Nghiên cứu: Thực vật phát ra ‘tiếng thét’ siêu âm khi bị căng thẳng
Một nhóm các nhà nghiên cứu tại đại học Tel Aviv ở Israel đã phát hiện rằng một số loài thực vật phát ra âm thanh đau đớn tần số cao khi chúng bị đặt trong một môi trường căng thẳng.
Nhóm nghiên cứu do ông Itzhak Khait dẫn đầu đã kiểm tra âm thanh do cây cà chua và cây thuốc lá phát ra khi bị căng thẳng do thiếu nước hay khi bị cắt thân cây. Nghiên cứu cho thấy, các thiết bị thu âm đã ghi lại được âm thanh siêu âm trong dải tần số từ 20 đến 100 kilohertz do cây phát ra trong cả hai trường hợp.
Những âm thanh thực vật bị căng thẳng phát ra ở tần số mà con người không thể nghe thấy, tuy nhiên các nhà nghiên cứu tin rằng “một số sinh vật” có thể nghe được âm thanh từ khoảng cách xa đến vài mét.
Theo nghiên cứu, một cây cà chua phát ra 25 âm thanh siêu âm đau đớn trong khoảng 1 giờ khi bị cắt thân, còn cây thuốc lá thì phát ra 15 âm thanh siêu âm đau đớn.
Khi thiếu nước, cây cà chua phát ra 35 âm thanh đau đớn trong 1 giờ, còn cây thuốc lá phát ra 11 âm thanh. Họ nhận thấy âm thanh phát ra khi cây bị thiếu nước lớn hơn so với âm thanh khi bị cắt thân.
Trong khi đó, những cây không phải chịu áp lực môi trường nào thì phát ra ít hơn một âm thanh đau đớn mỗi giờ.
Các tác giả lưu ý rằng các loài thực vật, động vật khác và con người (với các công cụ phù hợp) có thể nghe thấy và lắng nghe tiếng thét câm lặng của thực vật. Ví dụ, một con bướm đêm có thể chọn đẻ trứng ở nơi khác nếu nó phát hiện ra cây đang bị căng thẳng vì nước.
Các tác giả cho rằng, trong những trường hợp khác, các loại thực vật có thể phản ứng tương ứng với những cá thể bị thiếu nước.
Các nhà nghiên cứu viết trong nghiên cứu của họ, “Những phát hiện này có thể thay đổi cách chúng ta nghĩ về thế giới thực vật, vốn được coi là hầu như im lặng từ trước tới nay.”
Sau đó, nhóm nghiên cứu của Đại học Tel Aviv đã lấy dữ liệu và sử dụng nó cho việc huấn luyện một mô hình học máy để dự đoán các tần số có thể đo được mà thực vật phát ra khi trải qua các dạng môi trường căng thẳng khác nhau, chẳng hạn như khi mưa hoặc gió dữ dội.
Họ cũng tin rằng các loài thực vật khác cũng có thể phát ra âm thanh đau khổ khi bị căng thẳng.
Các tác giả đề xuất: “Việc nghiên cứu thêm về cảm ứng sinh học của thực vật nói chung và về sự phát ra âm thanh ở thực vật nói riêng có thể mở ra con đường mới để hiểu biết về thực vật và tương tác của chúng với môi trường, và điều này cũng có thể tác động đáng kể đến nông nghiệp”.
Quan điểm cho rằng: “Việc sử dụng âm thanh mà thực vật bị hạn hán tạo ra trong nông nghiệp chính xác có vẻ là khả thi nếu không quá tốn kém để thiết lập bản ghi âm trong tình huống thực tế,” Anne Visscher, thành viên của khoa thực vật so sánh và nấm sinh học tại vườn bách thảo hoàng gia Anh nói với New Scientist.
Ghi chú: Nông nghiệp chính xác (precision agriculture) – là một khái niệm quản lý canh tác dựa trên việc quan sát, đo lường và phản ứng với sự biến động giữa các loại cây trồng trong và ngoài đồng ruộng. Xem thêm tại đây.
Do Isabel Van Brugen thực hiện
Tú Linh biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: