Ngoại trưởng Pompeo chỉ trích Trung Cộng vì bỏ tù các nhà hoạt động Hồng Kông bị bắt khi trốn sang Đài Loan
Hôm 31/12/2020, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã lên án Trung Cộng về quyết định bỏ tù 10 nhà hoạt động Hồng Kông bị lực lượng tuần duyên Trung Quốc bắt giữ trên biển vào tháng 08/2020.
10 người, cùng với hai trẻ vị thành niên, đang cố gắng chạy trốn khỏi Hồng Kông ngang qua Trung Quốc đại lục trên một con thuyền để đi đến đảo tự trị Đài Loan thì bị bắt vào ngày 23/08/2020. Hai người trong số họ (“Hồng Kông 12”) đã bị tòa án Trung Quốc kết án 03 và 02 năm tù hôm thứ Tư (30/12/2020) vì tội danh “tổ chức cho người khác vượt biên trái phép.”
Tám người khác trên 18 tuổi bị phạt 07 tháng tù về tội “vượt biên trái phép.” Tòa án Trung Quốc đã không đưa ra cáo buộc đối với hai thiếu niên và cho họ hồi hương về Hồng Kông hôm thứ Tư (30/12/2020). Tuy nhiên, cảnh sát Hồng Kông cho biết hai thanh niên này có thể phải đối mặt với khoản phí phạt bổ sung cho tội danh bỏ trốn.
“Cuộc đàn áp của Trung Cộng đối với nhóm ‘Hồng Kông 12’… một lần nữa cho thấy sự tàn bạo của Bắc Kinh, coi thường trắng trợn các hiệp ước quốc tế mà họ đã ký kết và coi thường các quyền của người dân Hồng Kông,” Ngoại trưởng Pompeo nói trong một thông cáo báo chí.
Ông Pompeo cũng chỉ trích Trung Cộng và “những tay sai địa phương” ở Hồng Kông vì đã phá hủy pháp quyền của thành phố và tước bỏ quyền tự do của người dân. Hồng Kông từng là thuộc địa của Anh trước khi được trao lại cho chế độ cộng sản Trung Quốc vào năm 1997.
Ông nói thêm: “Nhóm ‘Hồng Kông 12’, những người đã cố gắng chạy trốn khỏi chế độ chuyên chế này xứng đáng được chào đón ở nước ngoài như những người hùng, chứ không phải là bị bắt, [bị xét xử bởi] một phiên tòa bí mật và [phải đối mặt với] án tù giam.”
Đã có một cuộc di cư đáng kể của người Hồng Kông kể từ khi phong trào ủng hộ dân chủ leo thang vào tháng 06/2019, khi hàng triệu người xuống đường phản đối dự luật cho phép Bắc Kinh dẫn độ người Hồng Kông về xét xử tại các tòa án đã bị chính trị hóa ở Trung Quốc. Nhiều người đã rời Hồng Kông vì lo sợ rằng họ có thể bị đàn áp vì vai trò của mình trong phong trào sau khi luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh được thông qua.
Đài Loan là một trong những điểm đến hàng đầu cho những người Hồng Kông rời khỏi quê hương của họ. Theo thống kê từ chính phủ Đài Loan, 5.858 người Hồng Kông đã nộp đơn xin cư trú vào Đài Loan năm 2019, tăng 41% so với năm 2018. Tổng số này đã tăng lên 7.474 trong 10 tháng đầu năm nay (2020).
“Một chế độ ngăn cản người dân của mình ra đi sẽ không thể khẳng định vị thế vĩ đại hay vị trí lãnh đạo toàn cầu. Nó chỉ đơn giản là một chế độ độc tài mỏng manh, sợ hãi chính nhân dân của mình,” Ngoại trưởng Pompeo nói thêm.
Ông kêu gọi Bắc Kinh trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho 10 nhà hoạt động Hồng Kông còn lại, những người vẫn đang bị giam giữ ở đại lục.
Ủy ban Điều hành về Trung Quốc của Quốc hội Hoa Kỳ (CECC) cũng kêu gọi trả tự do vô điều kiện cho các nhà hoạt động Hồng Kông qua Twitter hôm 30/12/2020. Ủy ban cho biết 10 người này đang “thực hiện quyền tự do đi lại được bảo đảm cho công dân Hồng Kông” theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR).
Điều 12 của ICCPR nêu rõ: “Bất cứ ai cư trú hợp pháp trên lãnh thổ của một nước đều có quyền tự do đi lại và tự do lựa chọn nơi cư trú trong phạm vi lãnh thổ đó.”
Ông Benedict Rogers, giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ Hong Kong Watch ở Anh, bày tỏ lo ngại về khả năng bị ngược đãi của 10 người Hồng Kông trong các nhà tù ở Trung Quốc.
“10 nhà hoạt động bị buộc tội có nguy cơ bị tra tấn hoặc đối mặt với sự ngược đãi trong tù,” ông Rogers nêu trong một tuyên bố hôm 30/12/2020.
Ông cảnh báo vụ việc có thể là tiền lệ cho một tương lai đáng báo động. Ông giải thích: “Nó cũng có thể mở đường cho việc dẫn độ và xét xử nhiều nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Hồng Kông ở đại lục.”
Ông Rogers kết luận: “Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục thúc đẩy việc trả tự do cho những người này và cho họ quay trở lại Hồng Kông, đồng thời có hành động phối hợp và kiên quyết chống lại sự suy thoái quyền tự chủ, quyền tự do và lối sống của Hồng Kông.”
Frank Fang
Nguyễn Lê biên dịch
Xem thêm: