Nghiên cứu: Ngủ 5 giờ hoặc ít hơn làm tăng nguy cơ bị bệnh kinh niên
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng từ sau 50 tuổi, ngủ năm tiếng hoặc ít hơn mỗi đêm có thể làm tăng nguy cơ bị ít nhất hai bệnh kinh niên khi về già.
Nghiên cứu được công bố vào ngày 18/10 trên tạp chí PLOS Medicine.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học London (UCL) ở Vương quốc Anh đã theo dõi sức khỏe và thời gian ngủ của 7,864 đàn ông và phụ nữ làm việc trong các văn phòng tại London của cơ quan dân sự Anh trên 30 năm và không bị bệnh kinh niên ở tuổi 50.
Thời gian ngủ tự báo cáo được đo sáu lần trong khoảng thời gian từ năm 1985 đến năm 2016, và dữ liệu về thời lượng ngủ được trích xuất ở các độ tuổi 50, 60 và 70. Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu và kiểm tra mối liên quan giữa thời lượng ngủ với tỷ lệ bị đa chứng bệnh sau 25 năm theo dõi.
Các nhà nghiên cứu xác định rằng đa chứng bệnh gồm ít nhất hai trong số mười ba bệnh kinh niên, bao gồm bệnh tiểu đường, ung thư, bệnh tim và bệnh thận.
Nghiên cứu cho thấy những người ngủ năm giờ hoặc ít hơn ở độ tuổi 50 có khả năng được chẩn đoán bị bệnh kinh niên cao hơn 20% và bị ít nhất hai bệnh kinh niên trong 25 năm cao hơn 40% so với những người ngủ bảy giờ một đêm.
Ngoài ra, ngủ trong năm giờ hoặc ít hơn ở độ tuổi 50, 60 và 70 có liên quan đến việc tăng 30% đến 40% nguy cơ bị ít nhất hai bệnh kinh niên so với những người ngủ tới bảy giờ.
Người Mỹ không ngủ đủ giấc
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng thời lượng ngủ năm giờ hoặc ít hơn ở tuổi 50 có liên quan đến việc tăng 25% nguy cơ tử vong trong 25 năm theo dõi. Họ cho rằng nguyên nhân là do tăng nguy cơ bị bệnh kinh niên.
Các tác giả của nghiên cứu đã thừa nhận một số hạn chế, bao gồm một số ít trường hợp trong danh mục giấc ngủ dài, bản chất tự báo cáo của dữ liệu và khả năng xảy ra quan hệ nhân quả ngược (lỗi nhầm nguyên nhân với kết quả và ngược lại) có thể phát sinh từ các điều kiện chưa rõ.
“Trong nghiên cứu này, chúng tôi quan sát thấy thời gian ngủ ngắn có liên quan đến nguy cơ bị bệnh kinh niên và đa chứng bệnh sau đó nhưng không dẫn đến tử vong,” các tác giả lưu ý. “Không có bằng chứng chắc chắn về việc gia tăng nguy cơ bị bệnh kinh niên ở những người có thời gian ngủ dài ở tuổi 50. Phát hiện của chúng tôi cho thấy mối liên quan giữa thời gian ngủ ngắn và đa chứng bệnh.”
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), khoảng một phần ba người Mỹ không ngủ hoặc nghỉ ngơi đủ vào ban đêm hoặc ban ngày, trong khi ước tính có khoảng 50 đến 70 triệu người Mỹ bị rối loạn giấc ngủ kinh niên hoặc liên tục.
Theo CDC, thiếu ngủ có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần, đồng thời làm tăng khả năng tử vong.
Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times