Nghiên cứu: Khoảng cách hiệu quả giữa vaccine Moderna và Pfizer ngày càng lớn theo thời gian
Một nghiên cứu mới nhằm làm sáng tỏ mức độ hiệu quả của vaccine COVID-19 trong thực tế cho thấy một khoảng cách ngày càng tăng giữa vaccine của Moderna và của Pfizer trong vòng bốn tháng sau khi chích mũi thứ hai.
Tổng cộng hơn 3,600 người trưởng thành ở Hoa Kỳ không có tình trạng suy giảm miễn dịch đã tham gia vào nghiên cứu này, trong vòng bốn tháng đầu tiên sau khi được chích ngừa đầy đủ thì hiệu quả của vaccine COVID-19 từ hãng Moderna (93%) lại cao hơn so với vaccine Pfizer-BioNTech (88%) và vaccine J&J (71%), theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng trong khi độ hiệu quả của vaccine Moderna giảm nhẹ xuống 92% sau 120 ngày chích ngừa đầy đủ (với thời gian trung bình là 141 ngày), thì của Pfizer lại sụt giảm đáng kể xuống còn 77% (với thời gian trung bình là 143 ngày).
Bởi vì chỉ có một số ít bệnh nhân được mũi chích từ hãng J&J trong hơn 120 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng bệnh, nên hiệu quả vaccine của hãng này không được phân tầng theo thời gian trong nghiên cứu được thực hiện từ ngày 11/03 đến ngày 15/08 năm nay. Ngoài ra, các khoảng tin cậy để đánh giá được hiệu quả của vaccine J&J cũng khá rộng vì số lượng bệnh nhân được chích ngừa từ sản phẩm này cũng tương đối nhỏ, theo lời các nhà nghiên cứu.
CDC lưu ý rằng: “Mặc dù những dữ liệu thực tế này cho thấy một số dao động trong mức độ phòng ngừa của vaccine, nhưng tất cả các loại vaccine COVID-19 được FDA chấp thuận hoặc được ủy quyền đều có thể cung cấp khả năng bảo vệ đáng kể để ngăn ngừa sự nhập viện do COVID-19.”
Nghiên cứu này đã không đánh giá được hiệu quả của vaccine theo biến thể, trong đó có [biến thể] Delta, đồng thời cũng không đánh giá được hiệu quả phòng ngừa COVID-19 để không dẫn đến nhập viện. Phân tích trên cũng không xem xét mức độ hiệu quả ở trẻ em và người trưởng thành bị suy giảm hệ miễn dịch.
COVID-19 là bệnh do virus Trung Cộng gây ra, cũng được gọi là SARS-CoV-2 hoặc virus corona chủng mới.
Nghiên cứu này được công bố hôm 17/09, cùng ngày mà hội đồng cố vấn vaccine của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã bỏ phiếu 16–3 để khuyến nghị mũi chích bổ sung của vaccine COVID-19 của Pfizer cho những người từ 65 tuổi trở lên và những người có nguy cơ phơi nhiễm do nghề nghiệp cao. Đồng thời, hội đồng này đã bỏ phiếu 18–0 để khuyến nghị phản đối mũi chích bổ sung cho những người từ 16 đến 65 tuổi.
Tiến sĩ James Hildreth, một thành viên biểu quyết trong hội đồng chuyên gia của FDA, nói rằng ông “[có] mối quan tâm vô cùng nghiêm túc về bệnh viêm cơ tim ở những người trẻ tuổi.” FDA trước đây đã đưa ra cảnh báo rằng, mặc dù đây là triệu chứng hiếm gặp, ở hai loại vaccine Pfizer và Moderna, nhưng cả hai loại này đều được chế tạo dựa trên công nghệ RNA thông tin (mRNA), có thể gây viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim ở những người trẻ tuổi.
Một cố vấn khác của FDA, Tiến sĩ Melinda Wharton, đã lặp lại những lo ngại của ông Hildreth và nói rằng bà ấy sẽ “không cảm thấy thoải mái” khi giới thiệu việc chích liều bổ sung cho những người trẻ tuổi vì rủi ro về viêm cơ tim. Bà lưu ý trong buổi hội luận rằng những người trẻ tuổi có nguy cơ phát bệnh nặng do COVID-19 hoặc trở thành những ca nhiễm trùng đột phá nghiêm trọng là rất thấp.
Trong khi giới chức y tế Hoa Kỳ, cùng một số quốc gia khác, và các nhà sản xuất vaccine đều lập luận rằng liều bổ sung là cần thiết cho tất cả mọi người, thì rất nhiều nhà khoa học, bao gồm cả một số người làm việc trong FDA và CDC, lại không tán thành. Liều bổ sung được CDC khuyến nghị trước đây là dành cho các cá nhân bị suy giảm hệ miễn dịch.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘Hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘Hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’
Bản tin có sự đóng góp của Jack Phillips
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: