Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đến thăm vùng Vịnh để giải quyết căng thẳng hậu chiến tranh
HOA THỊNH ĐỐN – Các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu Hoa Kỳ sẽ đánh giá xem cuộc chiến thất bại ở Afghanistan có thể tái định hình các mối bang giao của Hoa Kỳ ở Trung Đông như thế nào khi họ gặp gỡ các đồng minh quan trọng ở Vịnh Ba Tư và Âu Châu trong tuần này.
Hôm Chủ nhật (05/09), Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã chia nhau thực hiện chuyến công du tới vùng Vịnh. Họ sẽ có cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo đóng vai trò chủ chốt trong các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của các mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan ở Afghanistan, một số người trong số họ từng là đối tác trong cuộc chiến chống Taliban kéo dài 20 năm.
Đồng thời, các chuyến đi của ông Austin và ông Blinken là nhằm trấn an các đồng minh vùng Vịnh rằng quyết định của Tổng thống (TT) Joe Biden về việc chấm dứt cuộc chiến của Hoa Kỳ ở Afghanistan để tập trung hơn vào các thách thức an ninh khác như Trung Quốc và Nga không đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ sẽ từ bỏ các đối tác ở Trung Đông. Quân đội Hoa Kỳ đã hiện diện ở vùng Vịnh trong nhiều thập niên, bao gồm cả trụ sở Hạm đội 5 của Hải quân Hoa Kỳ ở Bahrain. TT Biden không đề xuất chấm dứt sự hiện diện đó, nhưng ông – giống như chính phủ cựu TT Trump trước ông – đã gọi Trung Quốc là ưu tiên an ninh số 1, cùng với các thách thức chiến lược từ Nga.
“Trung Quốc hay Nga chẳng muốn điều gì hơn trong cuộc cạnh tranh này ngoài việc Hoa Kỳ sa lầy thêm một thập niên nữa ở Afghanistan,” TT Biden nói trong vài giờ sau khi các binh sĩ Hoa Kỳ cuối cùng rời đi.
Khi thông báo về chuyến đi đến vùng Vịnh của mình, ông Austin nói trong một cuộc họp báo của Ngũ Giác Đài rằng việc tập trung vào các mối đe dọa khủng bố có nghĩa là nỗ lực không ngừng chống lại “bất kỳ mối đe dọa nào đối với người dân Mỹ từ bất kỳ nơi nào,” ngay cả khi Hoa Kỳ đặt trọng tâm mới vào các thách thức chiến lược từ Trung Quốc.
Ông Blinken thực hiện chuyến công du đến Qatar và cũng sẽ dừng chân ở Đức để gặp những người Afghanistan di tản tại căn cứ không quân Ramstein, những người đang chờ thông quan để đến Hoa Kỳ. Trong khi ở đó, ông sẽ tham gia một cuộc họp trực tuyến với các đối tác từ 20 quốc gia về kế hoạch sắp tới tại Afghanistan.
Phát ngôn viên Ned Price cho biết: “Bộ trưởng sẽ chuyển lời biết ơn của Hoa Kỳ tới chính phủ Đức vì đã là đối tác vô giá ở Afghanistan trong 20 năm qua và sự hợp tác của Đức trong các hoạt động vận chuyển đưa người dân ra khỏi Afghanistan.”
Ông Austin dự định bắt đầu chuyến đi của mình bằng cách cảm ơn các nhà lãnh đạo Qatar vì sự hợp tác của họ trong cuộc không vận Kabul đã giúp khơi thông dòng người di tản tuyệt vọng mà ban đầu đã bị tắc nghẽn. Ngoài việc cho phép sử dụng căn cứ không quân al-Udeid để Hoa Kỳ giải quyết cho những người di tản, Qatar đồng ý chủ trì phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ vốn đã rút khỏi Kabul khi chiến tranh kết thúc. Người Qatar cũng đã đề nghị giúp mở lại phi trường Kabul với sự hợp tác của Taliban.
Trong thời gian dừng chân ở Bahrain, ông Austin có kế hoạch nói chuyện với những người lính Thủy quân Lục chiến đã dành nhiều tuần ở phi trường Kabul để thực hiện một cuộc di tản hỗn loạn và nguy hiểm cho người Afghanistan, người Mỹ và những người khác. Mười một người lính Thuỷ quân Lục chiến đã thiệt mạng và 15 người bị thương trong một vụ đánh bom tự sát tại phi trường hôm 26/08. Cuộc tấn công đó đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 13 quân nhân Hoa Kỳ và nhiều thường dân Afghanistan.
Người đứng đầu Ngũ Giác Đài cũng có kế hoạch thăm Kuwait và Ả Rập Xê Út và gặp gỡ các lãnh đạo cao cấp trong một khu vực mà ông biết rõ như một tướng quân đội đã về hưu và cựu lãnh đạo Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về tất cả các chiến dịch quân sự ở đó.
Ả Rập Xê Út đã vắng mặt một cách đáng chú ý trong nhóm các quốc gia vùng Vịnh, những quốc gia đã giúp tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc di tản do Hoa Kỳ điều hành khỏi phi trường Kabul. Mối bang giao của Riyadh với Hoa Thịnh Đốn đang căng thẳng vì những nỗ lực của TT Biden nhằm khôi phục thỏa thuận nguyên tử với Iran, và còn nhiều vấn đề khác. Chỉ vài ngày trước khi Hoa Kỳ rời Afghanistan, Ả Rập Xê Út đã ký một thỏa thuận hợp tác quân sự với Nga.
TT Biden cho biết quyết định rút khỏi Afghanistan sau 20 năm của ông là một phần trong kế hoạch “sang một trang mới” về cách tiếp cận chính sách ngoại giao kể từ năm 2001 mà ông tin rằng đã giữ quân đội Mỹ ở Afghanistan quá lâu. Các đồng minh ở vùng Vịnh, nơi có các mối đe dọa của những kẻ theo chủ nghĩa cực đoan cận kề, muốn biết trang chính sách [mới] của Hoa Kỳ sẽ như thế nào.
Ở Âu Châu cũng vậy, các đồng minh đang đánh giá xem cuộc chiến thất bại ở Afghanistan và hậu quả trước mắt của cuộc chiến này có ý nghĩa như thế nào đối với lợi ích tập thể của họ, bao gồm cả câu hỏi lâu đời về việc liệu Âu Châu có nên bớt phụ thuộc hơn vào Hoa Kỳ hay không.
Ông Josep Borrell Fontelles, đại diện cao cấp của Liên minh Âu Châu về các vấn đề ngoại giao và chính sách an ninh, đã viết trên Twitter hôm thứ Năm, “Chúng ta cần nâng cao năng lực của mình để hành động một cách tự chủ [đúng] thời gian và địa điểm cần thiết.”
Các đồng minh Âu Châu của Hoa Kỳ trong NATO có nhiều quân hơn ở Afghanistan so với Hoa Kỳ khi TT Biden tuyên bố vào tháng 04/2021 rằng ông sẽ rút quân vào tháng Chín. Người Âu Châu hầu như không có lựa chọn nào khác ngoài việc tham gia vào cuộc di tản, do các giới hạn về năng lực chiến đấu của họ ở qua xa quê nhà và họ phần lớn phụ thuộc vào vận tải hàng không của Hoa Kỳ để thoát ra ngoài, mặc dù họ đã cho xuất kích một số chuyến bay di tản.
Một số đồng minh NATO đã nghi ngờ sự khôn ngoan trong quyết định rút quân của TT Biden, nhưng không chắc rằng cuộc khủng hoảng Afghanistan sẽ làm suy yếu mối liên hệ ràng buộc giữa Hoa Kỳ và Âu Châu. Trong một bài luận, hai chuyên gia của Trung tâm Chiến lược và An ninh Quốc tế tại Âu Châu – bà Rachel Ellehuus và ông Pierre Morcos – đã viết rằng cuộc khủng hoảng này tiết lộ “những sự thật phiền phức” về mối bang giao xuyên Đại Tây Dương này.
Họ viết: “Đối với người Âu Châu, điều này cho thấy họ không có khả năng thay đổi quyết định tính toán của Hoa Kỳ và sự bất lực trong việc bảo vệ lợi ích của chính họ (ví dụ: di tản công dân và đồng minh của họ) mà không có sự hỗ trợ của Hoa Thịnh Đốn.”
Đức, Tây Ban Nha, Ý và các quốc gia Âu Châu khác đang đồng ý cho Hoa Kỳ sử dụng các căn cứ quân sự của họ để tạm trú những người Afghanistan đã được không vận ra khỏi Kabul nhưng chưa được chấp thuận tái định cư ở Hoa Kỳ hoặc nơi khác. Bahrain và Qatar cung cấp chỗ ở tương tự. Cùng lúc, những thỏa thuận này đã làm giảm căng thẳng cho hoạt động di tản khỏi Kabul mà ban đầu nghiêm trọng đến mức cuộc không vận phải tạm dừng trong vài giờ vì không có nơi để đưa những người di tản.
Do Robert Burns của The Associated Press thực hiện
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: