Ngũ Giác Đài phản ứng trước vụ phóng thử hỏa tiễn ‘Satan 2’ của Nga
Hôm thứ Tư (20/04), Ngũ Giác Đài cho biết Nga đã thông báo trước cho Hoa Kỳ về một vụ phóng thử hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa.
Ngũ Giác Đài cho biết vụ phóng thử hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa Sarmat đầu tiên của Nga, một loại hỏa tiễn mới bổ sung vào kho vũ khí hạt nhân của nước này, không được coi là một “mối đe dọa” đối với Hoa Kỳ và các đồng minh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trên kênh truyền hình nhà nước đã mô tả hỏa tiễn này là một “vũ khí thực sự độc đáo.”
Vũ khí này sẽ “củng cố tiềm lực chiến đấu của các lực lượng vũ trang nước ta, bảo đảm vững chắc an ninh của Nga khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài và xứng đáng khiến cho những người sục sôi với luận điệu hung hăng điên cuồng, và đang cố gắng đe dọa đất nước chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc,” ông Putin cho biết.
Ông Putin nói, “Tổ hợp mới này có tính năng chiến thuật và kỹ thuật cao nhất và có khả năng vượt qua mọi phương tiện phòng thủ chống hỏa tiễn hiện đại. Nó không có phiên bản tương tự trên thế giới và sẽ không có trong một thời gian dài sắp tới.”
RS-28 Sarmat được NATO mệnh danh là “Satan 2”. Nó được coi là hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa mạnh nhất của Nga.
Đáp lại, Ngũ Giác Đài nói rằng họ coi cuộc thử nghiệm này như một thông lệ.
Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby nói trong một cuộc họp báo: “Việc thử nghiệm là thủ tục thường lệ, và không có gì phải ngạc nhiên cả.”
Ông Kirby cho biết cơ quan này “không coi vụ phóng thử đó là một mối đe dọa đối với Hoa Kỳ hoặc các đồng minh của mình.”
Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ, Nga dự kiến sẽ khai triển Sarmat vào cuối năm nay với 10 đầu đạn trở lên trên mỗi hỏa tiễn.
Hôm thứ Tư (20/04), Bộ Quốc phòng Nga cho biết hỏa tiễn này đã được phóng từ phi trường vũ trụ Plesetsk, nằm cách thủ đô Moscow 800km về phía bắc, thuộc vùng Arkhangelsk phía bắc. Nó tấn công các mục tiêu ở bán đảo Kamchatka ở vùng viễn đông của Nga, cách đó khoảng 6,000 km.
“Vụ phóng thử này là vụ phóng đầu tiên trong chương trình thử nghiệm của chính phủ. Sau khi hoàn thành chương trình thử nghiệm này, hệ thống hỏa tiễn Sarmat được thử nghiệm sẽ trở thành một phần của lực lượng hỏa tiễn chiến lược,” quân đội Nga cho biết trong một tuyên bố sau vụ phóng thử hỏa tiễn.
Nhắc lại tuyên bố của ông Putin, Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm rằng Sarmat sẽ làm cho sức mạnh tiềm lực hạt nhân của Moscow nâng lên một tầm cao mới.
Cơ quan này cho biết: “Hỏa tiễn Sarmat có những đặc điểm khác biệt cho phép nó chắc chắn vượt qua mọi hệ thống phòng thủ hỏa tiễn hiện tại và trong tương lai.”
Vụ phóng thử này diễn ra vào thời điểm căng thẳng địa chính trị cực độ do cuộc xâm lược nước láng giềng Ukraine của Nga, vốn bắt đầu hôm 24/02.
Ngũ Giác Đài “vẫn chú tâm vào cuộc xâm lược phi pháp và vô cớ của Nga đối với Ukraine,” ông Kirby nói với các phóng viên.
Cô Isabel van Brugen là một ký giả từng đạt giải thưởng, hiện đang là một phóng viên tin tức tại The Epoch Times. Cô tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ Báo chí tại trường City, Đại học London.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: