Ngũ Giác Đài bị chỉ trích vì trì hoãn báo cáo về các công ty quân sự Trung Quốc
Ngũ Giác Đài đã không công bố danh sách thường niên của các công ty Trung Quốc có liên kết với quân đội, làm dấy lên những lo ngại về việc chính phủ TT Biden có thể đang không nhất quyết thực thi một sắc lệnh thời TT Trump là cấm đầu tư vào những công ty này.
Hôm 13/05, tờ Financial Times đưa tin Bộ Quốc phòng đã bỏ lỡ hạn chót việc công bố một danh sách bắt buộc theo luật định về các công ty quân đội Trung Quốc, dẫn lời hai người biết rõ vấn đề này. Báo cáo này rất quan trọng đối với Tổng thống Joe Biden, người phải đưa ra quyết định về việc liệu người dân Hoa Kỳ có thể đầu tư vào những công ty như vậy không.
Theo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2021, Quốc hội yêu cầu Ngũ Giác Đài xác định các công ty quân sự Trung Quốc thông qua một danh sách được công bố công khai. Hạn chót để nộp báo cáo năm nay là ngày 15/04.
Một phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài nói với Financial Times rằng báo cáo này sẽ được đệ trình trước tháng Mười.
Trong những tuần cuối cùng tại vị, cựu Tổng thống Donald Trump đã hành động nhanh chóng để cấm việc đầu tư vào các công ty Trung Quốc có liên quan với Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), một bước quan trọng trong việc hạn chế Bắc Kinh tiếp cận các thị trường vốn sinh lợi của Hoa Kỳ.
Lệnh cấm đầu tư này nhắm vào 44 công ty được Bộ Quốc phòng xác định là “các công ty quân sự Trung Cộng” (CCMCs). Lệnh này yêu cầu các nhà đầu tư Hoa Kỳ phải thoái vốn khỏi những công ty này và các công ty con của họ trước thời hạn là tháng 11/2021.
Sắc lệnh của ông Trump “là một công cụ quan trọng để ngăn chặn việc gia tăng các năng lực quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc,” Dân biểu Scott Perry (Cộng Hòa-Pennsylvania) nói với The Epoch Times trong một email.
“Nếu sự chậm trễ này được cho là do sự chần chừ của Chính phủ Biden trong việc sẵn sàng thi hành sắc lệnh, thì người dân Hoa Kỳ xứng đáng được biết điều đó, và việc không có bất kỳ lời giải thích hay thông báo nào ở đây là đáng lo ngại.”
Sắc lệnh của ông Trump nhằm hạn chế các khoản đầu tư từ quỹ hưu trí và lương hưu của Hoa Kỳ vào các công ty ủng hộ chế độ toàn trị của Trung Quốc. Nhiều công ty trong số các công ty này được giao dịch công khai trên các sàn giao dịch chứng khoán khắp thế giới và được theo dõi qua các chỉ số chính như MSCI và FTSE.
Những công ty Trung Quốc năm ngoái bị Ngũ Giác Đài đưa vào danh sách đen bao gồm các công ty sản xuất và công nghệ quan trọng, như các nhà khai thác di động do nhà nước điều hành China Mobile và China Telecom, nhà sản xuất video giám sát Hikvision, và công ty hàng không vũ trụ Aviation Industry Corp của Trung Quốc.
Trong phiên điều trần xác nhận của mình, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của danh sách này của Ngũ Giác Đài trong việc giải quyết “những thách thức đáng kể mà chính sách hợp nhất quân sự-dân sự của Trung Quốc đặt ra đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.”
Quốc hội Hoa Kỳ lần đầu tiên yêu cầu Ngũ Giác Đài đưa ra danh sách thường niên về các công ty quân sự có liên kết với Trung Cộng vào năm 1999. Tuy nhiên, báo cáo này đã không được nộp cho đến tận năm ngoái (2020).
“Sau 21 năm và với áp lực từ Tổng thống Trump, Ngũ Giác Đài cuối cùng đã công bố danh sách đầu tiên vào năm ngoái,” Dân biểu Jim Banks (Cộng Hòa-Indiana) tuyên bố trong một email.
“Mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) cấp bách hơn rất nhiều so với hai thập kỷ trước. Hoa Kỳ không thể cho phép những sự chậm trễ hơn. Quốc hội cần biết những công ty nào có liên hệ với quân đội của Trung Quốc càng sớm càng tốt,” ông nói, thúc giục Quốc hội thông qua dự luật của ông, Dự luật Chấm dứt Tài trợ cho PLA, để ngăn chặn các khoản đầu tư của Hoa Kỳ chảy vào cơ sở công nghiệp quân sự của Trung Quốc.
Các quan chức Ngũ Giác Đài đã không phúc đáp ngay lập tức yêu cầu bình luận từ The Epoch Times về sự chậm trễ trên.
“Thách thức là, thêm một ngày chúng ta tiếp tục nghiên cứu vấn đề này là có thêm một ngày tiền tiếp tục chảy vào các công ty đang tham gia vào hành vi xấu,” dân biểu Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas) nói với The Epoch Times.
Ngũ Giác Đài loại Xiaomi khỏi danh sách đen
Hôm 12/05, Bộ Quốc phòng cũng đã đồng ý loại nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Xiaomi ra khỏi danh sách đen về đầu tư của họ.
Đầu năm nay, bộ này chỉ định công ty này có liên hệ với quân đội của Trung Quốc. Đáp lại, Xiaomi đã đệ đơn kiện chính phủ Hoa Kỳ, gọi chỉ định của họ là “bất hợp pháp và trái hiến pháp.”
Hồi tháng Ba, một thẩm phán liên bang đã ra lệnh tạm dừng việc thực thi danh sách đen với lý do không đủ bằng chứng về các mối liên hệ của công ty này với PLA. Chính phủ TT Biden đã không phản đối phán quyết trên.
Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Emily Horne nói với The Epoch Times rằng, “Chúng tôi buộc phải làm điều này tuân theo tòa án.”
“Các tòa án của Hoa Kỳ nhận thấy chính phủ trước đó đã không xây dựng được một cơ sở đầy đủ về mặt pháp lý để áp đặt các hạn chế đối với công ty này và hành động này là bắt buộc phải theo các phán quyết của tòa án.”
Tuy nhiên, bà nói thêm rằng “chính phủ TT Biden lo ngại sâu sắc về các khoản đầu tư tiềm năng của Hoa Kỳ vào các công ty có liên hệ với quân đội Trung Quốc và cam kết hoàn toàn với việc duy trì áp lực lên những công ty như vậy.”
Các chuyên gia pháp lý đã đang cảnh báo Quốc hội trong nhiều tháng về ngôn ngữ không rõ ràng trong dự luật chính sách quốc phòng gây khó khăn cho việc xác định các công ty có liên hệ với quân đội Trung Quốc.
Vấn đề đó phát sinh bởi vì “Bộ quốc phòng đã đảm nhận vai trò tìm ra sự thật, biết rõ ràng các sự kiện có thể không thể thấy được một cách công khai, vì các chính phủ thông thường không công khai các chi nhánh quân sự của họ,” theo bà Nazak Nikakhtar, đối tác tại công ty luật Wiley Rein LLP và là cựu thứ trưởng tại Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
“Rủi ro kiện tụng đã có thể tránh được,” bà nói với The Epoch Times.
Một sự thật mà ai cũng biết là Trung Cộng đã thông qua chiến lược quốc gia được gọi là “Hợp nhất Quân sự-Dân sự” của họ và các luật an ninh quốc gia khác để sử dụng các công ty Trung Quốc giúp củng cố PLA, bà cho biết.
Như đã nêu trong lời khai của bà trước Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ-Trung Quốc vào hồi tháng Ba, Quốc hội có thể xem xét sửa đổi dự luật chính sách quốc phòng để áp dụng “một cách tiếp cận chỉ trên giấy tờ, thay vì một cách tiếp cận thực tế, để chỉ định các CCMC.”
“Tiêu chuẩn linh hoạt hơn này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ định các CCMC bằng cách giảm gánh nặng cung cấp chứng cứ cho Bộ Quốc phòng và cũng sẽ giảm rủi ro kiện tụng cho chính phủ,” bà lập luận trong lời khai của mình.
Nếu không, nhiều công ty Trung Quốc trong danh sách đen khác có thể đi theo con đường pháp lý tương tự và thách thức việc thực thi danh sách đen này, bà nói.
Cổ phiếu của Xiaomi đã tăng 6% tại Hồng Kông sau khi tin tức được công bố.
“Chúng ta biết rằng các đối thủ của chúng ta trên toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc Cộng sản, sẽ sử dụng mọi nguồn lực sẵn có để đánh cắp công nghệ, việc làm và tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ trong nỗ lực thống trị thế giới,” một phát ngôn viên của Thượng nghị sĩ Rick Scott (Cộng Hòa-Florida) cho biết trong một email.
“Đó là lý do tại sao các công ty chịu ảnh hưởng của các đối thủ của chúng ta, chẳng hạn như Xiaomi, DJI và Huawei, nên ở trong danh sách đen.”
Hiệp hội Chứng khoán Hoa Kỳ, tổ chức đại diện cho các công ty dịch vụ tài chính khu vực của Main Street, cũng kêu gọi Ngũ Giác Đài “nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ lập pháp của mình và báo cáo cho Quốc hội.”
“Quý trước, Phố Wall đã chuyển 3.4 tỷ USD tiền của các nhà đầu tư mới ở Hoa Kỳ cho Trung Cộng, tiếp tay cho động cơ hủy hoại môi trường, vi phạm nhân quyền trắng trợn đối với người người dân của chính chế độ đó, và xây dựng quân đội của họ,” giám đốc điều hành ASA Chris Iacovella cho biết trong một email.
Do Emel Akan thực hiện
Thiện Lan biên dịch
Xem thêm: