Nghiên cứu mới: Phát hiện 42 loại hóa chất không rõ nguồn gốc trong cơ thể người
Một nghiên cứu mới đã phát hiện có hàng chục chất hoá học không rõ nguồn gốc trong cơ thể người. Ngoài những thành phần hoá học có trong thực phẩm, thì những chất hoá học có trong các vật liệu hoá học như sơn, vật liệu chống thấm, chất chống dính, v.v đều có thể đi vào cơ thể con người ở một mức độ nhất định. Đây thực sự là một điều đáng lo ngại.
Một nghiên cứu mới đã tìm thấy đến 42 hoá chất không rõ nguồn gốc trong cơ thể người, ngoài ra các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra công dụng và cách thức chúng xâm nhập vào cơ thể người. Nghiên cứu trên được công bố ngày 17/3 trên Tạp chí Khoa học & Công nghệ Môi trường (Environmental Science & Technology) của Hiệp hội Hóa học Mỹ (ACS).
Được biết, các nhà khoa học tại Đại học California, San Francisco (UC San Francisco, gọi tắt là UCSF) đã thu thập 60 mẫu xét nghiệm. Trong đó, 30 mẫu lấy từ cơ thể phụ nữ mang thai, 30 mẫu lấy từ dây rốn của đứa trẻ mà họ mới sinh.
Về lý do lấy mẫu xét nghiệm từ phụ nữ mang thai để tiến hành điều tra, các nhà khoa học giải thích: “Mang thai là một giai đoạn quan trọng phản ánh sức khoẻ của thế hệ tiếp theo”. Nếu một số chất hoá học được phát hiện trong cơ thể bà bầu và trong dây rốn, thì cũng có nghĩa là những thành phần này đã được truyền sang thai nhi qua dây rốn.
Nghiên cứu đã xác định được tổng cộng 109 chất hoá học trong các mẫu xét nghiệm. Sau khi đem đi đối chiếu, thì có đến 55 loại chất không nằm trong danh mục các chất hóa học trong các sản phẩm hoá học mà Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) công bố. Trong đó, có 42 loại “chất hoá học bí ẩn” vẫn chưa rõ nguồn gốc và công dụng của chúng.
Tại sao có nhiều hoá chất không rõ nguồn gốc trong cơ thể con người như vậy? Theo các nhà nghiên cứu, điều này có liên quan chặt chẽ đến ngành công nghiệp hóa chất trong xã hội hiện đại. Giáo sư Sản phụ khoa và Khoa học Sinh sản của UCSF, Tracey J. Woodruff, cũng là thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: “ Những chất hoá học này có thể đã sớm ở trong cơ thể rồi, chẳng qua là nhờ công nghệ hiện nay nên chúng ta mới xác định được loại thành phần hoá học của chúng.”
Mặc dù các nhà khoa học nhìn chung có thể đoán được thành phần hoá học của chúng, nhưng nghiên cứu này còn có mục đích khác là để đối chiếu với tên các chất hoá học mà các nhà sản xuất công bố. Đến nay, nhiều nhà sản xuất đã không tuân thủ nghiêm túc quy định về ghi chép thành phần hoá học trong từng sản phẩm công nghiệp của họ.
Ví dụ, nghiên cứu này đã trích dẫn rằng, một nhà sản xuất không còn cập nhật thành phần của chất axid perfluorooctanoic (PFAS) mà họ sử dụng, dẫn đến việc các nhà nghiên cứu không biết họ đang sử dụng loại hợp chất nào trong nguyên liệu mới. Những nguyên liệu mới này được sử dụng rộng rãi trong thảm trải sàn, vật liệu trang trí, v.v.
Bài nghiên cứu còn liệt kê nguồn gốc có thể có của hàng chục chất hóa học chưa từng xuất hiện trong cơ thể con người trước đây:
– Một loại chất là thành phần trong thuốc trừ sâu.
– Hai loại chất axid perfluorooctanoic (PFAS), thường được sử trong chảo chống dính và các loại vải không thấm nước;
– Mười loại chất làm dẻo được dùng trong các bao bì thực phẩm, đĩa dùng một lần, thiết bị điện gia dụng loại nhỏ.
– Hai loại chất được dùng trong các sản phẩm làm đẹp.
– Bốn loại chất nằm trong các sản phẩm hoá dược (HPV Chemicals)
– Hơn 30 loại chất không xác định, không thể tìm thấy thông tin nguồn gốc và công dụng. Chúng có thể có trong các sản phẩm như nước hoa, sơn, vân vân.
Giáo sư Woodruff nói: ““Có rất nhiều thành phần hóa học mà chúng tôi không thể xác định công dụng và nguồn gốc của chúng, điều này rất đáng lo ngại. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ nên tăng cường giám sát ngành công nghiệp hoá chất có đang chấp hành quy định và báo cáo đầy đủ các hợp chất được sử dụng và công dụng của chúng hay không.”
Ông Woodruff với cương vị là một nhà khoa học từng làm việc cho Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ còn chia sẻ: “ Những chất hoá học này được truyền từ mẹ sang con, có nghĩa là chúng sẽ được truyền hết thế hệ này đến thế hệ khác trong cơ thể con người. Đây là vấn đề cần cảnh giác.”
Do Diệp Tử Vi thực hiện
Minh Phương biên dịch
Tham khảo bản gốc trên Epoch Time tiếng Trung
Xem thêm: