Ngoại trưởng Nga gợi lên nỗi ám ảnh về Chiến Tranh Lạnh: Nga quay trở lại ‘phương Đông’
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gợi lại nỗi ám ảnh của Chiến Tranh Lạnh, gọi mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc là “phương Đông mới.”
Trong một cuộc phỏng vấn, Ngoại trưởng Lavrov cho biết Nga đang quay lưng lại với phương Tây để đáp trả các lệnh trừng phạt từ các nước phát triển.
“Chúng tôi đang làm việc với phương Đông,” ông Lavrov nói với đài truyền hình NTV của Nga ở St.Petersburg. “Giống như chúng tôi đã từng làm trước đây, chúng tôi đang mở rộng các mối liên hệ với phương Đông như trước kia. Những mối liên hệ này đang mở rộng với những điều kiện tuyệt đối, và Âu Châu không còn là ưu tiên của chúng tôi, với những điều kiện tương đối.”
Kể từ đầu năm, Nga đã nỗ lực mở rộng quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Hôm 20/06, Reuters đưa tin, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, xuất cảng dầu thô của Nga sang Trung Quốc đã tăng vọt 55% lên gần 8.42 triệu tấn, một mức tăng đáng kể so với hồi tháng 05/2021.
Do đó, Nga hiện đã vượt qua Ả Rập Xê Út để trở thành nhà cung cấp dầu thô hàng đầu thế giới. Ngoài ra, xuất cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga sang Trung Quốc đã tăng 56% — tương đương 400,000 tấn — so với hồi tháng 05/2021.
Ngoại trưởng Lavrov cũng tuyên bố “phương Tây” đang thúc đẩy nghị trình toàn cầu của riêng họ.
Ông Lavrov nói, “Phương Tây muốn duy trì sự lãnh đạo của Hoa Kỳ không chỉ ở Âu Châu mà còn ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương (nơi họ đang tạo ra AUKUS và QUAD), kiềm chế Trung Quốc và cô lập Nga. Đó là một cách tiếp cận toàn cầu.”
Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc cũng đã ủng hộ mối quan hệ song phương, với việc hôm 16/06 lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng đã có “động lực” để làm sâu sắc hơn mối quan hệ về các vấn đề “liên quan đến chủ quyền và an ninh.”
Liên minh phương Đông mới
Lời khơi gợi của ông Lavrov về nỗi ám ảnh Chiến Tranh Lạnh không chỉ theo ngữ nghĩa, theo ông Elliot Abrams từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, người trong một bài báo hồi tháng Ba, cho biết rằng liên minh này có thể được sử dụng để cạnh tranh với Hoa Kỳ và các nước đồng minh.
Ông viết, “Hãy xem xét tuyên bố chung giữa ông Putin và ông Tập Cận Bình được đưa ra hôm 04/02: ‘Mối quan hệ bang giao mới giữa Nga và Trung Quốc vượt trội hơn so với các liên minh chính trị và quân sự trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Tình hữu nghị giữa hai quốc gia không có giới hạn, không có những lĩnh vực hợp tác nào ‘bị cấm’ …’”
“Đây là một thông báo rõ ràng về một liên minh mới nhằm vượt ra ngoài Chiến Tranh Lạnh — một phần bằng cách tạo ra mối quan hệ đối tác mà lần này sẽ dẫn đến một kết quả rất khác.”
Hơn nữa, cả hai quốc gia đã cam kết thực hiện một phiên bản mới của Học thuyết Brezhnev, vốn ban đầu tuyên bố rằng một mối đe dọa đối với bất kỳ nước nào trong Khối Liên Xô là mối đe dọa đối với cả khối.
Tuyên bố chung mới bao gồm một cam kết của Nga và Trung Quốc nhằm chống lại “các nỗ lực của các thế lực bên ngoài nhằm phá hoại an ninh và ổn định ở các khu vực lân cận chung của họ, có ý định chống lại sự can thiệp của các thế lực bên ngoài vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền dưới bất kỳ lý do gì.”
Cuộc xâm lược của Nga là một ‘yếu tố thay đổi cuộc chơi’
Mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa hai nước diễn ra khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành cập nhật vị trí lực lượng của mình tại hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới ở Madrid vào ngày 29/06.
Hôm 21/06, ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký NATO cho biết tổ chức này đang đương đầu với mối đe dọa lớn nhất trong nhiều thập niên.
Ông nói với Bộ trưởng Quốc phòng của các quốc gia NATO: “Chúng ta phải đề ra phản ứng của NATO trong dài hạn. Tại hội nghị thượng đỉnh này, chúng ta sẽ đưa ra các quyết định để làm cho NATO thậm chí còn mạnh hơn và linh hoạt hơn, trong một thế giới nguy hiểm hơn và cạnh tranh hơn.”
Ông nói thêm: “Cuộc xâm lược của Nga là một yếu tố thay đổi cuộc chơi.” “Vì vậy NATO phải duy trì khả năng răn đe đáng tin cậy và khả năng phòng thủ vững chắc.”
Trong một cuộc phỏng vấn với Politico hôm 22/06, ông Stoltenberg cho biết khối này cũng sẽ thích ứng với mối đe dọa từ Trung Quốc.
Ông nói: “Chúng ta sẽ giải quyết [vấn đề] Trung Quốc và những hậu quả đối với an ninh của chúng ta. Tôi nghĩ rằng đối với NATO thì đây là một bước tiến lớn bởi vì, trong Khái niệm Chiến lược hiện tại, Trung Quốc không được đề cập bằng một từ nào.” Khái niệm Chiến lược là một tài liệu hướng dẫn phác thảo mục đích và các nhiệm vụ an ninh căn bản của NATO.
“Chúng ta không coi Trung Quốc là đối thủ, nhưng chúng ta cần nhận ra rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc, thực tế là họ đang đầu tư rất nhiều vào các thiết bị quân sự hiện đại mới, bao gồm cả việc mở rộng đáng kể khả năng hạt nhân, đầu tư vào các công nghệ quan trọng và cũng cố gắng kiểm soát cơ sở hạ tầng trọng yếu ở Âu Châu đến gần hơn với chúng ta, điều quan trọng là chúng ta cũng phải giải quyết vấn đề đó.”
Cô Victoria Kelly-Clark là một phóng viên tại Úc chuyên về chính trị quốc gia và môi trường địa chính trị ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, Trung Đông và Trung Á.