Ngư dân bình thường và nhỏ bé của Peru trong cuộc chiến với đội tàu ngoại quốc của Trung Quốc
PUCUSANA, PERU — Trên con tàu mang tên Chiến binh Đại Dương ở phía đông Thái Bình Dương, ông José López tự hào nhớ lại lần đánh bắt đầu tiên của mình: ông mới 13, và một thuyền trưởng địa phương, vì thương hại vẻ ngoài rách rưới của ông, đã thuê ông làm thợ phụ. Khi ông trở về nhà với các túi đầy ắp tiền công của một ngày, mẹ ông đã phản đối.
“Bà nghĩ rằng tôi đã đánh cắp số tiền này,” ông López nhớ lại giữa những lời chào hỏi huyên náo với những người đồng nghiệp trẻ tuổi hơn, những người chỉ biết ông đơn giản là “Pépe”. “Tôi đã phải đưa bà đến gặp người đánh cá đó để bà tin tôi.”
Kể từ đó, đánh bắt cá đã trở thành kế sinh nhai của ông López và hàng chục ngư dân làm nghề thủ công khác ở Pucusana, một bến cảng được tạo ra từ những ngọn đồi cằn cỗi, giống như sa mạc ở phía nam thủ đô của Peru. Trong nhiều năm đội tàu [của ông] phát triển mạnh, ông López kiếm đủ tiền để mua một vài chiếc thuyền và cho các con ông đi học đại học.
Nhưng một thập niên trước, số cá ngừ mà ông từng đánh bắt một cách dễ dàng bắt đầu cạn kiệt. Vì vậy, các ngư dân đã biến những chiếc thuyền có màu sắc rực rỡ mang tên các biểu tượng của Công giáo La Mã sang đánh bắt mực ống.
Giờ đây, họ phải đối mặt với một mối đe dọa mới: đội tàu đánh cá xa bờ của Trung Quốc.
Theo Tổ chức Quản lý Nghề cá Khu vực Nam Thái Bình Dương (SPRFMO), số lượng tàu gắn quốc kỳ Trung Quốc ẩn nấp bên ngoài vùng biển của Peru đã tăng từ 54 tàu hoạt động trong năm 2009 lên 557 tàu vào năm 2020, một nhóm liên chính phủ chịu trách nhiệm bảo đảm hoạt động đánh bắt mực ống bền vững. Trong khi đó, quy mô [sản lượng] đánh bắt của Trung Quốc đã tăng từ 70,000 tấn năm 2009 lên 358,000 tấn.
Hoạt động đánh bắt của Trung Quốc diễn ra ngoài vùng biển khơi – ngoài phạm vi quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào – và vào ban đêm với ánh sáng mạnh mẽ để thu hút loài mực bay nhanh.
Thuyền trưởng Peter Hammarstedt, giám đốc các chiến dịch của Sea Shepherd, một nhóm bảo tồn đại dương, cho biết, “Ngoài kia thực sự giống như Miền Tây Hoang dã. Không ai chịu trách nhiệm thực thi [luật pháp].”
Hãng thông tấn The Associated Press (AP), cùng với đài truyền hình tiếng Tây Ban Nha Univision, đã đồng hành cùng Sea Shepherd vào mùa hè này trong chuyến hành trình kéo dài 18 ngày trên một trong những tàu của họ để quan sát cận cảnh đội tàu Trung Quốc trên vùng biển khơi ngoài khơi bờ biển phía tây Nam Mỹ.
Cuộc tuần tra này đã bị sự phản đối kịch liệt vào mùa hè năm ngoái thúc đẩy khi hàng trăm tàu thuyền Trung Quốc bị phát hiện đánh cá gần Quần đảo Galapagos, một di sản thế giới được UNESCO công nhận.
Ra mắt vào những năm 1980 như một phản ứng đối với tình trạng cạn kiệt nguồn cá tại quê nhà, đội tàu đánh cá xa khơi của Trung Quốc đã phát triển thành một ngành công nghiệp thịnh vượng và là một phần trong nỗ lực địa chính trị của nhà cầm quyền này nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt của thế giới.
Đại đa số trong số 30 tàu thuyền mà AP theo dõi đều có tiền sử các cáo buộc lạm dụng lao động, tiền án đánh bắt cá bất hợp pháp, hoặc có những dấu hiệu về khả năng vi phạm luật hàng hải. Nói chung, những vấn đề này nhấn mạnh cách đại dương rộng mở xung quanh Mỹ Châu – nơi mà Hoa Kỳ đã thống trị từ lâu và Trung Quốc hiện đang tranh giành ảnh hưởng – đã trở thành một thỏi nam châm thu hút những kẻ vi phạm tồi tệ nhất của ngành đánh bắt thủy sản.
Một tàu tên là Phúc Viễn Ngư 7880 (Fu Yuan Yu), được điều hành bởi một chi nhánh của một công ty thương mại Nasdaq, Doanh nghiệp Hàng hải Bình Đàm (Pingtan Marine Enterprise), mà các giám đốc điều hành Trung Quốc của công ty này đã bị Hoa Kỳ hủy thị thực vì bị cáo buộc có liên quan đến hoạt động buôn bán người. Công ty này cũng đã phải đối mặt với cáo buộc đánh bắt bất hợp pháp và lao động cưỡng bức trên khắp thế giới. Bình Đàm đã từ chối bình luận.
Mực Humboldt, được đặt tên theo dòng hải lưu giàu chất dinh dưỡng được tìm thấy ngoài khơi bờ biển phía tây nam Nam Mỹ, là một trong những loài sinh vật biển phong phú nhất. Một số nhà khoa học tin rằng loài sinh vật này thậm chí có thể đang phát triển mạnh khi những loài săn mồi, cá mập và cá ngừ, bị đánh bắt hoàn toàn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho thấy sự biến mất trong quá khứ của các nguồn dự trữ mực ống ở nơi khác là nguyên nhân gây lo ngại, ngay cả khi không biết số lượng mực Humboldt còn lại là bao nhiêu.
Các công ty thủy sản ở Hoa Kỳ đã bắt đầu lưu ý đến những rủi ro do sự bành trướng của Trung Quốc và đang tìm cách tận dụng sức mạnh thị trường của họ để mang lại sự minh bạch hơn cho nguồn cung cấp mực. Trung Quốc chịu trách nhiệm cho khoảng một nửa trong số 314 triệu USD lượng mực ống mà Hoa Kỳ nhập cảng hồi năm 2019, phần lớn được phục vụ như món mực chiên trong các nhà hàng.
Một giải pháp thay thế là khai triển công nghệ, như dữ liệu theo dõi công khai, để cho phép người tiêu dùng cuối cùng xác định được chính xác con tàu đã đánh bắt cá.
Tuy nhiên, tăng cường tính minh bạch là một thách thức mà ngành công nghiệp này đã phải chật vật trong nhiều thập niên.
Để giải quyết mối lo ngại, một số chính phủ Nam Mỹ đã đề xướng một số biện pháp bảo tồn, bao gồm cấm trung chuyển trên biển và tăng cường số lượng quan sát viên trên các tàu để ghi lại quy mô đánh bắt và các vi phạm.
Nhưng Trung Quốc đã phản đối mọi đề nghị.
Trong trường hợp không có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, ông López và các đồng nghiệp của ông phải phiêu lưu xa nhà hơn và dành nhiều nhất một tuần trên biển để kiếm những gì họ từng đánh bắt trong một ngày. Đó là nếu họ quay trở lại. Hồi tháng 06/2021, ba ngư dân đã một đi không trở lại.
Thêm vào sự thất vọng của các ngư dân là sự hỗ trợ hậu cần của Peru cho đội tàu Trung Quốc trên — đối thủ cạnh tranh trực tiếp của họ. Kể từ năm 2019, 212 tàu cá Trung Quốc đã vào các cảng của Peru để sửa chữa, thay đổi thủy thủ đoàn và bổ sung nguồn cung cấp, theo chính phủ Peru.
“Không có cơ quan hàng hải nào bảo vệ chúng tôi cả,” ông López phàn nàn, nói rằng ông không nhớ số lần thông báo cho chính phủ về việc các tàu Trung Quốc đánh bắt trong lãnh hải của Peru. Tôi không biết người ngoại quốc ấy có quyền lực gì mà họ đến quê hương tôi và làm những gì họ muốn.”
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: