Ngoại trưởng Blinken tìm thấy điểm chung với Ấn Độ về Afghanistan
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã đến thăm New Dehli, Ấn Độ lần đầu tiên vào ngày 27 và 28/07 để thảo luận về các vấn đề toàn cầu cùng quan tâm với chính phủ Ấn Độ, bao gồm cả tình hình đang diễn ra ở Afghanistan.
Các nhà phân tích địa chính trị nói với The Epoch Times rằng các tuyên bố của cả hai bên phản ánh quan điểm chung của Ấn Độ và Hoa Kỳ về Afghanistan, và vai trò của hai nước trong việc chống lại các chính quyền độc tài.
Trao đổi với The Epoch Times, ông Madhav Nalapat, nhà phân tích địa chính trị kiêm phó chủ tịch của Nhóm nghiên cứu Cao cấp Manipal, nêu rõ: “Ông ấy đã truyền đạt rất, rất rõ ràng quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ về chủ đề này. Ý tôi là, mối đe dọa mà Afghanistan và Ấn Độ phải đối mặt, cả hai quốc gia này đều phải đối mặt với sự kết hợp giữa Pakistan và Trung Quốc.”
Theo các nguồn tin của ông Nalapat, Ngoại trưởng Blinken đã truyền đạt một số thông điệp rất quan trọng từ Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới chính phủ Ấn Độ.
Tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Ấn Độ, Tiến sĩ Subrahmanyam Jaishankar ở New Delhi hôm 28/07, ông Blinken thông báo Hoa Kỳ vẫn sẽ can thiệp vào Afghanistan và tiếp tục trợ giúp chính phủ của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani thông qua nhiều hình thức hỗ trợ, bao gồm cả trợ giúp cho các lực lượng an ninh của nước này và hỗ trợ ngoại giao trong việc kết nối chính phủ của ông Ghani với Taliban theo một “cách có ý nghĩa” để giải quyết các xung đột.
“Rốt cuộc, một Afghanistan không tôn trọng quyền của người dân, một Afghanistan thực hiện những hành động tàn bạo đối với chính người dân mình, sẽ trở thành một quốc gia hạ đẳng. Taliban tuyên bố rằng họ tìm kiếm sự công nhận của quốc tế, rằng họ muốn nhận được sự hỗ trợ quốc tế đối với Afghanistan. Có lẽ, họ muốn các nhà lãnh đạo của mình có thể đi lại tự do trên thế giới, được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt v.v..” ông Blinken tuyên bố khi trả lời câu hỏi về việc liệu chính phủ Hoa Kỳ đã làm đủ để gây áp lực với Pakistan về sự ủng hộ của họ đối với Taliban hay chưa.
“Tiếp quản đất nước bằng vũ lực và lạm dụng quyền của người dân của mình không phải là con đường để đạt được những mục tiêu đó. Chỉ có một con đường duy nhất và đó là tại bàn đàm phán nhằm giải quyết xung đột một cách hòa bình và để có một Afghanistan được quản lý theo một cách thực sự toàn diện, và đó là đại diện cho tất cả người dân của mình.”
Chính phủ Afghanistan đã nhiều lần cáo buộc Pakistan đào tạo, cung cấp tài chính và hỗ trợ lực lượng khủng bố Taliban.
Theo Asian News International đưa tin hôm 31/07, trong một thông điệp video gửi cho giới truyền thông, phát ngôn viên của Tổng thống Ghani nêu rõ: “Chúng tôi có các báo cáo tình báo chính xác rằng hơn 10,000 người Pakistan đã vào Afghanistan từ Pakistan, trong khi 15,000 người khác là được khuyến khích đến. Điều này cho thấy một thể chế chính quy đang đào tạo và cung cấp tài chính cho Taliban.”
Một phái đoàn Taliban gồm chín thành viên, do ông Mullah Abdul Ghani Baradar, người đồng sáng lập đồng thời là người đứng đầu ủy ban chính trị của Taliban, dẫn đầu, đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào ngày 28/07. Ông Vương Nghị tuyên bố việc Hoa Kỳ rút quân là do thất bại trong chính sách của họ tại Afghanistan. Ông Vương Nghị gọi Taliban là “một lực lượng chính trị và quân sự quan trọng ở Afghanistan” và cho biết nhóm khủng bố này đã khuyến khích Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán hòa bình.
Trong một cuộc phỏng vấn với mạng tin tức Ấn Độ CNN-News18, ông Blinken cho rằng vai trò lớn hơn của Trung Quốc ở Afghanistan có thể là một “điều tích cực.”
“Không ai quan tâm đến việc quân Taliban tiếp quản đất nước, khôi phục một tiểu vương quốc Hồi giáo. Mọi người đều quan tâm đến việc giải quyết xung đột một cách hòa bình và một kiểu chính phủ nào đó sẽ xuất hiện để thực sự là đại diện và quản lý toàn bộ [đất nước này]. Và vì vậy, nếu Trung Quốc hành động dựa trên những mối quan tâm đó, nếu các quốc gia khác đang hành động dựa trên những mối quan tâm đó, thì đó là một điều tích cực,” ông Blinken nói.
Tuy nhiên, ông Nalapat cho biết chuyến thăm của ông Blinken đến Ấn Độ chỉ ra rằng cả Ấn Độ và Hoa Kỳ đều muốn ngăn chặn Trung Cộng và các đồng minh của họ thống trị khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Khi đề cập đến Taliban, ông Nalapat nói rằng cả hai quốc gia đều muốn “ngăn chặn sự lan truyền của chủ nghĩa cực đoan, nói thẳng ra, là thứ được ủng hộ hoàn toàn bởi chính quyền độc tài đó, [chính là] Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
Ông Nalapat cho hay ông “rất chắc chắn” rằng ông Blinken đang thảo luận, rằng khi xảy ra “một cuộc tấn công không thể tránh khỏi vào Ấn Độ, vào Afghanistan, thì Ấn Độ và Hoa Kỳ, hai quốc gia mà cộng lại có lực lượng quân đội rất hùng mạnh”, sẽ phối hợp như thế nào.
Hỗ trợ cho Kabul
Các chuyên gia nói với The Epoch Times rằng những tuyên bố mà ông Blinken đưa ra trong chuyến thăm New Delhi cho thấy hai nền dân chủ lớn này ủng hộ chính phủ dân sự được bầu một cách dân chủ tại Kabul.
Ông Blinken nói với giới báo chí ở New Delhi rằng hai nước có chung mối quan tâm về một Afghanistan hòa bình, an ninh và ổn định.
“Với tư cách là một [quốc gia] dẫn đầu và là đối tác quan trọng trong khu vực, Ấn Độ đã và sẽ tiếp tục đóng góp quan trọng cho sự ổn định và phát triển của Afghanistan, và chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác để duy trì lợi ích của người dân Afghanistan, và ủng hộ cho sự ổn định của khu vực sau khi các lực lượng liên minh rút khỏi đất nước này,” ông Blinken tuyên bố.
Ông Enayat Najafizada, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Chiến tranh và Hòa bình Afghanistan có trụ sở tại Kabul, nói với the Epoch Times rằng New Delhi muốn phối hợp với Hoa Kỳ để hỗ trợ Afghanistan.
“Ấn Độ luôn là một nước ủng hộ đáng tin cậy đối với người dân Afghanistan và nhà nước Afghanistan. Mọi sự hỗ trợ và giúp đỡ của Ấn Độ đối với Afghanistan luôn thông qua nhà nước. Đó là mối bang giao [tồn tại] ít nhất trong 20 năm qua kể từ khi có sự hiện diện của cộng đồng quốc tế ở Afghanistan,” ông Najafizada cho biết.
Trong cuộc họp báo chung, ông Jaishankar cho hay ông và ngoại trưởng Blinken đã thảo luận cụ thể về Afghanistan, và rằng các cuộc đàm phán hòa bình cần được tất cả các bên liên quan đến Afghanistan hiện nay, coi trọng.
“Thế giới mong muốn thấy một Afghanistan độc lập, có chủ quyền, dân chủ và ổn định, hòa bình với chính mình và với các nước láng giềng. Nhưng độc lập và chủ quyền của đất nước sẽ chỉ được bảo đảm khi họ không bị những ảnh hưởng xấu. Tương tự, việc đơn phương áp đặt ý chí của bất kỳ bên nào đương nhiên sẽ không phải là dân chủ và không bao giờ có thể dẫn đến ổn định, cũng như những nỗ lực như vậy thực sự không bao giờ có được tính hợp pháp,” ông Jaishankar khẳng định.
Trong quá trình trao đổi giữa ông Blinken và ông Jaishankar, rõ ràng Ấn Độ đã lưu ý việc Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan là “đặc quyền chính sách” của chính phủ Tổng thống Biden, theo ông Kashish Parpiani, một thành viên tại trung tâm Mumbai của [tổ chức tư vấn toàn cầu] Observer Research Foundation.
“Trong bối cảnh Hoa Kỳ tiếp tục giữ vai trò của mình với chiến lược ‘trên đường chân trời,’ thì Ấn Độ và Hoa Kỳ dường như đã đồng ý tiếp tục hỗ trợ cho chính quyền dân sự được bầu một cách dân chủ ở Kabul.”
Ấn Độ có thể sẽ hỗ trợ cho lực lượng không quân Afghanistan và cũng tiếp tục đào tạo cho Quân đội Quốc gia Afghanistan. Theo ông Najafizada, Ấn Độ đã đề nghị giúp đỡ chính phủ Afghanistan và Lực lượng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Afghanistan.
“Tham mưu trưởng quân đội Afghanistan đã lên kế hoạch tới Delhi để thảo luận với các nhà chức trách Ấn Độ về những loại hình hỗ trợ mà Afghanistan cần và những loại hình hỗ trợ mà Ấn Độ có thể cung cấp. Như tôi đã nghe từ một số nguồn tin, Afghanistan cần được hỗ trợ rất nhiều về năng lực không quân, vì sức mạnh không quân mang lại lợi thế cho lực lượng Afghanistan trên mặt đất,” ông Najafizada nói.
Theo ông Najafizada, Ấn Độ rất lo ngại về những bước tiến của Taliban ở Afghanistan, và Ấn Độ sẽ phối hợp với các cường quốc có cùng khuynh hướng để ngăn chặn những bước tiến này.
Ông Nalapat cho biết ông rất vui khi các lực lượng phương Tây đang rút khỏi Afghanistan vì họ không cần thiết ở đó—người Afghanistan là một dân tộc kiêu hãnh và họ không cần bất kỳ lực lượng nước ngoài nào trên mảnh đất của mình.
“Thứ cần thiết là vũ khí. Những gì cần là dữ liệu, thông tin tình báo. Điều cần thiết là hỗ trợ hậu cần. Và điều cần tiếp là hỗ trợ tài chính. Người châu Âu và Nhật Bản đang hỗ trợ tài chính. Người Mỹ đang hỗ trợ hậu cần, tình báo và vũ khí. Và xin phép được nói điều này, Quân đội Quốc gia Afghanistan sẽ giải quyết các yêu cầu về nhân lực, thông qua sự huấn luyện của Quân đội Ấn Độ,” ông Nalapat nói, đồng thời lưu ý ông không tin rằng Ấn Độ sẽ gửi binh sĩ đến chiến đấu ở Afghanistan.
Do Venus Upadhayaya thực hiện
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: