộ phong trào biểu tình. Nhiều cửa hàng đã phải gỡ bỏ những tác phẩm nghệ thuật và giấy dán chứa những lời cổ vũ từ khách hàng, họ lo sợ gặp phải rắc rối với chính quyền.
Thay vào đó, một số chủ cửa hàng, như ông Tan Wong, lại đưa lên những tờ giấy trắng trống không để thể hiện sự đoàn kết với phong trào.
“Chúng tôi làm việc này bởi vì cửa hàng là tài sản tư nhân. Chúng tôi đang cố gắng nói với người Hồng Kông rằng đây là điều duy nhất mà “cửa hàng màu vàng” có thể làm”, ông Wong nói. Ông Wong đang mở một cửa hàng Gà Kok Kok, gà rán kiểu Hàn Quốc.
“Nếu chúng ta không kiên trì, thì chúng ta sẽ không thể truyền đạt những thông điệp của mình người khác”, ông nói.
Cửa hàng Cafe Yu Yee, một quán cơm kiểu Hồng Kông phục vụ thức ăn nhanh, vừa mới bọc kín các cửa sổ bằng những tờ giấy dán trống không và thậm chí còn trình diễn một biểu tượng xếp giấy origami của Gấu Pooh (Winnie the Pooh), một hình ảnh chế giễu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Các công cụ kiểm duyệt của Trung Quốc đã nhanh chóng chặn chữ “Gấu Pooh” trên mạng xã hội sau khi ngoại hình của ông Tập được so sánh với chú gấu hoạt hình này.
Ông Eddie Tsui, một khách hàng nói “Tôi đang nghĩ liệu có thể còn một điều luật nào quy định là ngay cả dán giấy trống không ở trên tường cũng là phạm pháp hay không”. Đó chỉ là những cách khác nhau để biểu đạt yêu cầu của chúng tôi. Nếu anh không cho tôi biểu tình cách này, thì tôi dùng cách khác”.
Theo ông Ma Ngok, một giáo sư chính trị tại Đại học Trung Văn Hồng Kông: Cách dùng giấy trắng hoặc giấy trống không để biểu tình là một cách phản đối khác.
“Họ dán những tờ giấy trống không lên ,do đó cho dù chính quyền có muốn khởi tố họ, cũng chẳng có gì để chống lại họ”, ông nói.
Những người biểu tình ở Hồng Kông cũng đã nghĩ ra những khẩu hiệu khác để tránh lệnh cấm đối với khẩu hiệu “Khôi phục Hồng Kông, Thời đại Cách mạng”
Một số người dùng những chữ cái đầu tiên trong chữ phiên âm của 8 chữ Hán trong khẩu hiệu trên – “GFHG, SDGM”. Một số người khác thay đổi các từ trở thành những từ khác hoàn toàn, theo kiểu đồng âm khác nghĩa. Một khẩu hiệu khác trở thành “Bảo trợ Hồng Kông, Quảng trường Thời đại”, nói về một trung tâm mua sắm nổi tiếng trong thành phố.
Một trong những bài hát của phong trào biểu tình, “Nguyện vinh quang Hương Cảng”, đã có một số lời mới, người biểu tình thay các từ bằng các con số trong tiếng Quảng Đông để nghe gần giống như lời cũ.
Các cách đi đường vòng tránh lệnh cấm này làm người ta nhớ đến người Trung Quốc đại lục sáng tạo ra đủ cách khác nhau để dùng internet, ví dụ các từ đồng âm hoặc na ná để nói về các chủ đề nhạy cảm, để tránh bị kiểm duyệt bởi “Trường thành lửa Trung Quốc ”. Tường lửa này có cơ chế xóa các bài đăng chứa những thuật ngữ nhạy cảm và khiến những từ đó không thể tìm được ra bằng công cụ online.
Giáo sư Fu King-wa, Trường báo chí, Đại học Trung văn Hồng Kông, nói: “Câu chuyện kiểm duyệt là rất dài, và người ta sẽ tìm đủ cách để đi vòng qua hệ thống kiểm duyệt đó, cho dù có đặt ra luật thế nào đi nữa”.
“Đôi khi, việc kiểm duyệt còn có thể gây phản tác dụng, khiến cho nhiều người bàn luận về vấn đề đó hơn, vì người ta nghĩ rằng nếu nó bị kiểm duyệt, thì nó phải là cái gì đó quan trọng”, ông nói.