Nghiên cứu dự đoán: Hơn 1 triệu lá phiếu gửi qua thư sẽ bị từ chối
Theo một phân tích dựa trên tỷ lệ loại bỏ lá phiếu khiếm diện năm 2016, lá phiếu của hơn 1 triệu người Mỹ đang cố gắng bỏ phiếu qua thư trong năm nay sẽ bị từ chối hoặc bị loại bỏ.
Theo một phân tích được thực hiện bởi Columbia Journalism Investigations, USA Today và PBS, nếu tỷ lệ loại bỏ giữ ở mức ổn định – một giả thuyết lớn của các tác giả – thì ít nhất 1.03 triệu lá phiếu sẽ bị loại bỏ.
Các tác giả giả định số lượng cử tri đi bỏ phiếu tương tự như năm 2016 và một nửa số cử tri sẽ bỏ phiếu qua đường bưu điện thay vì một phần tư như năm 2016.
Một số lượng kỷ lục người Mỹ dự kiến sẽ bỏ phiếu từ xa trong năm nay, một phần do lo ngại về sự lây truyền virus Vũ Hán và một phần do sự thúc đẩy bỏ phiếu qua đường bưu điện ở một số bang.
Trong năm 2016, thì hơn 300,000 trong số 41 triệu phiếu bầu qua thư đã bị loại, điều này dẫn đến tỷ lệ từ chối là khoảng 0.7%. Nếu có khoảng 80 triệu phiếu bầu qua đường bưu điện trong năm nay, tức là gần bằng số lượng phiếu bầu đã được yêu cầu hoặc đang chuyển đến, tỷ lệ từ chối có thể là hơn 1.2%.
Các tác giả giả định rằng tỷ lệ phiếu bầu qua thư của từng quận sẽ bị từ chối trong năm nay giống như năm 2016.
“Giả định này có thể còn phải bàn thêm”, họ nói, bởi vì những người già và những người giàu hơn thường bỏ phiếu qua thư và thường có tỷ lệ từ chối thấp hơn những người nghèo và trẻ hơn – vốn là những đối tượng được dự đoán sẽ bỏ phiếu qua thư với số lượng đặc biệt lớn trong năm nay.
Hơn nữa, nhiều bang không có nhiều phiếu bầu qua thư như vậy trong các cuộc bầu cử trước gặp khó khăn trong việc xử lý khối lượng dồn dập năm nay. Một số bang, chẳng hạn như Nevada và California, đã gửi phiếu bầu cho mọi người trong danh sách cử tri của họ cho dù cử tri có yêu cầu hay không. Một số chuyên gia đã cảnh báo rằng điều đó có thể dẫn đến nhiều sai lầm và nhiều rủi ro hơn, bao gồm các vấn đề về giao phiếu đến đúng người, cử tri điền sai giấy tờ và gửi trả lại lá phiếu cho cơ quan bầu cử.
Theo ông Logan Churchwell, phát ngôn viên của Tổ chức Pháp lý Lợi ích Công cộng (PILF), một cơ quan giám sát bầu cử thiên hữu, đợt bầu cử sơ bộ năm 2020 đã mang lại số phiếu bị từ chối nhiều gần như bằng các đợt tổng tuyển cử năm 2012 và 2016 cộng lại.
Ông Churchwell không đổ lỗi cho các tác giả về việc sử dụng dữ liệu năm 2016, nhưng nói rằng thay vào đó họ nên sử dụng tỷ lệ từ chối đầu tiên năm 2020 làm đường cơ sở.
Ông nói với The Epoch Times qua email: “Bỏ phiếu qua thư không nên được coi là một sự thay thế tốt cho các điểm bỏ phiếu. Tại một điểm bỏ phiếu, những nhân viên được đào tạo để trợ giúp sẽ xử lý các trục trặc và những sai sót [khi phát sinh]. Một lần nữa, giải pháp này đang chứng tỏ nó còn tồi tệ hơn cả bản thân vấn đề. Hàng triệu người Mỹ (hoặc các quan chức dân cử) đã bị lái theo cách nghĩ rằng bỏ phiếu qua thư hàng loạt là đáp án an toàn và hiệu quả khi đối mặt với đại dịch.”
Các lý do từ chối phiếu bầu phổ biến nhất là chữ ký của cử tri không khớp với chữ ký mà nhà chức trách có trong hồ sơ, thiếu chữ ký và các lá phiếu được gửi trả lại cho nhà chức trách muộn. Hơn một nửa số tiểu bang yêu cầu các phiếu bầu đến trước Ngày Bầu Cử, trong khi những tiểu bang khác cho phép đến muộn hơn miễn là lá phiếu được đóng dấu bưu điện trong hoặc trước Ngày Bầu Cử. Ví dụ: Texas cho phép thêm 1 ngày, Pennsylvania cho phép 3 ngày, New York cho phép 10 ngày và California 17 ngày.
Tính đến ngày 13/10, theo Dự án Bầu cử Hoa Kỳ, hơn 10 triệu người đã bỏ phiếu, bỏ phiếu sớm trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.