Người Anh đón chào sự trở lại của ‘Cậu bé xanh’
Bức tranh “Cậu bé xanh” ra đời và được triển lãm tại Học viện Nghệ thuật Hoàng gia vào năm 1770. Ban đầu tranh có nhan đề là “Chân dung của một quý ông trẻ tuổi.” Vào năm 1798, bức tranh được biết đến với cái tên “Cậu bé xanh” như chúng ta gọi ngày nay. Năm 1922, “Cậu bé xanh” đã đến California Mỹ quốc và năm 2022 đánh dấu chuyến trở về nguồn cội nước Anh của tác phẩm này.
Những người đứng đầu các ngành công nghiệp của nước Mỹ có thể đã tích lũy tài sản của họ bằng nhiều cách không chính trực. Tuy nhiên, họ lại có gu thẩm mỹ tốt. Họ thường sử dụng tài sản mới kiếm được để mua các tác phẩm nghệ thuật trác tuyệt nhất của thế giới. Phần lớn các tác phẩm nghệ thuật đó đến từ những bộ sưu tập tư nhân và những viện bảo tàng của Âu Châu.
Harry E. Huntington (1850–1927) là ông trùm ngành đường sắt và là nhà sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật. Ông Huntington đã [luôn] muốn có được một tuyệt tác mà Công tước Westminster sở hữu. Đó là bức tranh “The Blue Boy” (Cậu bé xanh) được vẽ bởi họa sĩ Thomas Gainsborough, vào khoảng năm 1770. Khi bức tranh được rao bán vào năm 1921, Huntington đã trả giá cao hơn tất cả những người tham gia đấu giá khác. Với hơn 700,000 USD bỏ ra, ông đã đưa “Cậu bé xanh” đến California vào năm 1922.
Trong lòng người dân Anh, bức tranh có một vị trí đặc biệt. Người ta ước tính rằng có hơn 90,000 người đã đến ngắm bức tranh lần cuối trước khi tranh được đóng gói để vận chuyển đến Mỹ. Người phụ trách Phòng triển lãm Quốc gia, ngài Charles Holmes, thậm chí còn liều lĩnh đánh dấu ở mặt sau bức tranh một thông điệp chia tay, “Au Revoir,” như để nói, không phải là lời từ biệt, mà là “Hẹn sớm gặp lại”.
Sắc màu cuốn hút của tuổi trẻ
Bức tranh miêu tả một cậu bé ở độ tuổi thiếu niên sắp trưởng thành đang mặc áo chẽn nam và quần ống túm bằng sa tanh màu xanh lam triều đại trước. Họa sĩ Gainsborough đã cho nhân vật của mình ăn vận theo phong cách thời trang của 100 năm về trước, khi người hùng của ông, ngài Anthony van Dyck, là họa sĩ ưu tú chuyên vẽ tranh chân dung [của thời đó]. Cậu bé đứng trong tư thế contrapposto (tương phản cổ điển), với trọng lượng cơ thể đặt trên một chân bước về phía trước, giống như [trong] các tác phẩm điêu khắc của Hy Lạp cổ. Tư thế này thể hiện sự trẻ trung đầy tự tin của cậu bé khi bước vào tuổi trưởng thành.
Cậu bé nhìn trực diện vào chúng ta. Tư thế này được gọi là “nhìn hướng ra bên ngoài” – nhằm thu hút sự chú ý của khán giả vào bức tranh. [Khán giả sẽ] thưởng lãm và hoàn toàn bị hớp hồn bởi bức tranh. Nhiều người đã suy đoán xem ai là người làm mẫu cho tranh. Các nhà sử học hiện cho rằng mẫu hình nhân vật là Gainsborough Dupont, cháu trai và là người học việc của ngài Thomas Gainsborough.
Họa sĩ Gainsborough đã tô điểm trang phục của cậu bé bằng màu xanh lam mờ ảo lấp lánh. Ông sử dụng sơn màu để khiến cho bộ y phục bằng lụa lung linh trong ánh sáng. Phong cảnh nước Anh ở phông nền có màu nâu mờ đục, tương phản hoàn toàn với sự bừng sáng của nhân vật ở chính diện.
Hai cậu bé
Ngài Joshua Reynolds và ngài Gainsborough nổi tiếng là hai kỳ phùng địch thủ chuyên nghiệp. Họ là những đối thủ mang tính tích cực nhất [mà chúng ta] có thể thấy. Mỗi người [trong hai người họa sĩ] lại đưa ra thách thức với người kia để đối phương nâng cao năng lực của bản thân. Họ được biết đến là những người thân thiện, nhưng không phải là bạn bè, và họ luôn quan sát các tác phẩm của nhau. Dẫu vậy, vào cuối đời, họa sĩ Gainsborough đã bày tỏ cảm xúc của mình đối với vị đồng nghiệp đáng kính trong một lá thư: “Với một trái tim chân thành, tôi có thể nói rằng tôi luôn ngưỡng mộ và thật tâm quý mến ngài Joshua Reynolds.”
Hai họa sĩ lỗi lạc vẫn kính trọng nhau cho dù bất đồng quan điểm với nhau về kỹ thuật vẽ tranh. Trong một bài viết có nhan đề “Thời đại hoàng kim của tranh chân dung”, ngài Reynolds đã nói về cách tiếp cận tự do hơn của ngài Gainsborough: “Những nét quệt và in dấu kỳ lạ ấy … một cách thần kỳ nào đó … đã bắt đầu tạo thành một bức hình”. Ngài Reynolds cho rằng những gam màu lạnh, chẳng hạn như xanh lam, không bao giờ có thể được sử dụng làm tâm điểm cho một tác phẩm nghệ thuật. Chỉ có những sắc màu ấm hơn – [ví dụ như] đỏ, cam, vàng, và nâu – nên được làm nổi bật ở tiền cảnh. Trong khi đó, các tông màu lạnh hơn như xanh lam, xanh lục, xám, và tím thì nên để ở hậu cảnh.
Ngài Reynolds đã từng thuyết minh về tầm quan trọng của việc sử dụng tông màu ấm ở tiền cảnh. Vào khoảng năm 1764, ông đã phác họa chân dung một thanh niên quý tộc trong tư thế thoải mái. Cậu thanh niên mặc một bộ suit màu nâu mịn mượt [và] bao quanh cậu là những mảng màu xanh lam dịu nhẹ. Bức tranh có tên là: Chân dung của ngài Thomas Lister, hay còn gọi là “Cậu bé nâu”. Ngài Lister sau này trở thành Nam tước Ribblesdale đầu tiên của trang viên Gisburne Park.
Có vẻ như đây là một thách thức mà đối thủ thân thiện của ông {là ngài Gainsborough} không thể chối từ. Và bức tranh “Cậu bé xanh” ra đời rồi được triển lãm tại Học viện Nghệ thuật Hoàng gia vào năm 1770. Ban đầu tranh có nhan đề là “Chân dung của một quý ông trẻ tuổi.” Vào năm 1798, tranh được biết đến với cái tên “Cậu bé xanh” như chúng ta gọi ngày nay.
Một cậu bé và một cô bé khác
Tác phẩm yêu thích của họa sĩ Gainsborough có khả năng tạo nên danh tiếng cho những bức tranh khác. Mới đây, Phòng triển lãm Quốc gia đã mua lại một bức tranh khác cũng vẽ một cậu bé. Bức tranh có tựa đề “Cậu bé đỏ” của họa sĩ Thomas Lawrence, được hoàn thành trong khoảng những năm 1818-1825. Trong tranh là một cậu bé nhỏ tuổi hơn nhiều, có thể 6 hoặc 7 tuổi, đang ngồi trên ghế và mặc một bộ quần áo nhung đỏ. Bức tranh được ủy quyền sáng tác bởi cha của cậu bé, ngài John George Lambton, người đã trở thành vị Bá tước đầu tiên của Durham vào năm 1833.
Trở lại California, dinh thự của ông trùm Huntington ở San Marino đã được cách tân vào năm 1934 bằng cách mở thêm một phòng triển lãm mới. Đó là vì Ngài Huntington muốn trưng bày bức tranh quý giá nhất trong bộ sưu tập của mình dưới ánh sáng tốt nhất. Năm 1927, ông mua bức vẽ một cô gái trẻ. Bức tranh được hoàn thành năm 1794, cũng được vẽ bởi họa sĩ Lawrence. Tranh đã được trưng bày cùng với bức “Cậu bé xanh”. Hai bức tranh này là tâm điểm chú ý của Thư viện và Bảo tàng Huntington.
Cô bé trong tranh là Sarah Goodin Barrett Moulton, với biệt danh “Pinkie” (Cô bé hồng) do gia đình đặt. Họa sĩ Lawrence đã vận cho cô gái trẻ kiểu thời trang thịnh hành thời đó. Cô bé, được cho là 11 tuổi khi bức tranh ra đời, đang mặc một chiếc đầm màu hồng kiểu Hy Lạp cổ tung bay trong gió. Cô bé được triển hiện [trước mắt các khán giả khi đang] trong thời kỳ đỉnh cao của vẻ đẹp trẻ trung, nữ tính. Giống như bức “Cậu bé xanh”, cô bé [trong tranh] đang nhìn thẳng trực tiếp vào chúng ta. Họa phẩm giàu sức sống của ngài Lawrence đã mô phỏng lại [cách vẽ] của ngài Gainsborough, khiến cho bức chân dung trông sống động ngay khi [ta] nhìn vào. Làn gió nhẹ thổi qua chiếc đầm của cô bé ám chỉ rằng vẻ đẹp tự nhiên của cô sẽ sớm tàn phai. Sarah Moulton qua đời ở tuổi 12, và tình cờ, là dì của Elizabeth Barrett Browning*.
* Elizabeth Barrett Browning: một trong những nhà thơ người Anh nổi bật nhất của thời đại Victoria.
Tuy rằng cô bé Pinkie đang vận lên mình một chiếc đầm theo phong cách thời Napoléon khi đó, và họa sĩ Gainsborough cũng như họa sĩ Lawrence đều là những người cùng thời, bộ trang phục của “Cậu bé xanh” lại được vẽ theo kiểu phong cách thời trang của 100 năm về trước để tôn vinh họa sĩ van Dyck.
Trở lại với Phòng triển lãm Quốc gia
Mong nguyện lúc chia tay của ngài Charles Holmes đang được hoàn thành. Gần 100 năm kể từ ngày ra đi, bức tranh “Cậu bé xanh” đã trở về cội nguồn của mình ở nước Anh. Thư viện và Bảo tàng Nghệ thuật Huntington đã hoàn thiện việc khôi phục toàn diện bức tranh vào năm 2020. Sau đó, tranh được gửi đến Phòng triển lãm Quốc gia. Tranh sẽ được trưng bày ở đó cho đến tháng 05/2022.
Ngày nay, bức tranh “Cậu bé xanh” là một biểu hiện [nghệ thuật] phổ quát cho quá trình trưởng thành. Bức tranh cho thấy rằng một bức chân dung không còn chỉ là đặc quyền của hoàng gia hay tầng lớp thượng lưu. Hai họa sĩ nổi tiếng của thế kỷ 18 đều vẽ những cậu bé đang ở trên đỉnh cao của độ tuổi trưởng thành. Một người là quý tộc trong tư thế thụ động hơn và dường như mờ dần vào khung nền. Người còn lại, một thường dân, bước tới tương lai của mình với cả hai bờ Đại Tây Dương đang không ngừng cổ vũ cậu ấy.
Nhã Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: