Nghiên cứu: Tỷ lệ tự tử của cựu chiến binh Hoa Kỳ có thể cao hơn 2.4 lần so với báo cáo của chính phủ
Tỷ lệ tự tử của các cựu chiến binh Mỹ cao hơn gấp đôi so với báo cáo của Bộ Cựu chiến binh (VA) của chính phủ, theo một nghiên cứu mới được công bố bởi Tổ chức Hợp tác Chiến binh Mỹ (AWP) hôm 17/09.
AWP là một tổ chức bất vụ lợi quốc gia nhằm hợp tác với các cộng đồng để ngăn chặn hành vi tự sát của các cựu chiến binh, theo trang web chính thức của tổ chức này.
Tổ chức bất vụ lợi này đã hợp tác với Đại học Alabama và Đại học Duke để thu thập dữ liệu tử vong do nhà nước cung cấp, đồng thời phối hợp với Bộ Quốc phòng (DoD) để thiết lập liên kết quân sự, và “xác định các điểm chung về một người, nghĩa vụ quân sự, và cái chết của họ.”
Nghiên cứu này (pdf) có tiêu đề “Operation Deep Dive” (OpDD) và được AWP mô tả như là một “nghiên cứu về tỷ lệ tử vong do tự sát và tự tử của cựu quân nhân [trong quân đội] bao gồm tám tiểu bang và dữ liệu tử vong trong 5 năm được DoD chứng thực.”
Các tiểu bang được liệt kê trong nghiên cứu này là Alabama, Florida, Maine, Massachusetts, Michigan, Minnesota, Montana, và Oregon. Dữ liệu của DoD tập trung vào cả cựu chiến binh nam và nữ trong độ tuổi từ 18 đến 64.
Giai đoạn năm năm nói trên là từ năm 2014 đến năm 2018.
AWP đã phát hiện ra rằng tỷ lệ tự sát ở các cựu chiến binh trong khoảng thời gian năm năm này cao hơn 1.37 lần so với tỷ lệ được VA báo cáo chính thức.
Nếu tám tiểu bang đó và sự điều chỉnh độ tuổi đại diện cho một tỷ lệ quốc gia, thì trung bình sẽ có 24 cựu quân nhân (FSM) tử vong mỗi ngày do các vụ tự tử được tuyên bố chính thức, so với mức trung bình của VA trong giai đoạn 2014–2018 là 17.7 cựu chiến binh tự tử mỗi ngày.
AWP cũng phát hiện ra rằng VA chưa tính đến Tỷ lệ tử vong do tự gây thương tích (SIM), mà theo họ chủ yếu là do dùng thuốc quá liều.
Tỷ lệ tự tử cao hơn đáng kể
VA thường phân loại các trường hợp tử vong do tự gây thương tích là vô tình hoặc không được xác định, nhưng khi tính đến các trường hợp tử vong có liên quan đến các hành vi tự làm hại bản thân, thì báo cáo này cho biết có 20 cựu quân nhân tử vong mỗi ngày do SIM và hơn 80% được “ghi nhận là tử vong do dùng thuốc quá liều.”
Nghiên cứu cho biết, nếu tám tiểu bang được liệt kê trong nghiên cứu trên đại diện chung cho tỷ lệ quốc gia, thì tổng tỷ lệ tử vong sẽ là ít nhất 44 cựu quân nhân tử vong mỗi ngày, cao hơn 2.4 lần so với tỷ lệ tự tử của VA.
Các tác giả của nghiên cứu này cho biết sự khác biệt về số liệu tự tử do chính phủ báo cáo có khả năng là do “không tính hết số cựu quân nhân tử vong và nét đặc trưng hơn về nhân khẩu học, kinh nghiệm quân sự, và thông tin chi tiết có sẵn về cái chết của người quá cố cho OpDD.”
Nghiên cứu trên còn nói thêm rằng Tử vong do tự gây thương tích (SIM) cần được đưa vào bất kỳ phân tích nào về sự tử vong của cựu quân nhân và cựu chiến binh, mặc dù cũng cần có một loạt các cải tiến khi báo cáo tử vong ở cấp địa phương, tiểu bang, và quốc gia.
Trong một diễn biến khác, nghiên cứu cũng lưu ý rằng những cá nhân phục vụ trong quân đội dưới ba năm có nguy cơ tự sát cao nhất, trong khi những người bị giáng chức trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự có nguy cơ tự sát cao hơn 56%.
Ngoài ra, nghiên cứu còn lưu ý rằng các cựu thành viên của Lực lượng Cảnh sát Biển có nhiều khả năng tử vong vì tự sát cao nhất, tiếp theo là Thủy quân lục chiến, Lục quân, Hải quân, và Không quân.
“Dữ liệu chỉ ra rằng cựu quân nhân có nguy cơ tử vong do tự sát/SIM (tử vong do tự gây thương tích) hoặc các nguyên nhân tự nhiên như bệnh tim hoặc ung thư trước 64 tuổi cao hơn so với những người chưa từng phục vụ trong quân đội,” báo cáo nêu rõ.
Cần có dữ liệu tốt hơn
“Nếu chúng ta muốn đạt được tiến bộ trong việc ngăn chặn cựu quân nhân tự tử, thì chúng ta cần có dữ liệu tốt hơn,” ông Jim Lorraine, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của AWP, cho biết trong một thông cáo báo chí. “Dữ liệu không chính xác dẫn đến việc phân bổ sai các nguồn tài nguyên rất có giá trị. Operation Deep Dive được thiết kế để giải quyết vấn đề này.”
Trong một tuyên bố với The Epoch Times, phát ngôn viên của Bộ Cựu chiến binh cho biết rằng Báo cáo Ngăn chặn Tự tử Hàng năm của họ “dựa trên dữ liệu đã được xác nhận từ CDC và DoD, đồng thời đáp ứng chất lượng và tiêu chuẩn của một ấn phẩm được bình duyệt.”
“Mục đích của báo cáo Phòng chống Tự tử Quốc gia của VA là đếm mọi Cựu chiến binh tự sát để chúng tôi có thể ngăn chặn mọi Cựu chiến binh tự sát. Kết thúc hành động tự sát của Cựu chiến binh và cứu sống là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi về mặt lâm sàng tại VA, và chúng tôi thực hiện mọi bước có thể để bảo đảm rằng dữ liệu tự tử của Cựu chiến binh của chúng tôi là chính xác — bởi vì bước đầu tiên để giải quyết vấn đề này là hiểu rõ nó,” phát ngôn viên này cho biết. “Phương pháp của chúng tôi trong việc tạo báo cáo này đã được thiết lập tốt và nhất quán.”
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times