Ngoại trưởng Blinken chỉ trích Bắc Kinh khi nói về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Indonesia
Hôm 14/12, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trong một bài diễn văn về chính sách rằng Hoa Kỳ sẽ “thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, đồng thời chỉ trích Trung Quốc vì những hành động gây hấn trong khu vực này.
Ông Blinken nói trong bài diễn văn tại Đại học Indonesia hôm thứ Ba: “Chúng tôi quyết tâm bảo đảm quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, nơi các hành động gây hấn của Bắc Kinh đe dọa giao thông của khối thương mại trị giá hơn 3 ngàn tỷ dollar mỗi năm.”
Trung Quốc hiện đang đối đầu với Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam, và Đài Loan trong một cuộc tranh chấp lãnh thổ gồm các bãi đá ngầm, quần đảo, và đảo san hô ở Biển Đông. Một phán quyết quốc tế năm 2016 đã bác bỏ các yêu sách lãnh thổ rộng lớn của Bắc Kinh đối với vùng biển tranh chấp này.
Đảng Cộng Sản Trung Quốc (Trung Cộng) đã phớt lờ phán quyết nêu trên và thực hiện các chiến thuật gây hấn để đạt được các yêu sách lãnh thổ của mình, chẳng hạn như điều động lực lượng tuần duyên để ngăn tàu của các quốc gia khác tiếp cận Biển Đông.
Ngoại trưởng Blinken nói: “Chúng tôi và các nước khác, bao gồm cả các bên tranh chấp ở Biển Đông, sẽ tiếp tục đẩy lùi các hành vi như vậy.”
Nhưng sự chỉ trích của Ngoại trưởng Blinken đối với Bắc Kinh không dừng lại ở đó. Ông cũng phản bác Bắc Kinh vì đã “bóp méo các thị trường mở thông qua việc trợ cấp cho các công ty quốc doanh của họ,” “thực hiện các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, và không kiểm soát,” và “hủy bỏ các giao dịch đối với các quốc gia có chính sách mà nước này không đồng ý.”
“Các quốc gia trong khu vực muốn kiểu hành xử này thay đổi,” ông Blinken nói. “Chúng tôi cũng vậy.”
Hôm 13/12, ông Blinken đã đến Indonesia cho chuyến công du kéo dài bốn ngày, bao gồm các điểm dừng ở Malaysia và Thái Lan. Ông dự kiến sẽ trở lại Hoa Kỳ vào ngày 17/12 với một chuyến thăm đến Hawaii. Chuyến đi nhằm mục đích làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Hoa Thịnh Đốn và các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực.
Hôm thứ Hai (13/12), Ngoại trưởng Blinken đã gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo và hai người đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một “quan hệ đối tác chiến lược” song phương, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố. Ngoại trưởng Blinken cũng ca ngợi Indonesia là “một nước ủng hộ mạnh mẽ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.”
Hoa Thịnh Đốn sẽ làm việc với các đồng minh trong khu vực để bảo vệ một trật tự như vậy, ông Blinken nói trong bài diễn văn, cho biết làm như vậy sẽ “bảo vệ quyền của tất cả các quốc gia được lựa chọn con đường của riêng mình, không bị ép buộc, [và] không bị đe dọa.”
Ông nói thêm, “Hãy để tôi nói rõ về một điều: mục tiêu của việc bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ không phải là để kìm hãm bất kỳ quốc gia nào.”
Hiện tại, Đài Loan đang là quốc gia đi đầu trong việc đối diện với sự đe dọa của chế độ cộng sản này, vì Bắc Kinh đang tìm cách đưa hòn đảo tự trị này về dưới trướng, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Hôm thứ Ba (14/12), Ngoại trưởng Blinken đã nhắc lại sự ủng hộ lâu dài của Hoa Thịnh Đốn dành cho Đài Loan, khẳng định Hoa Kỳ có “lợi ích trường cửu đối với hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan.”
Ngoại trưởng Blinken nói, “Chúng tôi sẽ áp dụng một chiến lược kết hợp chặt chẽ hơn tất cả các công cụ sức mạnh quốc gia của chúng tôi — ngoại giao, quân sự, tình báo — với các công cụ của các đồng minh và đối tác của chúng tôi.”
Ngoại trưởng Blinken cũng cho biết Hoa Thịnh Đốn và các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực sẽ theo đuổi các mục tiêu chung trong một “Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương toàn diện” mới. Các mục tiêu này gồm có nền kinh tế và công nghệ kỹ thuật số, chuỗi cung ứng bền bỉ, khử cacbon và năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng, và các tiêu chuẩn lao động.
Theo ông Blinken, Hoa Thịnh Đốn cũng sẽ “tăng cường kết nối mạnh mẽ hơn” với các đồng minh có hiệp ước trong khu vực, như Úc, Nhật Bản, Philippines, Nam Hàn, và Thái Lan.
Đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Blinken cho biết đây không phải là một cuộc thi về việc biến nơi này thành một khu vực lấy Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc làm trung tâm.
Ông Blinken nói, “Tất cả chúng ta đều có vai trò trong việc bảo đảm rằng khu vực năng động nhất trên thế giới này không phải chịu o ép và tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được.”
Cũng trong hôm thứ Ba, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã hoan nghênh Lithuania vì đã đứng lên chống lại Trung Quốc trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Arvydas Anusauskas tại Ngũ Giác Đài. Theo một tuyên bố, hai bên đã ký kết một thỏa thuận mua sắm quốc phòng qua lại sau cuộc họp của hai bộ trưởng.
“Tôi khen ngợi chính phủ của quý vị vì chính sách kiên quyết của mình đối với Trung Quốc, và chúng tôi biết rằng quý vị đã phải đối diện với sự trả đũa cho những quyết định mang tính nguyên tắc của mình,” Bộ trưởng Austin nói, theo Ngũ Giác Đài.
Lithuania đã rơi vào một cuộc tranh cãi ngoại giao với Trung Quốc, sau khi quốc gia Baltic này quyết định cho phép Đài Loan mở [văn phòng] trên thực tế là đại sứ quán tại thủ đô Vilnius của mình, sử dụng tên riêng của Đài Loan. Để trả đũa, Bắc Kinh đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Lithuania và được cho là đã chặn không để hải quan Trung Quốc thông quan hàng xuất cảng của nước này.
An Nhiên và Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: