Ngoại trưởng Hoa Kỳ: Trung Quốc ‘tiếp tục phạm tội diệt chủng và tội ác phản nhân loại’
Hôm 12/04, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã buộc tội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện tội ác diệt chủng và tội ác phản nhân loại trong suốt năm 2021.
Ngoại trưởng Blinken nói: “Chính phủ Trung Quốc tiếp tục thực hiện tội ác diệt chủng và tội ác phản nhân loại ở Tân Cương, đối với người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi cùng các nhóm thiểu số khác.”
Ông Blinken đã đưa ra các nhận xét trên tại một cuộc họp báo đánh dấu việc phát hành ấn bản mới nhất của Báo cáo Quốc gia về Thực tiễn Nhân quyền, một báo cáo thường niên đề cập đến các vấn đề nhân quyền ở 198 quốc gia trên thế giới do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố.
Ông Blinken nói rằng thế giới đang phải đối mặt với “sự suy thoái của nền dân chủ” và lên án chiến dịch đàn áp và diệt chủng hàng loạt của ĐCSTQ là một ví dụ chính cho chủ nghĩa độc tài đang ngày càng phát triển.
Tương tự, báo cáo cũng mô tả chính quyền ĐCSTQ là một “nhà nước độc tài” và nói rằng tất cả các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo đang tiếp tục bị đàn áp ở Trung Quốc đại lục cũng như ở các vùng lãnh thổ bị nhà cầm quyền này chiếm đóng.
Báo cáo cho biết: “Trong năm [vừa qua], tội ác diệt chủng và tội ác phản nhân loại đã xảy ra đối với phần lớn người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi và các thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo khác ở Tân Cương.”
“Những tội ác này vẫn tiếp diễn không ngừng và gồm có: việc bỏ tù tùy tiện hoặc tước đoạt tự do thể chất nghiêm trọng khác của hơn một triệu thường dân; cưỡng bức triệt sản, cưỡng bức phá thai, và áp dụng các chính sách kiểm soát sinh sản mang tính hạn chế hơn đối với đất nước; cưỡng hiếp; tra tấn một số lượng lớn những người bị giam giữ tùy tiện; cưỡng bức lao động; và có những hạn chế hà khắc đối với tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, tự do ngôn luận và tự do đi lại.”
Đáng chú ý, báo cáo cho thấy việc nhắm vào các đối thủ chính trị và các nhóm tôn giáo thiểu số của ĐCSTQ đã vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc, và bao gồm một nỗ lực xuyên quốc gia nhằm gây áp lực buộc các chính phủ ngoại quốc gửi các cá nhân chạy trốn trở lại Trung Quốc.
Cụ thể, báo cáo nói rằng nhà cầm quyền Bắc Kinh đang lạm dụng hệ thống thông báo đỏ được sử dụng để ban hành lệnh truy nã quốc tế của Interpol, bằng cách gửi các cáo buộc không có thật cho cảnh sát quốc tế với hy vọng các quốc gia buộc các đối thủ chính trị hồi hương về Trung Quốc để họ có thể bị cầm tù.
Báo cáo cũng trích dẫn một nghiên cứu khác năm 2021 của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho thấy ĐCSTQ có khả năng đã hành quyết hàng ngàn cá nhân chỉ trong năm 2020. Hơn nữa, báo cáo nêu rằng nhà cầm quyền này đã thực hiện một cách có hệ thống các vụ bắt giữ tùy tiện, cưỡng bức mất tích, và sát nhân.
“Nhiều cựu tù nhân và người bị giam giữ cho biết họ bị đánh đập, cưỡng hiếp, bị cho điện giật, bị bắt ngồi trên ghế đẩu trong nhiều giờ liên tục, bị treo mình lên không trung bằng cổ tay, bị cấm ngủ, bức thực, bị ép uống thuốc trái với ý muốn của họ, nếu không thì bị ngược đãi về thể chất và tinh thần,” báo cáo cho biết.
“Mặc dù các viên quản ngục vẫn ngược đãi các tù nhân bình thường, nhưng theo báo cáo, họ đã chọn ra những người bất đồng chính kiến và người có đức tin để đối xử đặc biệt khắc nghiệt.”
Báo cáo cho thấy các học viên Pháp Luân Công nằm trong số các nhóm bị nhắm đến nhiều nhất. Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần dựa trên nền tảng là các bài tập chậm rãi và các nguyên lý đạo đức về chân, thiện, và nhẫn.
Bộ môn này đã trở nên phổ biến vào những năm 1990, dẫn đến ước tính có tới 100 triệu người tập luyện. Nhưng coi sự phổ biến này là một mối đe dọa, chế độ cộng sản đã phát động một chiến dịch bức hại quy mô lớn chống lại các học viên Pháp Luân Công vào năm 1999, chiến dịch này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.
Báo cáo nói rằng các nhóm tôn giáo, và “đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công,” đã bị ĐCSTQ truy lùng và thường xuyên bị giam giữ mà không có nguyên nhân rõ ràng và bị tra tấn.
Báo cáo liệt kê một số trường hợp cụ thể, bao gồm cả trường hợp của ông Nhậm Hải Phi (Ren Haifei), một học viên Pháp Luân Công, người đã bị giam giữ không xét xử và không bị buộc tội kể từ năm 2020.
“Ông Nhậm bị bắt mà không có lệnh bắt giữ, phải nhập viện vì những vết thương nặng sau lần bắt giữ đầu tiên, và bị chuyển trở lại trung tâm giam giữ Diêu Gia Đại Liên sau khi được xuất viện nơi ông đã nằm ở đó,” báo cáo cho biết.
Bà Vương Tinh (Wang Jing), vợ của ông Nhậm sống tại Hoa Kỳ, trước đây nói với The Epoch Times rằng bà chỉ biết về vụ bắt giữ vô căn cứ của chồng mình thông qua một trang web theo dõi những vấn đề như vậy. Bà đã liên lạc với thẩm phán phụ trách vụ án của chồng mình, bà Kim Hoa (Jin Hua), để yêu cầu bà trả tự do cho chồng mình. Khi nghe lời thỉnh cầu của bà, bà Kim còn đe dọa sẽ bắt cả bà.
Bà Kim nói với bà Vương, “Bà thích làm gì thì làm. Bà mà trở về Trung Quốc, tôi cũng sẽ tống bà vào tù.”
Báo cáo của Bộ Ngoại giao ghi nhận rằng ông Nhậm trước đây đã bị ĐCSTQ giam giữ từ năm 2001 đến năm 2008, vì tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa và tu luyện Pháp Luân Công.
Về những sự kiện liên quan, báo cáo cũng cho thấy rằng ĐCSTQ đã thu hồi giấy phép hành nghề luật sư từ những cá nhân chỉ trích ĐCSTQ trên mạng hoặc bảo vệ các học viên Pháp Luân Công và những người bất đồng chính kiến.
Nhìn chung, báo cáo cho thấy rằng “chủ nghĩa độc tài ngày càng phát triển” đang tạo ra một thế giới nơi “nhân quyền và nền dân chủ đang bị đe dọa”, “nơi mà các chính phủ đã bỏ tù, tra tấn, hoặc thậm chí sát hại các đối thủ chính trị, nhà hoạt động, người bảo vệ nhân quyền, hoặc ký giả một cách phi lý.”
“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ những người đấu tranh cho nhân phẩm và quyền tự do của con người trên toàn thế giới,” một tuyên bố liên quan của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: