Ngoại trưởng Blinken gặp gỡ đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Ấn Độ trong bối cảnh căng thẳng Trung-Ấn
Hôm thứ Tư (28/07), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã gặp mặt người đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma ở New Delhi, điều này đã thu hút phản ứng giận dữ từ Bắc Kinh.
Ông Blinken đã có cuộc gặp gỡ ngắn với ông Ngodup Dongchung, người đã tặng ông một chiếc khăn quàng cổ từ Đức Đạt Lai Lạt Ma, một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao cho biết. Ông Dongchung là đại diện của Cơ quan Quản lý Trung ương Tây Tạng (CTA), còn được gọi là chính phủ Tây Tạng lưu vong.
“Đức Đạt Lai Lạt Ma rõ ràng là một nhà lãnh đạo tinh thần được tôn kính trên toàn cầu và vì vậy cử chỉ này đã được mọi người đón nhận và đánh giá cao,” một vị quan chức ẩn danh đã tóm lược với các phóng viên.
Cuộc gặp gỡ này là một trong những cuộc tiếp xúc đáng chú ý nhất giữa các quan chức Hoa Kỳ và Tây Tạng kể từ khi Tổng thống Barack Obama gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Hoa Thịnh Đốn vào năm 2016.
Hôm thứ Năm (29/07), Trung Cộng đã lên án gay gắt cuộc gặp của ông Blinken với người đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã nói trong một cuộc họp báo thường nhật rằng cuộc gặp đó đã vi phạm cam kết của Hoa Kỳ [về việc] “công nhận Tây Tạng là một phần của Trung Quốc” và kêu gọi nước này ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc với Tây Tạng.
Quân đội Trung Quốc đã chiếm Tây Tạng vào năm 1950. Năm 1959, Đức Đạt Lai Lạt Ma chạy sang sống lưu vong ở Ấn Độ sau một cuộc nổi dậy thất bại chống lại sự cai trị của Trung Cộng.
CTA và các nhóm vận động của Tây Tạng đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của quốc tế trong những tháng gần đây trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời chỉ trích về hồ sơ nhân quyền của Trung Cộng, đặc biệt là từ Hoa Kỳ. Vào tháng 11/2020, ông Lobsang Sangay, cựu lãnh đạo chính phủ Tây Tạng lưu vong, đã đến thăm Tòa Bạch Ốc, đây là chuyến thăm đầu tiên sau sáu thập kỷ.
Một tháng sau (12/2020), Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Chính sách và Hỗ trợ Tây Tạng, trong đó kêu gọi người Tây Tạng có quyền lựa chọn người kế vị Đạt Lai Lạt Ma và thành lập lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thủ đô Lhasa của Tây Tạng.
Mối bang giao với Ấn Độ
Trong chuyến thăm đầu tiên tới Ấn Độ kể từ khi tham gia vào chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Blinken đã gặp mặt người đồng cấp Ấn Độ, Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar và các quan chức khác vào thứ Tư trước khi có cuộc điện đàm với Thủ tướng Narendra Modi.
Các bộ trưởng cho biết trong một cuộc họp báo chung rằng, hai bên cũng đã thảo luận về nguồn cung cấp vaccine COVID-19 và hồ sơ nhân quyền của cả hai nước, cũng như về liên minh Bộ Tứ (Quad alliance) – một nhóm an ninh bao gồm cả Úc và Nhật Bản, và cũng đã khiến Trung Cộng tức giận.
Khi được hỏi về việc Trung Cộng cảm thấy bị xúc phạm trước sự hợp tác an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và liên minh Bộ Tứ, ông Jaishankar nói trong cuộc họp báo: “Chẳng có gì là lạ về các nhóm quốc gia hợp tác cùng nhau … Mọi người cần phải thoát khỏi ý tưởng rằng các quốc gia khác bằng cách nào đó đang làm những việc theo hướng chống lại họ.”
Trao đổi với một nhóm các nhà lãnh đạo xã hội dân sự tại một nhà khách ở New Delhi, ông Blinken nói rằng mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ là “một trong những mối bang giao quan trọng nhất trên thế giới.”
Ông nói: “Người dân Ấn Độ và người dân Mỹ tin vào phẩm giá con người và quyền bình đẳng về cơ hội, pháp quyền, các quyền tự do cơ bản bao gồm cả tự do tôn giáo và tín ngưỡng … đây là những nguyên lý cơ bản của các nền dân chủ như của chúng ta.”
Do Reuters thực hiện
Với sự đóng góp của AP và nhân viên Epoch Times
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: