Ngũ Giác Đài cảnh báo khả năng hậu cần của quân đội Hoa Kỳ ‘không đủ’ ở Á Châu
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết khả năng hậu cần của quân đội Hoa Kỳ là “không đủ” để chống lại các hành động thù địch có thể xảy ra ở Á Châu, theo tài liệu kiểm toán tháng 04/2022.
Tài liệu này nêu chi tiết việc Ngũ Giác Đài đề nghị phân bổ ngân sách 6.1 tỷ USD cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (PDI) đến năm 2023, với trọng tâm tiếp tục là Trung Quốc với tư cách là “thách thức đang tiến gần.”
Tuyên bố cho biết khoản tài trợ này sẽ được sử dụng để tăng cường sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở Á Châu, cải thiện hậu cần, tiến hành các cuộc tập trận, xây dựng cơ sở hạ tầng, và giúp các đồng minh và đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương xây dựng khả năng phòng thủ.
“Tư thế hậu cần và khả năng duy trì lực lượng hiện tại là không đủ để hỗ trợ các hoạt động, đặc biệt trong một môi trường tranh chấp,” Ngũ Giác Đài tuyên bố.
Theo báo cáo, việc lưu trữ thêm nhiên liệu phản lực cơ là cần thiết tại trạm không quân của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tại Iwakuni, Nhật Bản, nhằm hỗ trợ các hoạt động tiếp nhiên liệu chiến lược trên đường và khai triển lực lượng trong khu vực.
Ngũ Giác Đài lưu ý rằng Căn cứ Không quân Yokota ở Nhật Bản không có đủ khả năng lưu trữ nhiên liệu tại chỗ để đáp ứng các yêu cầu hoạt động kéo dài.
“Các xe tăng số lượng lớn sẽ tích trữ nhiên liệu phản lực dự trữ chiến tranh cần thiết để duy trì các hoạt động dự phòng trong khi chờ các tàu chở dầu tiếp tế,” bản báo cáo nêu rõ. “Hệ thống này cũng cho phép tiếp tế nhiên liệu tiết kiệm hơn và giảm số chu kỳ tiếp tế cần cho các yêu cầu của các căn cứ không quân.”
Yêu cầu ngân sách của chính phủ Tổng thống Biden cho năm tài chính 2023 bao gồm đề nghị đầu tư 773 tỷ USD cho Bộ Quốc phòng, có nghĩa là tăng 4.1% so với số tiền được ban hành của năm tài chính 2022.
Hôm thứ Ba (03/05) Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Tướng Mark Milley, cho biết rằng “tiềm năng xung đột quốc tế lớn giữa các cường quốc đang tăng chứ không giảm.”
“Chúng ta hiện đang phải đối mặt với hai cường quốc toàn cầu, Trung Quốc và Nga, mỗi nước đều có khả năng quân sự lớn, cả hai đều có ý định thay đổi về căn bản trật tự dựa trên các quy tắc hiện hành,” ông nói với Thượng viện.
Ông Milley mô tả cuộc xâm lược Ukraine của Nga là ‘mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và an ninh của Á Châu và có lẽ là của thế giới” trong 42 năm phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ. Nhưng Trung Quốc vẫn là “mối đe dọa đang tiến gần” của Mỹ.
Với việc phân bổ 6.1 tỷ USD cho PDI, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nói rằng Hoa Thịnh Đốn dự định cải thiện thế trận lực lượng, cơ sở hạ tầng, và khả năng sẵn sàng của mình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả việc phòng thủ hỏa tiễn cho đảo Guam.
“Chúng ta cần chuẩn bị cho những mối đe dọa không tính đến biên giới, từ đại dịch đến biến đổi khí hậu,” ông Austin nói. “Và chúng ta phải giải quyết các mối đe dọa dai dẳng do Bắc Hàn, Iran, và các nhóm khủng bố toàn cầu gây ra.”
Tháng 12 năm ngoái, đánh giá quốc phòng toàn cầu của Ngũ Giác Đài đã kêu gọi tăng cường khai triển luân phiên chiến đấu cơ và oanh tạc cơ mới ở Úc, như vậy oanh tạc cơ tàng hình B2 mới và các chiến đấu cơ F-22 và F-35 có thể được khai triển trong tương lai gần.
Theo đánh giá, những thay đổi này là cần thiết “để răn đe sự xâm lược quân sự tiềm tàng của Trung Quốc và các mối đe dọa từ Bắc Hàn.”
“Nhìn rộng hơn trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, quý vị sẽ thấy một loạt các cải tiến cơ sở hạ tầng ở Guam, Khối thịnh vượng chung Quần đảo Bắc Mariana và Úc,” bà Mara Karlin, thứ trưởng phụ trách chính sách tại Bộ Quốc phòng, cho biết.
Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: