Nghiên cứu: Truyền thông Hoa Kỳ đưa tin tiêu cực tràn lan về virus Trung Cộng
Một phân tích sâu rộng về mức độ đưa tin của các phương tiện truyền thông chính thống về virus Trung Cộng – còn được gọi là Covid-19 – bởi ba nhà phân tích của Ivy League đã phát hiện ra rằng hầu như tất cả các câu chuyện xung quanh vấn đề này kể từ tháng 1 đều là tiêu cực.
“91% tin bài của các phương tiện truyền thông lớn của Hoa Kỳ có giọng điệu tiêu cực so với 54% các nguồn tin chính thống không phải của Hoa Kỳ và 65% các tạp chí khoa học”, theo nghiên cứu được xuất bản bởi Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER).
Các tác giả, Giáo sư kinh tế Bruce Sacerdote của Đại học Dartmouth, Bruce Sacerdote, nhà nghiên cứu kinh tế Dartmouth, Ranjan Sehgal, và Molly Cook thuộc Đại học Brown, viết: “Sự tiêu cực của các phương tiện truyền thông lớn của Hoa Kỳ là đáng chú ý ngay cả ở các khu vực có những phát triển khoa học tích cực, việc mở cửa lại trường học và thử nghiệm vắc-xin”.
Ba học giả đã xem xét hơn 20.000 tin tức được đăng trên các kênh truyền thông lớn như The New York Times, Fox News, The Washington Post, CNN và The Wall Street Journal kể từ ngày 1 tháng 1.
Các tin tức tiêu cực đặc biệt là về triển vọng phát triển vắc-xin chống virus Trung Cộng (Covid-19), các khoản phí kinh tế, y tế và xã hội đối với trẻ em và người lớn do các doanh nghiệp, trường học, nhà thờ và các hoạt động xã hội đóng cửa.
“Sự đưa tin của các phương tiện truyền thông ảnh hưởng đến cả sức khỏe và thái độ của con người đối với các biện pháp phòng ngừa như tiêm chủng, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội,” nghiên cứu cho biết, trích dẫn 5 phân tích riêng biệt, trong đó có 4 phân tích được thực hiện vào năm 2020 và một vào năm 2015.
“Tỷ lệ người lớn Hoa Kỳ có các triệu chứng trầm cảm đã tăng gấp ba lần kể từ khi xảy ra đại dịch. Khi thảo luận về sự gia tăng các vấn đề sức khỏe tinh thần này, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến cáo không nên đọc nhiều tin bài về đại dịch. Kết quả của chúng tôi cho thấy cảnh báo của CDC là đúng.”
Ví dụ, các tác giả đã trích dẫn tin tức đầu tiên được xuất bản vào tháng 3 cho biết các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford có thể phát triển một loại vắc-xin nhanh hơn nhiều so với thời gian thông thường cần từ 2 đến 5 năm.
Nghiên cứu cho biết, tin tức đó và hầu hết những tin tức tiếp theo trên các phương tiện truyền thông lớn của Hoa Kỳ về tiến triển phát triển vắc-xin đều “nhấn mạnh sự cảnh báo của các quan chức y tế và chuyên gia về việc hạ thấp tiến trình lạc quan và thành công trong quá khứ của các nhà nghiên cứu Oxford.”
Một ngoại lệ đáng chú ý gần đây của việc đưa tin tiêu cực là một bài báo của CNN ngày 28/11 về vắc-xin do các nhà nghiên cứu của AstraZeneca và Oxford đồng phát triển.
Báo cáo của CNN cho biết: “Trong những ngày kể từ khi Đại học Oxford và AstraZeneca công bố kết quả thử nghiệm vắc-xin COVID-19 giai đoạn 3 của họ, ngày càng nhiều câu hỏi được đặt ra.”
“Hiệu quả trung bình 70% thấp hơn đáng kể so với con số 94,5% đến 95% được báo cáo bởi hai ứng cử viên hàng đầu khác, Moderna và Pfizer. Tuy nhiên, loại vắc-xin này vẫn có thể được chứng minh là có giá trị hơn cho thế giới so với hai loại còn lại trong những tháng tới. Nếu các nghi vấn về kết quả của nó được giải đáp và nó nhận được sự chấp thuận, nó có thể dẫn đầu trong việc cung cấp vắc-xin ở các quốc gia nghèo hơn, những nơi có nhu cầu khẩn cấp”.
“Chính phủ Vương quốc Anh đã thực hiện bước đầu tiên trong quy trình phê duyệt đó vào thứ Sáu, thông báo rằng họ đã chính thức giới thiệu ứng cử viên [vắc-xin] này đến cơ quan quản lý dược phẩm của Vương quốc Anh để đánh giá.”
Tương tự như vậy, mặc dù có nhiều nghiên cứu độc lập được công bố vào năm 2020 cho thấy việc mở lại trường học không góp phần đáng kể vào việc lây lan dịch bệnh, nhưng nghiên cứu của NBER chỉ ra “90% các bài báo từ các phương tiện truyền thông chính thống của Hoa Kỳ nói việc mở lại trường học là tiêu cực, so với chỉ 56% các phương tiện truyền thông lớn bằng tiếng Anh ở các quốc gia khác.”
Hạ nghị sỹ Steve Budd (Cộng Hòa-North Carolina) nói với The Epoch Times hôm 30/11 rằng ông nhận thấy mối tương quan giữa sự tiêu cực trong nghiên cứu và sự phản đối của các nhà báo trong hãng truyền thông lớn đối với Tổng thống Donald Trump.
“Các phương tiện truyền thông thường trục lợi trên nỗi sợ hãi và sự chia rẽ của công chúng và đó là những gì nghiên cứu này cho thấy. Đó là trường hợp ở Hoa Thịnh Đốn, các phương tiện truyền thông chính thống phớt lờ hầu hết những điều tích cực mang tính lưỡng đảng được Quốc hội thông qua vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến các tin tức của họ,” Budd nói.
“Đất nước chúng ta mạnh mẽ và kiên cường, nhưng tôi nghi ngờ rằng bất kỳ sự tích cực nào về đại dịch sẽ khiến Tổng thống Trump có lợi thế và do đó, nó không được đưa lên các phương tiện truyền thông tự do. Nghiên cứu này cho thấy rằng, một lần nữa, các phương tiện truyền thông bám vào những lời kể hơn là tập trung khai thác các dữ kiện thực tế.”
Chiến lược gia vận động chính trị kỳ cựu của Hoa Thịnh Đốn, ông Grover Norquist, nói với The Epoch Times rằng xu hướng sai khác giữa thực tế với báo cáo của các kênh truyền thông lớn về virus Trung Cộng (Covid-19) cũng xuất hiện ở các vấn đề khác.
“Báo chí chính thống đã cố gắng bỏ qua việc cắt giảm thuế; nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Tiếp theo là vụ án nước Nga; mà thật đáng thất vọng. Sau đó, họ đánh con bài virus và điều đó chỉ hiệu quả nếu họ phớt lờ Trung Quốc và việc TT Trump nhanh chóng đưa ra các loại vắc-xin có hiệu quả và đi đúng hướng vài tháng trước cuộc bầu cử,” ông Norquist nói.
“Vì vậy, tin tức chỉ xoay quanh việc tiểu bang nào có số ca nhiễm tăng lên. Tử vong giảm, thì tập trung vào việc nhập viện tăng. Nhập viện giảm, thì lại tập trung vào các ca dương tính tăng lên.”
Nhận xét của Norquist phản ánh một trong những phát hiện của nghiên cứu rằng “xu hướng thời gian quan sát được trong các tin tức tiêu cực ít có liên quan đến xu hướng thời gian thực tế trong các trường hợp nhiễm Covid-19 mới hàng tuần ở Hoa Kỳ”.
Nghiên cứu cũng kết luận rằng “những tin tức phổ biến nhất trên The New York Times có mức độ tiêu cực cao, đặc biệt là những bài báo liên quan đến COVID-19.”
Nghiên cứu cũng lưu ý “những tin tức trên các phương tiện truyền thông ở Hoa Kỳ thảo luận về lợi ích của việc giãn cách xã hội hoặc lợi ích của việc đeo khẩu trang ít hơn những tin tức về Tổng thống [Donald] Trump không đeo khẩu trang.”