Ngũ Giác Đài đưa các công ty công nghệ mới của Trung Quốc liên kết với quân đội nước này vào danh sách đen
Ngũ Giác Đài cho biết việc cập nhật danh sách này là ‘một nỗ lực quan trọng liên tục để nêu bật và chống lại’ chiến lược hợp nhất quân sự-dân sự của chính quyền Trung Quốc.
Hôm 31/01, Ngũ Giác Đài đã bổ sung hơn một chục công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen (backlist) các công ty có liên kết với quân đội Trung Quốc.
Theo Bộ Quốc phòng (DOD), trong số các công ty mới được thêm vào có nhà sản xuất vi mạch bộ nhớ YMTC, công ty trí tuệ nhân tạo Megvii, nhà sản xuất thiết bị bay không người lái JOUAV Thành Đô, nhà sản xuất ra đa phát sáng từ tia laser (lidar) Hesai Technology, và công ty công nghệ NetPosa.
Trong một thông cáo báo chí, Ngũ Giác Đài cho biết việc cập nhật danh sách này là “một nỗ lực quan trọng liên tục để nêu bật và chống lại” chiến lược hợp nhất quân sự-dân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng nói thêm rằng “chiến lược” này “trợ giúp các mục tiêu hiện đại hóa của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) bằng cách bảo đảm cho lực lượng này có thể giành được các công nghệ và khả năng chuyên môn tân tiến” được phát triển bởi các công ty, trường đại học, và chương trình nghiên cứu của Trung Quốc mà có vẻ là các tổ chức dân sự.
Những công ty mới được bổ sung này đã nâng tổng số lên hơn 70 công ty Trung Quốc nằm trong danh sách bị Hoa Kỳ xác định là công ty quân sự Trung Quốc. Danh sách này đã bao gồm các công ty lớn của Trung Quốc, như Huawei, nhà sản xuất vi mạch SMIC, công ty hàng không AVIC, BGI Genomics Co, China Mobile, công ty năng lượng CNOOC, và Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc.
Việc xác định này được yêu cầu theo Mục 1260H của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng, đạo luật chỉ thị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hàng năm phải cập nhật một danh sách các công ty quân sự Trung Quốc cho đến ngày 31/12/2030. Ngũ Giác Đài bắt đầu đưa ra danh sách này từ tháng 06/2020.
Trước đó, hôm 29/01, các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đã gửi thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, thúc giục DOD công bố danh sách này. Bức thư nêu ra những lo ngại về việc Bộ Quốc phòng không công bố danh sách này theo như yêu cầu. Bức thư cũng yêu cầu Ngũ Giác Đài “cập nhật quy trình xác định cách mà Bộ Quốc phòng phát triển, cập nhật, và công bố danh sách.”
Các thượng nghị sĩ lưu ý: “Những nỗ lực của Trung Quốc đe dọa đến sự tín nhiệm, tính minh bạch, sự có đi có lại, và các giá trị chung làm nền tảng cho sự hợp tác khoa học và công nghệ quốc tế và các hoạt động kinh doanh toàn cầu công bằng.”
“Bằng cách bí mật và lợi dụng, Trung Quốc đang mua lại tài sản trí tuệ, nghiên cứu quan trọng, và các tiến bộ công nghệ của công dân, nhà nghiên cứu, học giả, và ngành công nghiệp tư nhân trên thế giới để thúc đẩy các mục tiêu quân sự của mình,” họ nói.
Ông Craig Singleton, một thành viên cao cấp tại Tổ chức Bảo vệ Các nền dân chủ, cho biết: “Danh sách 1260H được cập nhật của Bộ Quốc phòng nhấn mạnh cam kết vững chắc của Trung Quốc đối với chiến lược hợp nhất quân sự-dân sự của nước này.”
Ông nói thêm: “Việc được đưa vào 1260H gây ra rủi ro lớn về danh tiếng cho các công ty Trung Quốc,” đồng thời lưu ý rằng một số công ty Trung Quốc đã cố gắng để được loại ra khỏi danh sách này.
Mặc dù việc bị đưa vào danh sách này không liên quan đến lệnh cấm ngay lập tức, nhưng có thể là một đòn giáng mạnh vào danh tiếng của các công ty được xác định và cũng là lời cảnh báo rõ ràng đối với các tổ chức và công ty Hoa Kỳ về những rủi ro khi tiến hành kinh doanh với những công ty này. Việc này cũng có thể gây thêm áp lực lên Bộ Ngân khố khi xử phạt các công ty này.
Ngoài ra, Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng đã bổ sung một số nội dung vào danh sách “Mục 1260H”, cấm DOD dựa theo Mục 805 của luật này để ký hợp đồng với bất kỳ công ty nào được xác định nào trong những năm tới.
Ngăn chặn đầu tư vào quân đội Trung Quốc
Tháng 11/2020, Tổng thống Donald Trump đã ban hành Sắc lệnh 13959 nhằm tạm dừng đầu tư vào các công ty có liên kết với quân đội Trung Quốc, viện lý do là đe dọa đến an ninh quốc gia.
Sau đó vào tháng 06/2021, Tổng thống Joe Biden đã mở rộng lệnh này với Sắc lệnh 14032, cấm các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty liên kết với ngành quân sự hoặc giám sát của Trung Quốc. Ông cho rằng chiến lược “hợp nhất quân sự-dân sự” của chính quyền Trung Quốc là nguyên nhân, vì chiến lược này yêu cầu các công ty dân sự ở Trung Quốc phải đóng góp trực tiếp cho các hoạt động quân sự và tình báo của chính quyền.
“Tổ hợp quân sự-công nghiệp của chính quyền Trung Quốc … tiếp tục tạo thành một mối đe dọa bất thường và đặc biệt, vốn bắt nguồn toàn bộ hoặc phần lớn ở bên ngoài Hoa Kỳ, đối với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại, và nền kinh tế của Hoa Kỳ,” Tổng thống Biden lưu ý.
Hồi tháng 08/2023, Tổng thống Biden cũng đã ký một sắc lệnh cấm các khoản đầu tư ra ngoại quốc của Hoa Kỳ đưa vào các công nghệ quan trọng vốn “thúc đẩy đáng kể năng lực quân sự, tình báo, giám sát, hoặc năng lực mạng” ở Trung Quốc.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng đã giới thiệu các dự luật của Quốc hội để ngăn chặn và theo dõi các khoản đầu tư của Hoa Kỳ chảy vào các công ty Trung Quốc giúp chính quyền Trung Quốc củng cố quân đội.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và Andrew Thornebrooke
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times