Nghiên cứu trên Lancet tiết lộ tỷ lệ tử vong do bệnh hồng cầu hình liềm cao gấp 11 lần so với ghi nhận trước đây
Nghiên cứu trên Lancet cho thấy tỷ lệ tử vong do bệnh hồng cầu hình liềm đang gia tăng đáng kinh ngạc trên toàn cầu. Điều này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về việc cải thiện các chiến lược theo dõi và điều trị hiệu quả.
Một nghiên cứu được đăng trên The Lancet đã tiết lộ một thực tế đáng báo động: tỷ lệ tử vong trên toàn cầu của bệnh hồng cầu hình liềm cao gấp 11 lần so với ghi nhận trước đây.
Báo cáo toàn diện này phân tích về bệnh hồng cầu hình liềm, nêu rõ tỷ lệ bị bệnh và tử vong của căn bệnh này từ năm 2000 đến 2021 trên 204 quốc gia. Kết quả cho thấy sự gia tăng đáng kể số người phải chiến đấu với căn bệnh này. Bệnh hồng cầu hình liềm trở nên khó kiểm soát hơn bởi các trường hợp bị bỏ qua trong quá trình tầm soát. Lý do là vì chẩn đoán sai và thiếu kiến thức toàn diện về những ảnh hưởng sâu rộng của căn bệnh này đối với sức khỏe toàn cầu.
Tìm hiểu sâu hơn về nghiên cứu trên Lancet
Nghiên cứu mới của The Lancet cung cấp một cái nhìn nghiêm túc về gánh nặng ngày càng gia tăng của bệnh hồng cầu hình liềm (SCD) trên toàn thế giới. Nghiên cứu này đánh dấu sự cố gắng đầu tiên trong việc đánh giá toàn diện về tỷ lệ tử vong toàn cầu do SCD, sử dụng dữ liệu từ Nghiên cứu Global Burden of Diseases, Injuries, and Risk Factors Study (GBD) năm 2021.
Để hiểu rõ hơn về thiệt hại sức khỏe do SCD gây ra, nghiên cứu này đã kiểm tra 4 loại dữ liệu dịch tễ học chính: tỷ lệ bị bệnh lúc mới sinh, tỷ lệ bị bệnh theo độ tuổi, tỷ lệ tử vong do bệnh tật (tổng số ca tử vong), tỷ lệ tử vong vượt mức (số ca tử vong vượt mức). Các nhà nghiên cứu sử dụng dữ liệu chuẩn từ nghiên cứu GBD và các phương pháp lập mô hình tiên tiến để ước tính những con số này trên các kiểu gene khác nhau của SCD.
Kết quả của nghiên cứu cho thấy các hồ sơ trước đây đã đánh giá rất thấp về tác động của SCD. Mặc dù tỷ lệ bị SCD trên toàn quốc vẫn luôn ổn định từ năm 2000 đến 2021, nhưng số trẻ em sinh ra với căn bệnh này đã tăng lên 13.7%. Các tác giả nghiên cứu cho rằng sự gia tăng này, tương đương với khoảng 515,000 trẻ sơ sinh [bị bệnh], chủ yếu là do sự gia tăng dân số ở vùng Caribbean và trung tâm Phi Châu cận Saharan.
Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy sự tăng mạnh 41.4% trong quần thể người bị SCD trên thế giới. Từ 5.46 triệu người [bị bệnh] vào năm 2000, con số này đã tăng lên thành 7.74 triệu vào năm 2021. Mặc dù theo ước tính số ca tử vong ở mọi lứa tuổi do nguyên nhân cụ thể vào năm 2021 là khoảng 34,400, nhưng gánh nặng về tỷ lệ tử vong do SCD cao hơn gấp 11 lần, với 376,000 người.
Bỏ sót chẩn đoán về bệnh hồng cầu hình liềm
Nghiên cứu này cho thấy sự chênh lệch giữa tỷ lệ tử vong do nguyên nhân cụ thể và tổng tỷ lệ tử vong do SCD, đặc biệt là ở trẻ dưới 5 tuổi. Khi đánh giá tổng tỷ lệ tử vong, SCD đã vươn lên vị trí thứ 12 trong số các nguyên nhân gây tử vong ở nhóm tuổi này, tương phản rõ rệt với vị trí thứ 40 khi chỉ tập trung vào tỷ lệ tử vong do nguyên nhân cụ thể.
Tỷ lệ tử vong do nguyên nhân cụ thể đề cập đến các trường hợp tử vong trực tiếp do bệnh hồng cầu hình liềm. Mặt khác, tổng tỷ lệ tử vong bao gồm tất cả các trường hợp tử vong trong quần thể những người được chẩn đoán SCD, kể cả khi nguyên nhân tử vong lúc đó là do các biến chứng sức khỏe khác. Chỉ số này (tổng tỷ lệ tử vong) vẽ ra một bức tranh toàn diện hơn về số lượng tử vong chính xác do bệnh hồng cầu hình liềm.
Ở nhiều quốc gia, các chẩn đoán bệnh hồng cầu hình liềm ở trẻ sơ sinh thường bị bỏ sót. Bà Azalea Thomson, tác giả chính của báo cáo và là nhà nghiên cứu tại Institute for Health Metrics and Evaluation (IHME), giải thích rằng, những trẻ không được chẩn đoán này có thể bị các biến chứng sức khỏe trầm trọng sau này, bao gồm các bệnh nhiễm trùng vô cùng nguy hiểm hoặc đột quỵ. Khi bệnh hồng cầu hình liềm vẫn chưa được xác định, thì điều này sẽ đóng vai trò như một tác nhân tiềm tàng khiến cho sức khỏe ngày càng kém [và] thường bị các chuyên gia chăm sóc sức khỏe bỏ qua. Mối liên quan mấu chốt giữa SCD và kết cục tử vong không được ghi nhận trong giấy chứng tử. Đây là lý do khiến cho người ta hầu như không nhìn thấy mối đe dọa thầm lặng [do bệnh hồng cầu hình liềm gây ra].
Nghiên cứu Thomson đã vượt qua hai thách thức về dữ liệu không đầy đủ và ghi chép thiếu về các trường hợp tử vong liên quan đến bệnh hồng cầu hình liềm. Nghiên cứu đã làm sáng tỏ lý do mà phần lớn số ca tử vong chính xác do SCD bị ẩn giấu. Đó là vì người ta thường quy mỗi ca tử vong cho một nguyên nhân duy nhất. Do đó, nghiên cứu này cung cấp một cái nhìn rõ ràng hơn, chính xác hơn về số người tử vong thực sự do căn bệnh thường bị bỏ qua này.
Thông tin về bệnh hồng cầu hình liềm
Bệnh hồng cầu hình liềm (SCD) được đặt tên theo các hồng cầu hình “liềm” do căn bệnh này tạo ra. Chứng rối loạn máu di truyền này chủ yếu ảnh hưởng đến người gốc Phi, Địa Trung Hải, Trung Đông, và Nam Á.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh hồng cầu hình liềm có nguyên nhân từ đột biến gene sản xuất hemoglobin. Đó là một protein quan trọng có nhiệm vụ vận chuyển oxy mang lại sự sống cho khắp cơ thể.
Các tế bào hồng cầu điển hình có hình dạng tròn trịa, giống như chiếc bánh rán, giúp hồng cầu đủ linh hoạt để vượt qua những ngóc ngách của hệ thống tuần hoàn. Tuy nhiên, SCD biến các tế bào này thành các tế bào hình liềm kém linh hoạt và dễ kết dính. Những tế bào dị dạng này kết tụ lại với nhau, gây cản trở sự lưu thông của dòng máu. Đây là nguyên nhân chính gây ra đau khổ cho các bệnh nhân bị hồng cầu hình liềm.
Ngoài ra, những tế bào hình liềm này có thời gian sống ngắn hơn so với các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Do đó, những người bị hồng cầu hình liềm thường xuyên gặp trở ngại với bệnh thiếu máu, một tình trạng dai dẳng do thiếu hồng cầu. Tình trạng thiếu hụt hồng cầu liên tục có thể dẫn đến mệt mỏi, khiến cho việc thực hiện các hoạt động thường ngày cũng trở nên khó khăn đối với người bị ảnh hưởng.
Giống như nhiều bệnh lý khác, SCD biểu hiện một loạt các triệu chứng và biến chứng khác nhau rõ rệt ở mỗi người và thường thay đổi theo thời gian. Các triệu chứng và biến chứng có thể bao gồm nhiễm trùng và mệt mỏi, sau đó dần dần xuất hiện các vấn đề trầm trọng hơn như đột quỵ, tổn thương nội tạng, và trong trường hợp xấu nhất là tử vong sớm.
SCD chỉ là một căn bệnh di truyền, trong đó trẻ nhận được hai gene quy định tế bào hình liềm – một gene từ cha và một gene từ mẹ. Nếu chỉ nhận được một gene từ cha hoặc mẹ, thì trẻ sẽ mang [gene] quy định tế bào hình liềm nhưng thường không biểu hiện các triệu chứng bệnh. Dữ liệu của CDC cho thấy có khoảng 100,000 người Mỹ bị SCD, trong khi cứ 13 người Mỹ gốc Phi thì có 1 người mang gene quy định đặc điểm này.
Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Bill & Melinda Gates.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times