Ngoại trưởng Blinken: Mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc ngày càng đối nghịch
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng ông nhận thấy ngày càng có nhiều khía cạnh “đối nghịch” trong mối quan hệ của Hoa Kỳ với Trung Quốc.
Sự thay đổi này phần lớn là do Trung Cộng đã trở nên “quyết đoán hơn, hiếu chiến hơn nhiều, cho dù là trong khu vực hay xa hơn, dưới nhiều cách thức khác nhau,” ông Blinken nói trong một sự kiện trực tuyến hôm 24/01.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ lưu ý rằng mối quan hệ này đang ngày càng trở nên đối nghịch, thay vì cạnh tranh và hợp tác, là hai yếu tố làm nền tảng cho các chính sách của chính phủ Tổng thống Biden đối với Trung Quốc.
Ông Blinken đưa ra những lời chỉ trích nhằm vào hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng ở hải ngoại của Trung Quốc, các khoản đầu tư được nhà nước hậu thuẫn vào các ngành và công nghệ nhạy cảm cũng như thái độ của nước này đối với nhân quyền và sở hữu trí tuệ.
Theo ông Blinken, một cách hiệu quả để đề phòng “các khoản đầu tư có vấn đề” từ Trung Quốc hay bảo vệ công nghệ của Hoa Kỳ không bị rơi vào tay quân đội Trung Quốc là phối hợp với các đồng minh và tham gia nhiều hơn vào các tổ chức quốc tế.
“Khi Hoa Kỳ đơn thương độc mã giải quyết vấn đề này, chúng ta đạt được 20 hoặc 25% GDP [tổng sản phẩm quốc nội] thế giới. Khi chúng tôi thực hiện việc này cùng với các đối tác và đồng minh ở Âu Châu hoặc Á Châu, con số này là 40, 45%, 50% GDP thế giới,” ông Blinken nói.
“Điều đó làm cho Trung Quốc khó có thể bỏ qua.”
Xây dựng các liên minh và quan hệ đối tác để chống lại một loạt các hành vi lạm dụng kinh tế và quân sự của Trung Cộng là trọng tâm trong cách tiếp cận của chính phủ Tổng thống Biden với Trung Quốc.
Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu và Nhật Bản vào tháng 11/2021 tuyên bố họ sẽ gia hạn quan hệ đối tác ba bên để giải quyết những thách thức do các thực tiễn phi thị trường đặt ra.
Ông Blinken cũng đã có chuyến công du ngoại quốc đầu tiên trên cương vị ngoại trưởng tới Đông Nam Á, nhằm tăng cường quan hệ đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hoa Thịnh Đốn đang tăng cường đầu tư và giao dịch thương mại ở các quốc gia như Indonesia, nước phụ thuộc nhiều về kinh tế vào Trung Quốc.
Về cạnh tranh công nghệ, chính phủ Tổng thống Biden sẽ thúc đẩy việc thông qua Đạo luật Vi mạch Bán dẫn (CHIPS Act) trị giá 52 tỷ USD, ông Blinken nói.
Thượng viện đã thông qua đạo luật này hồi tháng 06/2021, bao gồm 52 tỷ USD để mở rộng hoạt động sản xuất vi mạch bán dẫn trong nước, nhưng dự luật đã bị đình trệ trong nhiều tháng tại Hạ viện. Ông Blinken gọi dự luật này là một “bước tiến lớn” để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của đất nước với công nghệ Trung Quốc. Hôm 25/01, các Nghị sĩ tại Hạ viện đã công bố phiên bản của dự luật này trong nỗ lực đàm phán về dự luật cuối cùng với Thượng viện trong năm nay.
Trong khi ông Blinken lưu ý đến hành vi gây hấn ngày càng mạnh mẽ của Trung Cộng trên khắp thế giới, ông nói rằng việc tách biệt hoàn toàn khỏi Bắc Kinh sẽ là “thiếu sót” và có khả năng là “không hợp lý”.
“Một lần nữa, nếu được thực hiện đúng cách, thì hoạt động thương mại, đầu tư, bao gồm cả với và từ Trung Quốc, có thể là một việc tốt.
Ông nói: “Nhưng nếu sân chơi này không bình đẳng – và thực tế là không, do nhiều thông lệ mà Trung Quốc thực hiện – thì đó là một vấn đề cần phải được giải quyết một cách hiệu quả.”
Dorothy Li là phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.
Phù Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc ở The Epoch Times
Xem thêm: