Người Afghanistan mắc kẹt trong nước xóa tài khoản mạng xã hội khi thiết bị giám sát của Hoa Kỳ rơi vào tay Taliban
Các đồng minh Afghanistan của Hoa Kỳ được cho là đang gấp rút xóa một loạt các tài khoản trên mạng xã hội của họ, do lo ngại rằng họ có thể trở thành mục tiêu của các hoạt động giám sát trực tuyến của Taliban. Trong khi đó, những người ủng hộ quyền riêng tư đang nêu lên mối lo ngại cho rằng chương trình dữ liệu của Hoa Kỳ có thể bị Taliban kế thừa, điều có nguy cơ sẽ dẫn đến hậu quả đe dọa tới các quyền tự do dân sự ở Hoa Kỳ.
Hôm 16/08, Tổ chức Nhân quyền Trước tiên (Human Rights First) có trụ sở tại New York thông báo rằng phiến quân Taliban đã chiếm được các công cụ giám sát của Hoa Kỳ. Những thiết bị này, được gọi là Thiết bị Phát hiện Nhận dạng Liên hợp Cầm tay (HIIDE), được quân đội sử dụng để quét sinh trắc học cho người dân Afghanistan nhằm đối chiếu với các dấu vân tay trên các thiết bị nổ ngẫu hứng (IED), và dùng cho các cuộc điều tra pháp y khác.
Tổ chức nhân quyền này cảnh báo, “Chúng tôi biết rằng Taliban hiện có khả năng có quyền truy cập vào nhiều cơ sở dữ liệu và thiết bị sinh trắc học khác nhau ở Afghanistan, bao gồm cả một số thiết bị do lực lượng quân đội liên minh để lại. Công nghệ này có thể bao gồm quyền truy cập vào một cơ sở dữ liệu dấu vân tay và bản quét mống mắt, cũng như bao gồm công nghệ nhận dạng khuôn mặt.”
Tổ chức Nhân quyền Trước tiên đã đưa ra những lời khuyên cho cho các đồng minh Afghanistan, trong đó có các hướng dẫn đa ngôn ngữ về cách bảo vệ danh tính kỹ thuật số của họ.
Cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh có nhiều báo cáo về việc người dân Afghanistan xóa tài khoản mạng xã hội trong một nỗ lực nhằm bảo vệ quyền riêng tư của họ khỏi Taliban. Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) được cho là đã gửi email tới các đối tác của mình ở Afghanistan để “xóa ảnh và thông tin có thể khiến các cá nhân hoặc các nhóm gặp nguy hiểm.”
Cựu công tố viên Quân đội Hoa Kỳ John Maher nói với The Epoch Times rằng cảnh báo đặc biệt về việc Taliban sử dụng thiết bị HIIDE này có thể đã bị phóng đại quá mức.
Ông Maher, người từng làm việc cho chương trình sinh trắc học Afghanistan trong thời gian làm quản lý chương trình của Trung tâm Tư pháp ở Parwan, nói rằng các thiết bị HIIDE được bảo vệ bằng mật khẩu. Ông cho hay, sau khi một người lính sử dụng thiết bị này và tải dữ liệu lên cơ sở dữ liệu trung tâm, giao thức sẽ xóa sạch [dữ liệu trên] thiết bị đó.
“Ngay cả khi [Taliban] có thể xâm nhập vào thiết bị đó, họ sẽ nhận được một danh sách chưa được phân loại của lực lượng của chính họ,” ông Maher, người cũng đã sử dụng bằng chứng sinh trắc học ở Afghanistan trong một chiến dịch thành công—mặc dù gây tranh cãi—để yêu cầu cựu Tổng thống Donald Trump ân xá cho một người lính bị kết tội sát hại thường dân, cho biết thêm.
Bàn về vấn đề rộng hơn—việc Taliban tiến hành các hoạt động giám sát để định vị các đối thủ của họ, ông Maher cho biết ông nghĩ rằng Taliban sẽ cần được các chính phủ giàu kinh nghiệm hơn như Trung Quốc hoặc Iran hỗ trợ.
Ông Maher cho hay, “Tôi không nghĩ rằng Taliban sành sỏi tới mức đó.” Ngoài ra, ông cũng nói với The Epoch Times rằng ông đang giúp các đồng minh Afghanistan rời khỏi nước này thông qua Misbah Maher Consultancy, công ty chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Hoa Kỳ-Afghanistan của mình.
Mặc dù các thiết bị HIIDE này có thể không gây rủi ro cho người Afghanistan, nhưng trước đây Taliban đã từng sử dụng các hệ thống sinh trắc học để nhắm vào các đối thủ của họ. Ví dụ, theo một báo cáo năm 2016 của TOLOnews, vào năm 2016, nhóm phiến quân này được cho là đã sử dụng một cơ sở dữ liệu của chính phủ để kiểm tra xem liệu các hành khách đi xe buýt có phải là thành viên lực lượng an ninh hay không.
Viện sĩ cao cấp của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ Klon Kitchen cho biết, những rủi ro an ninh do các thiết bị giám sát bị bỏ lại của Hoa Kỳ gây ra chỉ là một trong nhiều hậu quả của cuộc rút quân vụng về của Hoa Kỳ.
Ông Klon nói trong bản tin hàng tuần của mình rằng một cuộc rút quân đúng nghĩa sẽ phải bao gồm việc xóa tất cả các tệp tin kỹ thuật số trong các cơ sở và máy chủ của Hoa Kỳ ở Afghanistan, phá hủy tất cả các máy điện toán và thiết bị vật lý khác, và làm việc với các công ty công nghệ và các nền tảng truyền thông xã hội để bảo vệ danh tính của người dân Afghanistan.
Trong khi đó, theo ông Maher, dữ liệu sinh trắc học thu thập từ hàng chục triệu người dân Afghanistan vẫn nằm trong các cơ sở dữ liệu của chính phủ Hoa Kỳ, có khả năng được FBI, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) và các cơ quan khác sử dụng để điều tra. Ông cho hay, “Giờ thì đó đã là dữ liệu liên ngành.”
Bộ Quốc Phòng (DoD) đã không phúc đáp các nghi vấn của The Epoch Times về hiện trạng cũng như tính bảo mật của dữ liệu từ Afghanistan, kể cả nghi vấn về việc liệu có bất kỳ cơ sở dữ liệu tập trung nào vẫn còn lưu lại ở Afghanistan hay không.
Hệ lụy về mặt xã hội
Nhìn một cách khái quát hơn, chương trình sinh trắc học của DoD đã làm dấy lên tranh luận về vai trò của loại hình công nghệ này trong xã hội.
Nói về những lo ngại về việc chính phủ thu thập dữ liệu sinh trắc học, ông Maher cho hay, “Không có gì phức tạp hơn dữ liệu dấu vân tay, vốn đã hơn 100 năm tuổi.”
Những người ủng hộ chỉ ra những lợi ích trong việc chống tội phạm. Cùng với vô số những vụ án được giải quyết bằng cách thu thập dấu vân tay, các chuyên gia pháp y đã có những đột phá trong phân tích ADN—giúp các nhân viên chấp pháp giải quyết những bí ẩn như vụ án “Kẻ sát nhân Golden State.”
Những người ủng hộ cũng nói rằng việc thu thập dữ liệu sinh trắc học của công dân cho phép chính phủ thiết lập danh tính kỹ thuật số—giúp cho mọi người đi lại, mở tài khoản ngân hàng, tiếp nhận dịch vụ chăm sóc y tế, và tiếp cận các dịch vụ xã hội khác một cách dễ dàng hơn.
Một trang web của Liên Hiệp Quốc quảng cáo về ID Kỹ thuật số của tổ chức này cho hay, “Hãy tưởng tượng một thế giới mà việc gia nhập [U.N.] với tư cách là nhân viên mới chỉ mất bốn giờ thay vì mất năm ngày. Để chứng minh quý vị đủ điều kiện nhận lương hưu của Liên Hiệp Quốc, chỉ mất hai phút bằng điện thoại thông minh trong lòng bàn tay của quý vị, so với hai tháng bằng cách sử dụng dịch vụ thư từ xưa cũ. ID Kỹ thuật số của Liên Hiệp Quốc chính là công cụ nền tảng để hỗ trợ cho tất cả những hoạt động này và nhiều mục đích sử dụng khác.”
Tuy nhiên, những người ủng hộ quyền tự do dân sự và quyền riêng tư đã nêu ra những lo ngại về việc các chính phủ sử dụng dữ liệu sinh trắc học cho mục đích đàn áp.
Trong cuốn sách của bà về dự án sinh trắc học của DoD, “First Platoon” (“Trung đội Đầu tiên”), tác giả Annie Jacobsen đã so sánh chương trình của Afghanistan với chương trình “Toàn Dân Thể Kiểm” (tạm dịch: “Khám Sức khỏe Toàn dân”) của Đảng Cộng sản Trung Quốc dành cho người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở đó.
Bà Jacobsen viết, “Ngoài các mẫu DNA, chương trình Toàn Dân Thể Kiểm đã thu thập dữ liệu sinh trắc học trên 36 triệu người Duy Ngô Nhĩ Trung Quốc—bao gồm cả bản quét mống mắt, hình ảnh khuôn mặt, dấu giọng nói, v.v.”
“Các nhóm nhân quyền đã đúng khi lên án điều này, nhưng họ vẫn chưa thừa nhận rằng chương trình Toàn Dân Thể Kiểm này được mô phỏng trực tiếp theo chương trình của Ngũ Giác Đài ở Afghanistan.”
Bà Jacobsen lập luận thêm rằng chương trình ở Afghanistan có thể du nhập vào quê nhà Hoa Kỳ dưới hình thức công nghệ truy vết tiếp xúc và giấy thông hành vaccine. Bà chỉ ra rằng chính công ty đã xây dựng nhu liệu cho chương trình ở Afghanistan, Palantir, hiện đang làm việc với Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS) “để tập hợp các bộ dữ liệu không cùng loại lại với nhau và cung cấp khả năng hiển thị tốt hơn cho HHS về sự lây lan của COVID. ”
Bà viết, “Quan điểm cho rằng những gì đang xảy ra ở Trung Quốc—tức là ngân hàng dữ liệu bắt buộc dành cho dữ liệu sinh học của toàn bộ dân số, bao gồm cả DNA—không bao giờ có thể xảy ra ở Hoa Kỳ là một quan điểm lạc quan. Đại dịch năm 2020 đã tạo ra sự hứng khởi cho các chương trình truy vết tiếp xúc do chính phủ dẫn đầu ở Hoa Kỳ, mở ra cánh cửa dẫn tới ngân hàng dữ liệu sinh học của người Mỹ cho các chương trình cấp quân sự.”
“Bởi vì dịch bệnh nằm ở trung tâm của mối đe dọa mới này, nên thực tế là các mẫu tế bào DNA của công dân được chính phủ quan tâm không còn là chuyện khoa học viễn tưởng nữa.”
Nhà hoạt động chống chiến tranh Scott Horton đồng ý với quan điểm của bà Jacobsen, khi lập luận rằng sự phản đối trong nước là hậu quả có thể lường trước của các cuộc chiến tranh ở ngoại quốc.
“Chỉ cần nhìn vào Đạo luật Yêu nước: Luật đó lẽ ra phải bảo vệ chúng ta khỏi những kẻ khủng bố, nhưng họ sử dụng nó mọi lúc mọi nơi,” ông nói.
Ông Horton, giám đốc biên tập của trang antiwar.com và là tác giả của cuốn sách “Fool’s Errand: Time to End the War in Afghanistan” (“Việc Làm Vô Nghĩa: Đã Đến Lúc Kết Thúc Chiến Tranh ở Afghanistan”), cho biết lần này, những người theo xu hướng bảo tồn truyền thống có thể là nạn nhân của sự phản đối đó khi các cơ quan liên bang của Hoa Kỳ tăng cường các hoạt động giám sát trong nước.”
Ông Horton nói với The Epoch Times, “Quý vị biết đấy, những người ủng hộ cuộc chiến tranh này đang phải gánh chịu phần lớn hậu quả.”
“Cuộc chiến chống khủng bố đã tới trước cửa nhà. Đó là điều vẫn luôn xảy ra.”
Ông Ken Silva đưa tin về các vấn đề an ninh quốc gia cho The Epoch Times. Kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực truyền thông của ông cũng bao gồm mảng an ninh mạng, tội phạm và tài chính tại hải ngoại – bao gồm ba năm làm phóng viên ở Quần đảo Virgin thuộc Anh Quốc và hai năm ở Quần đảo Cayman. Quý vị có thể liên lạc với ông tại [email protected]
Nhóm phụ trách tin tức Anh ngữ của Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: