Nghiên cứu phát hiện: Ngôi làng cổ ở Chile bị sóng thần phá hủy cách đây 3,800 năm
Khoảng 3,800 năm trước, một trận động đất mạnh với cường độ hơn 9 độ Richter đã gây ra một cơn sóng thần khổng lồ, khiến hàng nghìn dặm làng mạc dọc bờ biển ở Chile bị tàn phá.
Năm 1966, một trận động đất mạnh 9.5 độ Richter đã tấn công miền nam Chile. Đó là trận động đất mạnh nhất từng được ghi nhận. Nghiên cứu cho thấy khoảng 3,800 năm trước, một trận động đất có cường độ tương tự đã xảy ra ở gần như cùng một khu vực. Một cơn sóng thần khổng lồ sau đó đã được kích hoạt, phá hủy các ngôi làng dọc theo bờ biển vào thời điểm đó.
Nghiên cứu ước tính sóng thần đã tạo ra những con sóng cao từ 15 đến 20 mét và ảnh hưởng đến 1.000 dặm bờ biển. Bằng chứng cho thấy, trong hơn 1,000 năm sau đó, không có khu vực nào trong số này có con người sinh sống. Phát hiện này có thể giải thích những gì mà các nghiên cứu trước đây đã tìm thấy – đó là hai nền văn hóa khác biệt trong khu vực này, cách nhau hơn 1,000 năm.
Nghiên cứu cho thấy khoảng 5,700 đến 4,000 năm trước, một số cư dân sinh sống dọc theo bờ biển của Chile ngày nay. Họ đã dùng một số lượng lớn vỏ sò để đắp nền trên bãi biển có độ sâu hai mét, diện tích khoảng 6 km vuông và xây dựng những ngôi nhà bằng đá trên đó làm nơi cư trú.
Những ngôi nhà bằng đá này nằm liền kề nhau, ở giữa còn có sân vườn. Những người qua đời sẽ được chôn dưới đất của ngôi nhà. Họ sử dụng tro tảo, nước biển và vỏ sò để làm vật liệu xây dựng như xi măng hiện đại, để lát sàn nhà và dựng các tảng đá lên đó. Dù vậy, những ngôi nhà đã không thể chống chọi được với cơn sóng thần điên cuồng.
Ông Diego Salazar, nhà khảo cổ học tại Đại học Chile, và là một trong những nhà nghiên cứu chính, nói với tờ Ars Technica rằng cuộc điều tra của họ đã tìm thấy bằng chứng rõ ràng về những tàn tích đã bị sóng thần tàn phá: Tường của một số ngôi nhà dạt vào đất liền, như thể chúng bị cuốn trôi khi sóng biển dạt vào bờ, tường đổ nát của một số ngôi nhà nằm rải rác theo hướng biển, đó là hiện trường khi bị nước biển rửa trôi; một lớp đất cát còn sót lại trên mặt đất, được trộn với một số lượng lớn rong biển và gai nhọn của động vật biển thân mềm (echinoderm), cũng như vỏ sò, các bức tường của ngôi nhà bị vỡ.
Theo nghiên cứu, đường bờ biển của Chile nằm trong đới hút chìm – mảng đại dương Nazca trượt dần xuống dưới mảng lục địa Nam Mỹ, gây ra nhiều trận động đất, một số trận có cường độ rất cao.
Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy bằng chứng cho thấy cư dân đã di chuyển vào đất liền hoặc ở độ cao lớn hơn sau trận sóng thần. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hơn 1,000 năm sau thảm họa, các khu vực ven biển ở đó không có người sinh sống trở lại. Ngoài ra, có bằng chứng cho thấy những cư dân sau này đã di chuyển xa hơn khỏi bờ biển.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không tìm thấy bất kỳ tài liệu hoặc bất kỳ loại ghi chép nào về thảm họa. Vì vậy họ rất ngạc nhiên, đối với một bộ tộc không có chữ viết, làm thế nào mà ký ức về thảm họa này đã được lưu truyền quá lâu như vậy.
Nghiên cứu được công bố ngày 06/4/2022 trên tạp chí Science Advances.
Diệp Tử Vi biên tập
Mai Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: