Nghiên cứu: Nguyên nhân của sự nóng lên toàn cầu là do Mặt Trời chứ không phải do khí CO2
Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng Mặt Trời có thể là nguyên nhân chính khiến nhiệt độ Trái Đất tăng lên trong những thập kỷ gần đây, chứ không phải là khí carbon dioxide (CO2) do con người thải ra, hoàn toàn trái ngược với kết luận của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC).
Luận văn của nghiên cứu này đã được bình duyệt bởi hơn 20 nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới, kết luận rằng các nghiên cứu trước đây đã không xem xét đúng vai trò của năng lượng Mặt Trời trong việc giải thích việc Trái Đất ấm lên.
Nghiên cứu mới này đã được công bố trùng với thời điểm IPCC phát hành báo cáo đánh giá khí hậu lần thứ sáu mang tên “AR6”, trong đó một lần nữa tuyên bố rằng lượng khí thải CO2 của con người là thủ phạm chính gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu. Báo cáo nói rằng, trách nhiệm của con người trong việc này là “rõ ràng”.
Nghiên cứu mới ở trên đã nghiêm túc đặt câu hỏi đối với giả thuyết này. Các nhà khoa học khí hậu và vật lý năng lượng nói rằng cáo buộc của IPCC về CO2 là “chưa chín chắn”. Trong luận văn nghiên cứu mới xuất bản này, họ tin rằng kết luận của IPCC về “các hoạt động phát thải CO2 của con người đã gây ra việc khí hậu nóng lên” là dựa trên “dữ liệu một chiều và không đầy đủ về tổng bức xạ năng lượng mặt trời”.
Một số tác giả của luận văn nói với phóng viên của Epoch Times trong một loạt các cuộc phỏng vấn qua điện thoại và video rằng, trên thực tế, các ý kiến, nghiên cứu và dữ liệu ở trong báo cáo của IPCC dường như đều biểu hiện ra những thành kiến một cách có chủ ý và có hệ thống.
Tác giả chính của luận văn nghiên cứu này, Tiến sĩ Ronan Connolly, nói với The Epoch Times trong một video phỏng vấn rằng: “Các dữ liệu và nghiên cứu đã được công bố đều có thể chứng minh rằng Trái Đất nóng lên là do Mặt Trời gây ra, nhưng IPCC lại sử dụng các dữ liệu khác nhau để đưa ra kết luận ngược lại”.
Ông bổ sung thêm: “IPCC kiên quyết muốn đạt được cái gọi là đồng thuận khoa học, vì vậy có vẻ như họ đã quyết định chỉ xem xét các dữ liệu và nghiên cứu ủng hộ cho tuyên bố của họ”.
Từ góc độ chính sách, tác động của IPCC là rất lớn, đặc biệt đây là lĩnh vực liên quan đến hàng nghìn tỷ USD, hơn nữa họ còn đề xuất một cuộc tái cơ cấu lớn đối với nền kinh tế toàn cầu.
Luận văn đã tiến hành nghiên cứu đối với Mặt Trời và CO2
Luận văn mới này đã sử dụng bộ dữ liệu công khai từ chính phủ Hoa Kỳ và các nguồn khác. Các nhà nghiên cứu cho biết, họ có thể dễ dàng giải thích tất cả các hiện tượng ấm lên quan sát được trong những thập kỷ gần đây chỉ bằng cách xem xét những thay đổi đến Trái Đất của nguồn năng lượng Mặt Trời.
Luận văn đồng ý rằng, nếu dùng những dữ liệu do Liên Hiệp Quốc lựa chọn thì có nghĩa là con người sẽ phải chịu phần lớn trách nhiệm cho sự nóng lên của khí hậu. Tuy nhiên, luận văn nghiên cứu này đã đưa ra nhiều biểu đồ, cho thấy rằng kết luận của IPCC sẽ bị đảo ngược nếu lựa chọn những dữ liệu khác nhau mà Liên Hiệp Quốc không sử dụng.
Nghiên cứu này được thực hiện bởi các chuyên gia từ hơn 10 quốc gia và được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế “Nghiên cứu về Thiên văn học và Vật lý thiên văn” (RAA). Nếu được xác nhận, nó sẽ là một sự thách thức mạnh mẽ đối với IPCC và kết luận của tổ chức này rằng lượng khí thải CO2 của con người là nguyên nhân chính, thậm chí là duy nhất cho sự nóng lên toàn cầu.
Mặc dù luận văn này kêu gọi nghiên cứu thêm để giải quyết các dữ liệu mâu thuẫn và sự khác biệt trong các nghiên cứu, nhưng các tác giả đã cho thấy một cách thuyết phục rằng, dựa trên các dữ liệu được sử dụng, có khả năng là phần lớn hoặc toàn bộ sự nóng lên của khí hậu hoàn toàn không liên quan gì đến con người.
Luận văn này sử dụng 16 giá trị ước tính khác nhau của năng lượng Mặt Trời, gọi là “tổng bức xạ năng lượng Mặt Trời”, và so sánh những dữ liệu này với 25 giá trị ước tính về nhiệt độ của Bán cầu Bắc kể từ thế kỷ 19.
Ví dụ, khi so sánh dữ liệu năng lượng Mặt Trời từ vệ tinh giám sát năng lượng Mặt Trời ACRIM của NASA với dữ liệu nhiệt độ đáng tin cậy, hầu như tất cả sự nóng lên của Trái Đất là do Mặt Trời, và gần như không liên quan gì đến các hoạt động của con người.
Các tác giả của luận văn nghiên cứu này cho biết, vì những lý do mờ ám, Liên Hiệp Quốc đã chọn bỏ qua dữ liệu ACRIM của NASA và các dữ liệu khác, đồng thời ủng hộ cho dữ liệu giả định rằng con người phải chịu trách nhiệm về biến đổi khí hậu.
Các báo cáo của IPCC, bao gồm cả báo cáo đánh giá lần thứ sáu được công bố gần đây, đã liên tục quy kết những thay đổi quan sát được đối với các hoạt động của con người, chẳng hạn như cái gọi là phát thải “khí nhà kính”. Rất nhiều nghiên cứu trong các tài liệu khoa học đều đồng ý với quan điểm của IPCC.
Tuy nhiên, bài báo có tựa đề “Mặt Trời có ảnh hưởng như thế nào đến xu hướng nhiệt độ ở Bắc bán cầu? Một cuộc tranh luận đang diễn ra” đã trích dẫn hàng chục nghiên cứu khác nhau, trong đó chỉ ra rằng Mặt Trời – chứ không phải các hoạt động của con người – là động lực chính gây ra biến đổi khí hậu.
Theo tác giả của bài báo, những quan điểm khoa học khác nhau này đã bị IPCC cố ý chèn ép và không được phản ánh trong báo cáo IPCC của LHQ, cũng như không được giải thích đầy đủ.
Một phát ngôn viên của IPCC đã phủ nhận với The Epoch Times về việc làm sai trái của cơ quan Liên Hiệp Quốc, đồng thời nói rằng sau khi xem xét, báo cáo nghiên cứu mới đã được chấp nhận xuất bản.
Luận văn mới được đăng trên RAA cho thấy kể từ khi Bán cầu Bắc bắt đầu thu thập những dữ liệu đáng tin cậy vào cuối thế kỷ 19, nhiệt độ Trái Đất đã tăng lên.
Báo cáo đánh giá tầm ảnh hưởng của Liên Hiệp Quốc còn phải đối mặt với một thách thức nữa, đó là ngay cả dữ liệu nhiệt độ mà IPCC sử dụng cũng bị chỉ trích bởi luận văn mới này và các báo cáo khác.
Luận văn nghiên cứu mới cũng chỉ ra những sai sót rõ ràng trong phương pháp sử dụng dữ liệu thành thị và nông thôn của IPCC để ước tính sự thay đổi nhiệt độ toàn cầu.
Theo các tác giả, do hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị”, việc bổ sung dữ liệu đô thị sẽ dẫn đến sai lệch về độ tăng nhiệt độ một cách nhân tạo, điểm này bắt buộc phải được tính đến.
Về cơ bản, do các hoạt động của con người và quá trình xây dựng, nhiệt độ ở các thành phố có xu hướng cao hơn ở các vùng nông thôn, do đó các trạm nhiệt độ được dựng lên ở xung quanh thành phố sẽ cho thấy sự gia tăng nhiệt độ do con người gây ra bởi quá trình đô thị hóa, chứ không phải là hiện tượng nóng lên toàn cầu.
IPCC phủ nhận những vấn đề này, và cho rằng đô thị hóa chỉ đóng một vai trò rất nhỏ trong việc ước tính sự gia tăng nhiệt độ.
Tại sao lại có những thiên kiến rõ ràng?
Khi được hỏi tại sao những quan điểm này bị bỏ qua hoặc thậm chí bị chèn ép, ông Connolly, tác giả chính của luận văn, tin rằng khuynh hướng “thiên kiến xác nhận” (confirmation bias) đang khởi tác dụng. “Thiên kiến xác nhận” có nghĩa là mọi người chỉ xem xét những thông tin hỗ trợ cho thành kiến của họ. Ông Connolly nói rằng loại thiên kiến này đã ảnh hưởng đến tất cả các nhà khoa học.
Ông cho biết, mặc dù “thiên kiến xác nhận” có thể đã khởi tác dụng trong khi IPCC lựa chọn số liệu và nghiên cứu muốn xem xét, nhưng rất khó để xác định chắc chắn. Ông bày tỏ lo ngại rằng IPCC chỉ xem xét những số liệu và nghiên cứu “ủng hộ cho tuyên bố đã định”.
Ông Connolly bổ sung thêm rằng: “Họ làm điều đó có chủ đích hay chỉ là vì “thiên kiến xác nhận”, đây là điều rất khó nói. Nhưng rõ ràng là những dữ liệu ủng hộ cho quan điểm của IPCC đã được chọn, còn những dữ liệu mâu thuẫn thì đã bị loại trừ”.
Ông Connolly cũng tuyên bố rằng IPCC đã bỏ qua các luận văn quan trọng gần đây mà mâu thuẫn với kết luận của họ, thậm chí phủ nhận sự tồn tại của bất kỳ luận văn mới nào thuộc loại này, mặc dù các nhà khoa học chủ chốt của IPCC đã trích dẫn các luận văn này trong công trình nghiên cứu của bản thân.
Ví dụ: một luận văn liên quan được xuất bản trên tạp chí Earth-Science Reviews vào năm 2015 với tiêu đề: “Đánh giá lại vai trò của sự biến thiên bức xạ Mặt Trời đối với xu hướng nhiệt độ ở Bắc bán cầu kể từ thế kỷ 19”, đã được trích dẫn bởi nhà nghiên cứu Trung Quốc Trạch Bàn Mậu (Phó Chủ tịch Viện Khoa học Khí tượng Trung Quốc), đồng chủ tịch Nhóm công tác I của IPCC. Luận văn đó cũng chỉ ra rằng vấn đề hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị” vẫn chưa được giải quyết một cách hợp lý.
Tuy nhiên, IPCC lại tuyên bố trong báo cáo đánh giá mới nhất là “không có tài liệu nào gần đây” sẽ thay đổi kết luận của họ, rằng vấn đề đô thị hóa chiếm không đến 10% sự gia tăng rõ ràng của nhiệt độ bề mặt Trái Đất.
Khi được hỏi tại sao trong báo cáo mới nhất của IPCC, họ lại không đề cập đến những nghiên cứu được đăng trên tạp chí lớn mà những người lãnh đạo của IPCC đã trích dẫn trong năm 2015 và các luận văn quan trọng khác, sau khi tham khảo ý kiến của ông Trạch Bàn Mậu, một phát ngôn viên của IPCC đã nói với phóng viên của The Epoch Times rằng: “Quyết định liên quan đến việc trích dẫn thuộc về tác giả của các chương, không phải của các đồng chủ tịch”.
Phát ngôn viên của cơ quan Liên Hiệp Quốc nói với phóng viên của The Epoch Times rằng đã yêu cầu ông Trạch Bàn Mậu trả lời, nhưng ông Trạch đã không có bất kỳ phản hồi nào trước khi báo cáo được công bố.
Một ví dụ khác, IPCC đã bóp méo một nghiên cứu về lượng tuyết bao phủ mà ông Connolly tham gia vào năm 2019, ám chỉ rằng nghiên cứu này cho thấy lượng tuyết bao phủ đang giảm trong cả bốn mùa. Trên thực tế, nghiên cứu này chỉ ra rằng lượng tuyết bao phủ đã nhiều hơn vào mùa thu và mùa đông, các mô hình dự đoán khí hậu hiện tại đối với bốn mùa đều đã có sai sót.
Ông Connolly tin rằng, một phần của vấn đề là ở sứ mệnh của IPCC, đó là tìm kiếm sự đồng thuận về mặt khoa học.
“Đây có thể là một ý tưởng tốt lúc đầu, nhưng khi có những bất đồng trong cộng đồng khoa học, việc cố gắng đạt được sự đồng thuận một cách vội vàng đã cản trở sự tiến bộ của khoa học, là việc làm vô ích và dẫn đến sự tin tưởng vô lý vào kết luận”.
Để giải thích cho việc báo cáo của Liên Hiệp Quốc thiếu nhiều quan điểm khoa học đã được công bố, họ đã trích dẫn lời nói của các nhân viên nghiên cứu và luận văn rằng, “những kết quả khoa học có thể can thiệp vào các mục tiêu chính trị là không được hoan nghênh”.
Thiên kiến có hệ thống… hay là sự lừa dối có chủ đích?
Tiến sĩ Willie Soon, một tác giả nghiên cứu khác, cho rằng làm ngơ không thấy hoạt động của Mặt Trời cũng tương đương với việc làm ngơ không thấy một con voi đang ở trong phòng.
Nhà vật lý học thiên văn này của CERES đã phê phán IPCC “làm hoạt hình chứ không phải khoa học”, cáo buộc IPCC – một cơ quan của Liên hợp quốc – đã cố tình lừa dối.
Trong một cuộc phỏng vấn về vấn đề này với phóng viên của The Epoch Times, ông Willie cho biết: “Tôi nghĩ báo cáo mới nhất của IPCC sẽ tiếp tục đánh lừa đại đa số công chúng, ngăn họ biết rằng IPCC đã không xem xét một cách công bằng và khách quan tất cả các tài liệu khoa học liên quan được xuất bản trong 8 năm qua”.
Ông Tống Uy Lợi, người đã nghiên cứu mối quan hệ giữa Mặt Trời và khí hậu Trái đất trong hơn 30 năm tại Trung tâm Vật lý thiên văn Smithsonian thuộc Đại học Harvard, cũng chỉ trích “Bản tóm tắt cho các nhà hoạch định chính sách” (SPM) của IPCC.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, bản dự thảo báo cáo “Tóm tắt cho các nhà hoạch định chính sách” là một lời nói dối trắng trợn khác đối với mọi người rằng CO2 gây ra mọi sự thay đổi nhiệt độ trên Trái Đất. Họ vẫn tiếp tục che đậy sự thật về kết luận của luận văn nghiên cứu toàn diện mới của chúng tôi, trong đó cho thấy kết luận của họ không chỉ chưa chín chắn, mà trên thực tế còn là nhầm lẫn và sai lệch”.
“Đánh giá khoa học của chúng tôi đã chỉ ra rằng những thay đổi về lượng ánh sáng Mặt Trời là một yếu tố đáng tin cậy và quan trọng, có thể giải thích hầu hết những thay đổi quan sát được trong dữ liệu nhiệt kế”, Ông Tống nói thêm, “Tôi chưa hiểu tại sao IPCC vẫn chơi trò trốn tìm ngây thơ này, đồng thời nghĩ rằng tất cả chúng ta đều sẽ bị che mắt bởi mưu mẹo của họ mãi mãi?”
Ông Tống cho biết, ông hy vọng rằng việc xem xét một cách có hệ thống về mối quan hệ giữa Mặt Trời và khí hậu có thể giúp cộng đồng khoa học quay trở lại “cách tiếp cận thực tế hơn”, từ đó lí giải những thay đổi trong hệ thống khí hậu của Trái đất.
“Đã đến lúc ngăn chặn IPCC lạm dụng khoa học”, Ông Tống nói.
Ông Tống cũng bổ sung thêm rằng, do những thay đổi trong hoạt động của Mặt Trời, ông tin rằng trong vài thập kỷ tới, nhiệt độ toàn cầu sẽ có thể giảm xuống.
Biến đổi khí hậu là gì?
Giáo sư László Saka, đồng tác giả của luận văn nghiên cứu mới, là nhà địa vật lý kiêm viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, nói với phóng viên của The Epoch Times rằng luận văn mới là một “cột mốc quan trọng” trong việc khôi phục định nghĩa khoa học về “biến đổi khí hậu”.
Ông Saka tin rằng định nghĩa này đã bị bóp méo trong 30 năm qua, ông cho biết cộng đồng khoa học phải nhớ rằng cơ sở của khoa học không phải dựa trên quyền lực hay sự đồng thuận, mà là dựa trên việc theo đuổi sự thật.
Nhà địa vật lý giải thích: “Định nghĩa về biến đổi khí hậu đã bị méo mó từ năm 1992, nó không phù hợp với khoa học nữa”. Ông chỉ ra rằng Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã loại trừ các nguyên nhân tự nhiên khỏi định nghĩa về biến đổi khí hậu.
Trên thực tế, thuật ngữ biến đổi khí hậu trong quá khứ không chỉ bao gồm những thay đổi do con người gây ra, mà còn bao gồm những thay đổi tự nhiên về nhiệt độ, lượng mưa, bão và các yếu tố khác đã phát sinh trong hàng thập kỷ hoặc lâu hơn nữa.
Trong khi nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu mới này, ông Saka giải thích: “Việc làm mơ hồ định nghĩa truyền thống về biến đổi khí hậu sẽ mở đường cho việc quy kết biến đổi khí hậu với lượng khí thải của con người”.
Ông cho biết, ngay cả những người không phải là nhà khoa học cũng nên nỗ lực để khám phá ra sự thật.
Ông nói: “Nếu mọi người hỏi các chính trị gia, nhà hoạch định chính sách và nhà báo một cách có hệ thống về ý nghĩa của biến đổi khí hậu, thì sẽ có thể phát hiện ra ai đang thừa nước đục thả câu”.
Quan điểm của ngoại giới
Ngay cả một số nhà đánh giá của IPCC cũng nghi ngờ những tuyên bố của giới chủ lưu, và ủng hộ việc mà ông Tống Uy Lợi và những người khác đang làm.
Khi The Epoch Times liên lạc với Tiến sĩ Howard Brady ở Úc – một nhà phê bình được IPCC chấp thuận, ông ca ngợi ông Tống và các tác giả khác đứng sau luận văn nghiên cứu mới này, vì công trình của họ “có lẽ là điều tốt nhất”.
Ông Brady thừa nhận rằng ông thiếu chuyên môn về Mặt Trời, và ông đã chỉ trích IPCC và mô hình của nó.
Ông chỉ ra những mối lo ngại khác rằng, IPCC “vẫn dự đoán sẽ có nhiều cơn bão hơn, ngay cả khi số lượng các cơn bão đang giảm”, “IPCC vẫn tuyên bố rằng mực nước biển đang tăng lên nhanh chóng, nhưng trên thực tế mực nước biển không hề tăng”.
Trong những năm qua, rất nhiều nhà khoa học của IPCC đã không đồng ý với quan điểm của các đồng nghiệp của họ.
Một ví dụ là cố Tiến sĩ Nils Axel Morner, người từng giám định mực nước biển cho IPCC, ông thường cáo buộc các cơ quan của Liên Hiệp Quốc đã mắc sai lầm, những sai lầm có lẽ là do lý do chính trị chứ không phải do lý luận khoa học.
Nhà khí hậu học John Christy – một chuyên gia bên ngoài khác được The Epoch Times liên hệ – người có kiến thức chuyên sâu về nghiên cứu mới và báo cáo mới nhất của IPCC, cũng bày tỏ sự quan ngại nghiêm trọng.
Ông John Christy là một giáo sư xuất sắc về khoa học khí quyển và Trái Đất tại Đại học Alabama ở Huntsville. Ông chỉ ra rằng: “Báo cáo của IPCC cho thấy sự tin tưởng rất cao vào mô hình mô phỏng, nhưng báo cáo của họ cũng chỉ ra rằng mô hình này rất khó có thể đại diện cho các điều kiện khí quyển thực sự”.
Ông cho biết, IPCC tuyên bố rằng các mô hình của họ mô tả chính xác tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến khí hậu, và rằng trong 40 năm qua, ngoài lượng khí thải của con người, không có yếu tố nào khác có thể góp phần làm cho khí hậu nóng lên.
“Điều này cho thấy sự kiêu ngạo và thiếu trí tưởng tượng”, ông Christy nói. Ông Christy cũng đồng thời là giám đốc của Trung tâm Khoa học Hệ thống Trái Đất.
Nhà khí hậu học nổi tiếng thế giới này thừa nhận, ông không có thời gian để đọc luận văn mới này hoặc xem xét kỹ báo cáo mới nhất của IPCC. Tuy nhiên, ông nói với phóng viên của The Epoch Times rằng mô hình của Liên Hiệp Quốc thậm chí không thể tái tạo những thay đổi tự nhiên trong 150 năm qua, chẳng hạn như sự ấm lên tự nhiên vào nửa đầu thế kỷ 20.
Ông nói: “Họ cũng đã đánh giá quá cao mức độ ấm lên trong 40 năm qua, và một lần nữa, nó không khớp với thế giới thực”.
“Nếu họ không có đủ kỹ năng để tái tạo những thay đổi tự nhiên và dự đoán nhiệt độ khí quyển trong 40 năm qua, thì làm sao họ có thể có khả năng cho chúng ta biết ‘rõ ràng’ tại sao lại xảy ra biến đổi khí hậu?”
Tiến sĩ Christy nói thẳng trong kết luận của mình rằng: “Trong tương lai, những mô hình này chắc chắn sẽ mâu thuẫn với chính nó”.
Ông cho biết, kết quả của họ nên là “thuộc về phạm trù giả thiết mang tính dự đoán, chứ không phải là công cụ quyết định chính sách”.
Phản ứng của NASA và IPCC
Ông Gavin Schmidt, cố vấn cấp cao của NASA về các vấn đề khí hậu kiêm giám đốc của Viện Nghiên cứu Không gian Goddard, đã rất thẳng thắn khi nói về luận văn mới ở trên.
Ông nói với phóng viên của The Epoch Times rằng: “Thứ này là hoàn toàn vô nghĩa, bất kỳ người khôn ngoan nào cũng sẽ không lãng phí thời gian cho luận văn này”.
Tuy nhiên, ông đã không trả lời các câu hỏi về các sự kiện cụ thể ở trong luận văn mới được đăng lên RAA này, hoặc những lập luận nào ở trong đó là sai lầm.
Nhưng ngay cả ông Schmidt – người ủng hộ cho giả thuyết Trái Đất nóng lên do con người gây ra – cũng thừa nhận rằng mô hình của IPCC là không chính xác.
Tạp chí Science đã trích dẫn một câu nói của ông Schmidt rằng: “Ngay cả trong ngắn hạn, bạn cũng sẽ nhận được những con số điên rồ, đáng sợ và sai lầm”.
Ngược lại, ông Jonathan Lynn, Giám đốc Truyền thông của IPCC nói với phóng viên của The Epoch Times rằng, cơ quan Liên Hiệp Quốc vẫn rất tự tin vào kết luận của mình.
Khi được hỏi về luận văn mới này và việc các tác giả của nó khẳng định rằng IPCC đã ngộ nhận về khí thải của con người, ông Lynn trả lời rằng: “IPCC không tìm cách đổ lỗi cho bất kỳ ai hay bất cứ điều gì. Chúng tôi chỉ cố gắng quy kết biến đổi khí hậu cho nguyên nhân của nó”.
Ông Lynn đã trích dẫn chương thứ ba trong báo cáo mới của IPCC, lặp lại đánh giá của cơ quan Liên Hiệp Quốc này rằng, cơ quan này đã xem xét hơn 14,000 luận văn cho thấy sự nóng lên của khí hậu là do khí thải của con người.
“Luận văn mới vào năm 2021 này đúng là có khả năng thách thức kết luận cơ bản của IPCC rằng CO2 và khí thải của con người là nguyên nhân đằng sau sự ấm lên trong những thập kỷ gần đây”, ông Lynn nói thêm trong một tuyên bố tiếp theo với phóng viên của The Epoch Times, “Tuy nhiên, nếu luận văn này được đưa vào đánh giá lần sau của IPCC, chưa chắc nó sẽ lật ngược được kết luận dựa trên hàng nghìn nghiên cứu khác”.
Dự kiến, đợt đánh giá tiếp theo của IPCC sẽ được thực hiện vào hơn 5 năm sau.
Ông Jim Kossin, một trong những tác giả viết báo cáo mới của IPCC, vui mừng nói rằng nhờ kết quả điều tra của cơ quan này, mọi người “bắt đầu cảm thấy sợ hãi” về biến đổi khí hậu.
“Tôi nghĩ nó sẽ giúp thay đổi thái độ của mọi người”, ông Jim cho biết, “hy vọng nó sẽ ảnh hưởng đến cách họ bỏ phiếu”.
Bản gốc Study Finds Sun-Not CO2-May Be Behind Global Warming đã được xuất bản trên tờ The Epoch Times.
Sơ lược về tác giả:
Alex Newman là một nhà văn tự do, một nhà báo, nhà giáo dục, nhà văn và nhà tư vấn quốc tế nổi tiếng. Ông là đồng tác giả cuốn “Tội ác của các nhà giáo dục: Cách những người Utopians đang sử dụng các trường học của chính phủ để hủy hoại trẻ em ở Mỹ” (Crimes of the Educators: How Utopians Are Using Government Schools to Destroy America’s Children). Ông cũng là Giám đốc điều hành của Liberty Sentinel Media, và đã viết bài cho nhiều ấn phẩm khác nhau ở Hoa Kỳ và nước ngoài.
Do Nguyên Tuyền, Cao Tĩnh và Xuân Hoàng biên tập/biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên The Epoch Times
Xem thêm: