Ngoại trưởng Hoa Kỳ: Trung Quốc đang âm mưu thống trị thế giới
Trong chuyến công du chính thức đầu tiên tới Úc để tham dự Đối thoại An ninh Bộ Tứ (QUAD, gồm có Mỹ, Nhật, Ấn Độ, và Úc), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã nói rằng Trung Quốc đang âm mưu thiết lập một trật tự thế giới mới đặc trưng bởi chủ nghĩa phi tự do mà sẽ cho phép nước này thống trị thế giới.
Trao đổi với tờ The Australian trong một cuộc phỏng vấn độc quyền, ông Blinken nói rằng trong những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến Trung Quốc trở nên hung hăng hơn trên trường quốc tế và đàn áp mạnh mẽ hơn trong nước.
“Trong tâm trí tôi, không có gì phải nghi ngờ về việc tham vọng của Trung Quốc là theo thời gian trở thành cường quốc dẫn đầu về quân sự, kinh tế, ngoại giao và chính trị không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới,” ngài ngoại trưởng nói. “Những gì chúng ta chứng kiến trong những năm gần đây là Trung Quốc đàn áp mạnh mẽ hơn trong nước và hành động hung hăng hơn trong khu vực.”
Ông nhấn mạnh rằng ông tin điều quan trọng là các quốc gia như Úc, Hoa Kỳ và các nước cùng chí hướng khác phải chống lại hành vi này và lưu ý rằng các quốc gia này đang ủng hộ một trật tự tích cực và tự do.
Ông đã nhắc lại quan điểm đó trong bản tin lúc 7 giờ 30 phút của Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Úc (Australia Broadcasting Corporation), nói rằng điều mà các đồng minh tập trung vào là bảo vệ các chuẩn mực, quy tắc, và giá trị đã hợp nhất trật tự dựa trên quy tắc của thế giới.
“Những gì chúng ta đang làm là bảo vệ các chuẩn mực, quy tắc, tiêu chuẩn, giá trị … gắn kết chúng ta. Vì vậy, đây không phải là việc chống lại bất cứ ai cụ thể; đó là về việc bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc, bảo đảm rằng chúng ta gìn giữ những quy tắc và nguyên tắc đó nếu chúng bị đe dọa,” ông Blinken nói.
“Bởi vì chính xác thì những quy tắc đó là nền tảng cho hòa bình, an ninh, và cơ hội cho mọi người trong nhiều thập niên. Vì vậy, khi chúng bị đe dọa, chúng ta có nghĩa vụ phải bảo vệ chúng.”
Nhận xét từ ông Blinken được đưa ra sau khi Ngoại trưởng cảm ơn Thủ tướng Úc Scott Morrison vì sự dẫn đầu của ông trong việc thành lập Bộ Tứ khi bắt đầu buổi Đối thoại hôm thứ Sáu (11/02).
Ông nói, “Chúng tôi đánh giá cao không chỉ lòng hiếu khách của ông trong việc gắn kết chúng ta lại với nhau, mà còn là sự dẫn đầu của ông trong việc thúc đẩy Bộ Tứ trong những tháng qua, và chứng minh rằng bốn nền dân chủ của chúng ta kết hợp lại với nhau có thể tạo ra kết quả cụ thể, mang tính xây dựng cho toàn thể người dân của chúng ta — thực sự thì còn hơn cả thế nữa.”
“Mọi người xứng đáng được sống tự do. Các quốc gia xứng đáng có quyền tự do hợp tác cùng nhau và giao hảo với những quốc gia mà họ lựa chọn. Và cùng nhau, chúng ta có thể chứng minh rằng chúng ta đang hoạt động hiệu quả trong việc mang lại lợi ích cho toàn thể người dân của chúng ta. Đó là tinh thần để chúng ta đang thực hiện việc này và chúng tôi biết ơn sự dẫn đầu của Úc.”
Chuyến công du của ông Blinken diễn ra trong bối cảnh người đứng đầu cơ quan tình báo Úc, Tổng giám đốc ASIO Mike Burgess, tiết lộ rằng đảng đối lập của Úc, Đảng Lao Động Úc (ALP) đã bị Bắc Kinh nhắm mục tiêu nhằm đưa các ứng cử viên Mãn Châu của Đảng Lao Động vào chính phủ Úc trong cuộc bầu cử liên bang sắp tới.
Ông Burgess cho biết cơ quan gián điệp đã phá vỡ âm mưu này và ông đã thông báo cho cả Thủ tướng Úc và lãnh đạo ALP Anthony Albanese.
Ông Albanese nói với Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Úc hôm 11/02 rằng ông đã trao đổi với ông Burgess vào ngày hôm đó và ông Burgess đã “tái xác nhận” rằng không có ứng cử viên tiềm năng nào nằm trong tầm ngắm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã được Đảng Lao Động chọn để ra tranh cử.
Hơn nữa, ông Albanese cho biết ông đã nhấn mạnh rằng ông “không bày tỏ lo ngại về bất kỳ ứng cử viên nào của tôi” trong cuộc bầu cử liên bang – các ứng cử viên này vẫn chưa được nêu tên.
Đảng Lao Động Úc có một mối liên hệ lịch sử với chế độ cộng sản Trung Quốc, với nhà lãnh đạo lâu năm nhất của Đảng Lao Động Gough Whitlam là một trong những nhà lãnh đạo chính trị phương Tây đầu tiên gặp Thủ tướng Chu Ân Lai của chế độ cộng sản ở Trung Quốc vào năm 1971, ngay trước chuyến thăm của Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Henry Kissinger.
Theo Tiến sĩ Stephan FitzGerald đến từ Viện Whitlam Đại học Western Sydney, chuyến thăm của ông Whitlam đã mở đường cho quan hệ ngoại giao và nối lại hoạt động thương mại quốc tế với Trung Quốc, cũng như ảnh hưởng đến cách thức mà Úc tương tác với ĐCSTQ và Trung Quốc.
Cô Victoria Kelly-Clark là một phóng viên tại Úc tập trung vào chính trị quốc gia và môi trường địa chính trị ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, Trung Đông và Trung Á.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: