Ngũ Giác Đài: Đề nghị gửi chiến đấu cơ đến Ukraine của Ba Lan là không khả thi
Cuối ngày 08/03, Ngũ Giác Đài cho biết rằng đề nghị gửi chiến đấu cơ của Ba Lan là không khả thi, sau khi Bộ Ngoại giao Ba Lan tuyên bố sẽ khai triển phi cơ phản lực MiG-29 đến Căn cứ Không quân Ramstein của Không quân Hoa Kỳ tại Đức “và đặt chúng dưới quyền sử dụng của Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.”
Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết thêm, việc khai triển 28 chiếc MiG-29 sẽ diễn ra ngay lập tức và miễn phí. “Đồng thời, Ba Lan yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp cho chúng tôi các phi cơ đã qua sử dụng với khả năng hoạt động tương ứng,” bộ cho biết trong một tuyên bố.
Chính phủ Ba Lan cũng kêu gọi các quốc gia thành viên NATO khác sở hữu phi cơ MiG-29 chuyển giao phi cơ của họ cho Hoa Kỳ.
Trong một tuyên bố vào cuối ngày 08/03, Tham vụ Báo chí Ngũ Giác Đài John F. Kirby cho biết: “Viễn cảnh chiến đấu cơ ‘theo sự điều động của Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ’ khởi hành từ căn cứ của Hoa Kỳ/NATO ở Đức để bay vào không phận đang tranh chấp với Nga trên bầu trời Ukraine làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng đối với toàn bộ liên minh NATO.”
“Chúng tôi chỉ đơn giản là không rõ có lý do căn bản nào cho việc hành xử như thế. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn với Ba Lan và các đồng minh NATO khác của chúng tôi về vấn đề này và những thách thức khó khăn về hậu cần mà nó đặt ra, nhưng chúng tôi không tin rằng đề nghị của Ba Lan là một đề nghị khả thi,” ông cho biết.
Ông Kirby cho biết Hoa Kỳ “hiện đang liên lạc” với chính phủ Ba Lan về vấn đề này.
Ông lưu ý: “Như chúng tôi đã nói, quyết định về việc có chuyển các phi cơ thuộc sở hữu của Ba Lan cho Ukraine hay không là của chính phủ Ba Lan. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn với các Đồng Minh và đối tác của chúng tôi về hỗ trợ an ninh đang tiếp diễn của chúng tôi cho Ukraine, bởi vì trên thực tế, đề nghị của Ba Lan chỉ cho thấy một phần sự phức tạp mà vấn đề này đặt ra.”
Trước đó vào cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Victoria Nuland nói với các nhà lập pháp rằng thông báo của chính phủ Ba Lan về việc gửi chiến đấu cơ “chưa được tham vấn trước với chúng tôi”. Bà cho biết bà chỉ mới biết về đề nghị này khi đang lái xe để đến làm chứng về cuộc khủng hoảng Ukraine trước Ủy ban Ngoại giao Thượng viện.
Kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang vào ngày 24/02, Ukraine đã yêu cầu các đồng minh phương Tây gửi chiến đấu cơ và vũ khí, đồng thời áp đặt vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine.
Người đứng đầu NATO và các quan chức Tòa Bạch Ốc cho biết họ không xem xét vùng cấm bay, vì điều đó có nghĩa là phi cơ của NATO hoặc Hoa Kỳ sẽ phải bắn hạ phi cơ của Nga.
Hôm 05/03, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng bất kỳ quốc gia nào áp đặt vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine sẽ bị coi là tham gia vào cuộc xung đột.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hôm 06/03 rằng bất kỳ quốc gia nào để phi cơ do Ukraine vận hành tấn công quân đội Nga từ lãnh thổ của quốc gia đó sẽ bị coi là tham gia vào cuộc xung đột.
Cả NATO và Liên minh Âu Châu đều không muốn bị coi là bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trước đó đã tuyên bố vào hôm 01/03 rằng NATO sẽ không trực tiếp chuyển phi cơ vào không phận Ukraine. Ông nói: “Chúng tôi sẽ không gửi bất kỳ phi cơ phản lực nào đến Ukraine vì điều đó sẽ mở ra một cuộc can thiệp quân sự vào cuộc xung đột Ukraine. Chúng tôi sẽ không tham gia cuộc xung đột đó. NATO không phải là một bên trong cuộc xung đột đó.”
Hoa Kỳ cũng không có kế hoạch chuyển trực tiếp phi cơ cho Ukraine.
Hoa Kỳ cho biết hôm 06/03 rằng họ đang xem xét một đề nghị, theo đó Ba Lan sẽ cung cấp cho Ukraine các phi cơ MiG-29 và đổi lại nhận được các phi cơ F-16 của Mỹ. Các phi công Ukraine được đào tạo để lái những chiếc MiG-29, loại phi cơ được Liên Xô sản xuất lần đầu tiên vào những năm 1970.
Theo đề nghị này, Ba Lan sẽ chuyển các chiến đấu cơ đến căn cứ của Hoa Kỳ ở Đức, nơi chúng sẽ được sơn lại và bay đến một quốc gia không thuộc NATO, không thuộc Liên minh Âu Châu; các phi công Ukraine sau đó sẽ lái chúng đến Ukraine.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết hôm 06/03 trong một cuộc phỏng vấn với CBS News rằng đề nghị này “đã được bật đèn xanh”. Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield cũng nhắc lại thông điệp này vào cùng ngày trong cuộc phỏng vấn trên ABC.
“Chúng tôi đã tham vấn chặt chẽ với chính phủ Ba Lan cũng như với các đồng minh NATO khác của chúng tôi về vấn đề này. Chúng tôi không phản đối việc chính phủ Ba Lan cung cấp các phản lực cơ này cho Ukraine theo bất kỳ cách nào, và chúng tôi đang làm việc, như quý vị đã lưu ý, để xem chúng tôi có thể bù đắp trở lại như thế nào,” bà Thomas-Greenfield nói tại thời điểm đó.
Các thành viên NATO từng thuộc Liên Xô cũ là Bulgaria và Slovakia vẫn có chiến đấu cơ do Liên Xô sản xuất trong lực lượng không quân của họ. Nghị viện Ukraine trước đó đã tuyên bố hôm 01/03 rằng Ba Lan, Slovakia, và Bulgaria sẽ gửi các phi cơ MiG-29 do Nga sản xuất. Các quan chức quốc phòng của Bulgaria và Slovakia kể từ đó đã làm rõ rằng họ không có kế hoạch gửi phi cơ đi như vậy.
Cô Mimi Nguyen Ly là một phóng viên sống và làm việc tại Úc, phụ trách đưa tin về thời sự thế giới với trọng tâm là tin tức Hoa Kỳ. Quý vị có thể liên lạc với cô Mimi tại [email protected].
Bản tin có sự đóng góp của Bill Pan, Jack Phillips, Katabella Roberts và The Associated Press.
An Nhiên và Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: