Ngoại giao ‘chiến lang’ của Bắc Kinh có thể phá vỡ thỏa thuận thương mại EU–Trung Quốc
Một thỏa thuận đầu tư lớn giữa EU và Trung Quốc đã bị đặt dấu chấm hỏi sau khi Trung Cộng sử dụng lối ngoại giao hung hăng để đáp trả các lệnh trừng phạt của EU.
Hôm 22/03, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Anh Quốc và Canada đã công bố các biện pháp trừng phạt phối hợp nhắm vào các quan chức Trung Cộng chịu trách nhiệm về chính sách đàn áp của Trung Cộng ở vùng viễn tây Tân Cương. EU đã trừng phạt 4 quan chức Trung Cộng theo Chế độ Trừng phạt Nhân quyền Toàn cầu mới của EU, có hiệu lực từ tháng 12 năm ngoái (2020).
Trung Cộng đang tiến hành tội ác diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, buộc họ phải triệt sản, cưỡng bức phá thai, tra tấn, cưỡng bức lao động và tách trẻ em khỏi gia đình của chúng. Ngoài ra, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam trong các trại giam giữ – các cơ sở mà chế độ cộng sản này đã biện bạch là các “trường dạy nghề.”
Trung Cộng đã đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt nhắm vào các nghị sĩ Canada, các quan chức Hoa Kỳ ủng hộ quyền tôn giáo, các nhà lập pháp Anh Quốc và các chính trị gia EU – bao gồm 5 thành viên của Nghị viện châu Âu.
Hành động trả đũa thẳng thừng của chế độ Trung Cộng đã khiến các chính phủ châu Âu tức giận, ít nhất 9 quốc gia – trong đó có Bỉ, Đan Mạch, Pháp và Thụy Điển – đã triệu tập các đại sứ của Trung Quốc tại quốc gia của họ để lên tiếng phản đối.
Các đại sứ quán Trung Quốc tại Liên minh châu Âu cũng đã có các biện pháp đáp trả. Theo hãng truyền thông nhà nước Trung Cộng Guancha, các Đại sứ quán Trung Quốc tại 15 quốc gia châu Âu đã đệ đơn khiếu nại về lệnh trừng phạt Tân Cương tại Bộ Ngoại giao các nước này tính đến hôm 25/03.
Giờ đây mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và EU đã khiến thỏa thuận đầu tư song phương – được ký kết vào tháng 12 năm ngoái sau 7 năm đàm phán – trên bờ vực đổ vỡ. Thỏa thuận này, vốn vẫn chưa được Nghị viện châu Âu phê chuẩn và Hội đồng EU thông qua, từ lâu đã bị chỉ trích vì những vi phạm nhân quyền dai dẳng và điều kiện làm việc tồi tệ tại Trung Quốc.
Hôm 27/03, ông Norbert Röttgen, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện, Quốc hội Đức, cho biết thỏa thuận đầu tư hiện tại sẽ chẳng đi đến đâu, theo nhật báo Augsburger Allgemeine của Đức.
Ông Röttgen nói rằng ông không thể tưởng tượng ra sẽ có một sự đồng thuận [nào đó] trong Nghị viện châu Âu để phê chuẩn thỏa thuận đầu tư này chừng nào Trung Cộng còn trừng phạt các thành viên của Nghị viện châu Âu chỉ đơn giản vì “thực hiện quyền tự do ngôn luận của họ.”
“EU và các nước thành viên nên làm rõ điều này với Bắc Kinh,” ông Röttgen nói.
Ông Röttgen không phải là người duy nhất bày tỏ lo ngại về thỏa thuận đầu tư này. Theo một bài báo hôm 26/03 trên nhật báo Merkur của Đức, ba trong số bốn đảng lớn nhất tại Nghị viện châu Âu đã tuyên bố phản đối việc phê chuẩn thỏa thuận đầu tư này chừng nào các lệnh trừng phạt của Trung Cộng vẫn còn hiệu lực.
Ông Jörg Wuttke, chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc, nói với tờ Merkur rằng thỏa thuận đầu tư này sẽ không được thảo luận tại Nghị viện Châu Âu trong tương lai gần.
Bộ Ngoại giao Trung Cộng, trong một tuyên bố hôm 22/03, đã chỉ trích các lệnh trừng phạt của EU là dựa trên “không gì khác ngoài những lời nói dối và thông tin sai lệch.” Họ kêu gọi Brussels “tự suy xét lại bản thân [và] thẳng thắn đối mặt với mức độ nghiêm trọng các sai lầm của mình” và ngừng “can thiệp vào công việc nội bộ [của các bên khác].”
Cũng trong ngày 22/03, Hội nghị Thế giới người Duy Ngô Nhĩ (WUC) có trụ sở tại Munich đã hoan nghênh các biện pháp trừng phạt của EU đối với 4 quan chức Trung Cộng trong một tuyên bố.
“Các biện pháp trừng phạt này gửi một thông điệp rõ ràng của Liên minh Châu Âu tới Trung Cộng rằng họ sẽ không còn có thể phạm tội diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ mà không bị trừng phạt”, chủ tịch WUC Dolkun Isa cho biết.
“Chúng tôi cảm ơn Liên minh Châu Âu về bước đi quan trọng này và kêu gọi phần còn lại của cộng đồng quốc tế hãy làm theo. Chỉ bằng hành động cụ thể như thế này, chúng ta mới có thể ngăn chặn nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ và chấm dứt nỗi thống khổ của người dân Duy Ngô Nhĩ.”
Hôm 27/03, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã lên án Bắc Kinh về các biện pháp trừng phạt nhằm vào hai quan chức Hoa Kỳ, nói rằng các hành động của Trung Cộng “chỉ góp phần vào sự giám sát ngày càng tăng của quốc tế đối với tội ác diệt chủng và tội ác chống lại loài người đang tiếp diễn ở Tân Cương.”
Tổ chức phi chính phủ Hồng Kông Watch của Anh Quốc cho biết trong một tuyên bố hôm 27/03 về các biện pháp trừng phạt của Trung Cộng: “Trong khi Hoa Kỳ, Anh Quốc, Canada và EU đã trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền, thì chính quyền Trung Cộng đã chọn trừng phạt những người bảo vệ nhân quyền, các ủy ban và các nhà lập pháp hàng đầu được bầu chọn trên khắp thế giới.”
“Tất cả sự giả bộ ngây thơ [của Bắc Kinh] giờ đã biến mất và những chiến lang đang cắn trả lại, thế giới phải đoàn kết để sát cánh cùng với người Duy Ngô Nhĩ, người Hồng Kông và những nạn nhân khác đang phải đối mặt với sự đàn áp của chính quyền Trung Cộng.”
Trong những năm gần đây, Trung Cộng ngày càng áp dụng hình thức ngoại giao “chiến lang” hung hăng trong nỗ lực đẩy lùi những chỉ trích ngày càng tăng của quốc tế đối với chế độ này.
Do Frank Fang thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Xem thêm: