Nghiên cứu dấy lên cuộc tranh luận về lý thuyết mất cân bằng hóa học của bệnh trầm cảm
Các nhà nghiên cứu xem xét về các bằng chứng và bác bỏ lý thuyết đã có từ lâu đời
Dựa trên một đánh giá hệ thống về 17 nghiên cứu y tế, một bài báo được công bố gần đây đã đặt ra những câu hỏi và làm dấy lên cuộc tranh luận về lý thuyết mất cân bằng hóa học của bệnh trầm cảm.
Mặc dù nghiên cứu này không thực hiện nghiên cứu bổ sung, nhưng sau khi tổng hợp và đánh giá bằng chứng trong lĩnh vực liên quan chủ yếu, các tác giả kết luận rằng chưa thể xác thực lý thuyết lâu đời về mất cân bằng hóa học.
Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh monoamine, có tác dụng điều chỉnh tâm trạng, giấc ngủ, sự thèm ăn và ham muốn tình dục. Lý thuyết về sự mất cân bằng hóa học cho rằng trầm cảm là do sự suy giảm mức serotonin trong bộ não.
Một bài báo được công bố vào ngày 20/07 trên tạp chí Molecular Psychiatry bởi nhóm những nhà nghiên cứu đa quốc gia có tựa đề “Thuyết serotonin về bệnh trầm cảm: Nghiên cứu đánh giá hệ thống các bằng chứng.” Bài báo đặt câu hỏi về lý thuyết “mất cân bằng hóa học” bắt đầu từ những năm 1960, dựa trên tiền đề rằng sự suy giảm hoạt động của serotonin gây ra căn bệnh trầm cảm. Giả thuyết này xuất phát từ thực tế là hai loại thuốc chống trầm cảm đặc biệt đầu tiên, được phát hiện vào những năm 1950, đều được chứng minh là làm tăng mức serotonin trong bộ não. Do đó, các thí nghiệm ban đầu đã đặt ra giả định về mối quan hệ nhân quả giữa serotonin và bệnh trầm cảm.
Sau đó, nhiều loại thuốc chống trầm cảm thường được gọi là “viên thuốc vui vẻ” đã được phát triển, quảng bá và củng cố cho lý thuyết này.
Mặc dù nhiều chuyên gia và công chúng vẫn chấp nhận lý thuyết serotonin về bệnh trầm cảm, nhưng các tác giả của bài báo cho biết họ không tìm thấy bằng chứng thuyết phục nào cho thấy bệnh trầm cảm có liên quan, hoặc do giảm hoạt động hoặc nồng độ của serotonin trong não. Nghiên cứu cũng đặt ra câu hỏi liệu việc nâng cao mức serotonin bằng thuốc chống trầm cảm có phải là một phương pháp điều trị đáng tin cậy cho bệnh trầm cảm hay không.
Mặc dù các chuyên gia lâm sàng đã xác nhận rằng thuốc chống trầm cảm giúp điều trị chứng trầm cảm nặng, nhưng cơ chế của loại thuốc này vẫn chưa hoàn toàn được hiểu rõ.
Các phản hồi về nghiên cứu
Các chuyên gia có phản ứng nhanh chóng và sôi nổi về nghiên cứu trên. Vào ngày xuất bản bài báo, Trung tâm Truyền thông Khoa học của Anh Quốc đã công bố một loạt các phản hồi từ nhiều chuyên gia khác nhau.
Trong số đó có ông Michael Bloomfield, Tiến sĩ, bác sĩ tâm thần và nhà nghiên cứu của Trường Đại học University College, London. Trong khi ông Bloomfield tuyên bố rằng “giả thuyết cho rằng trầm cảm là do mất cân bằng hóa học của serotonin là một bước tiến thực sự quan trọng vào giữa thế kỷ 20,” ông coi bài đánh giá là “không có gì đáng ngạc nhiên cả.” Ông giải thích, “Tôi không nghĩ rằng tôi đã gặp bất kỳ nhà khoa học hoặc bác sĩ tâm thần nghiêm túc nào cho rằng tất cả nguyên nhân gây ra trầm cảm đơn giản là do sự mất cân bằng hóa học của serotonin.”
Ông Phil Cowen, giáo sư tâm thần học tại Đại học Oxford, đã nghiên cứu tác động của serotonin trên bệnh nhân trầm cảm trong 30 năm. Ông tin rằng “không có chuyên gia sức khỏe tâm thần” nào thời nay sẽ ủng hộ quan điểm rằng một chứng rối loạn phức tạp như trầm cảm lại chỉ bắt nguồn từ “sự thiếu hụt một chất dẫn truyền thần kinh.”
Giáo sư Gitte Moos Knudsen, trưởng khoa Thần kinh và Đơn vị Nghiên cứu Sinh học Thần kinh tại Bệnh viện Đại học Copenhagen của Đan Mạch, cho biết nghiên cứu này dựa trên một quan niệm sai lầm, đó là “trầm cảm là một căn bệnh đơn lẻ với sự thiếu hụt sinh hóa đơn nhất.” Bà Knudsen lưu ý, “thời nay, phần lớn mọi người chấp nhận rằng trầm cảm là một chứng rối loạn không đồng nhất với vô số nguyên nhân tiềm ẩn.”
Xem xét lại cơ chế hoạt động của thuốc chống trầm cảm
Mặc dù bài báo ngày 20/07 không tập trung vào ưu nhược điểm của việc dùng thuốc chống trầm cảm, nhưng cơ chế hoạt động của thuốc điều trị trầm cảm đã trở thành tâm điểm của cuộc thảo luận. Điều này là do hầu hết các thuốc chống trầm cảm thời nay đều có nguồn gốc từ lý thuyết về sự mất cân bằng hóa học đáng ngờ.
Trả lời cho nghiên cứu trên, anh Frederick Sundram, phó trưởng khoa y học tâm lý tại Đại học Auckland, New Zealand, viết rằng cơ chế hoạt động của thuốc chống trầm cảm vẫn chưa được hiểu biết một cách đầy đủ. Anh tin rằng có thể tồn tại những cơ chế khác đang hoạt động, chẳng hạn như tính mềm dẻo thần kinh. Ngoài ra, 30 đến 40% hiệu quả của thuốc chống trầm cảm là do hiệu ứng giả dược.
Anh Sundram tuyên bố lý thuyết về sự mất cân bằng hóa học trong não là một cách tiếp cận đơn giản không được hầu hết các bác sĩ tâm thần thừa nhận đối với một căn bệnh rất phức tạp của con người. Anh nói, ví dụ, nếu ai đó có tiền sử chấn thương và thường xuyên sống trong áp lực do sự cô lập xã hội, thất nghiệp, các vấn đề kinh tế và từ đó dẫn đến trầm cảm, thì thuốc chống trầm cảm khó có thể giải quyết vấn đề.
Vào tháng 03, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố một báo cáo phản ánh quan điểm của anh Sundram. Báo cáo lưu ý rằng tỷ lệ lo âu và trầm cảm trên toàn cầu đã tăng 25% vào năm 2020 trong đại dịch COVID-19. WHO cho biết tình trạng lo lắng và trầm cảm ngày càng trầm trọng hơn do cảm giác bị cô lập khi cách ly, các mối lo tài chính và nỗi sợ hãi về bệnh tật hoặc tử vong xảy đến với bản thân và những người thân yêu. Tất cả đều là những vấn đề mà việc dùng thuốc chống trầm cảm đơn thuần có thể là không đủ.
Trường Đại học Tâm thần Hoàng gia, một cơ quan quản lý sức khỏe tâm thần của Anh Quốc, đã trả lời nghiên cứu bằng cách trích dẫn bài báo thể hiện quan điểm của mình về thuốc chống trầm cảm (pdf). Trong đó nói rằng mặc dù ý tưởng dùng thuốc chống trầm cảm “để điều chỉnh sự mất cân bằng hóa học trong não” là quá đơn giản, những loại thuốc này vẫn có những tác dụng đến tâm sinh lý ban đầu.
Trường Đại học Hoàng gia gợi ý rằng “thuốc chống trầm cảm điều trị các triệu chứng của bệnh trầm cảm nhưng không giải quyết trực tiếp bất kỳ nguyên nhân tâm lý xã hội cơ bản nào, vì vậy thuốc thường được kết hợp với liệu pháp tâm lý để cải thiện khả năng ứng phó của người bệnh với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.”
Quan điểm y học tích hợp
Tiến sĩ Jing-Duan Yang là một bác sĩ tâm thần và người sáng lập của Viện Y học Tích hợp Yang. Trong một bài thuyết trình bằng video vào ngày 20/08, ông Yang đã giải thích lý do tại sao lý thuyết về sự mất cân bằng hóa học có thể trở nên phổ biến như vậy. Ông cho biết, khi một lý thuyết khoa học gắn liền với một sản phẩm, thì người quảng bá sản phẩm và các nhà nghiên cứu tiếp theo sẽ có xu hướng phóng đại hoặc ngụy tạo bằng chứng khoa học ban đầu.
Qua 20 năm kinh nghiệm lâm sàng, Tiến sĩ Jing-Duan Yang tin rằng thuốc chống trầm cảm có thể có tác dụng với một số bệnh nhân. Tuy nhiên, “vẫn còn phải xem liệu [thuốc có hoạt động] theo cách như giả thuyết ban đầu hay không.”
Tiến sĩ Yang tin rằng thuốc chống trầm cảm giúp giảm viêm trong não, và một số nghiên cứu cho thấy trầm cảm có liên quan đến phản ứng viêm. Do vậy những loại thuốc này có thể cải thiện chức năng của serotonin nhưng theo những cơ chế khác.
Cần thận trọng với tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm
Ông Yang cho biết, mặc dù thuốc chống trầm cảm đã được chứng minh trên lâm sàng và có hiệu quả với rất nhiều người, nhưng hầu hết đều có nhiều tác dụng phụ khác nhau, vì vậy bệnh nhân cần phải thận trọng khi dùng thuốc.
Ông Yang nêu ví dụ về một bệnh nhân mà ông điều trị trong gần hai mươi năm. Bệnh nhân đã dùng loại thuốc phổ biến Cymbalta trong khoảng mười năm để cải thiện chức năng của serotonin và norepinephrine giúp chống lại chứng lo âu và trầm cảm. Bệnh nhân cho biết các tác dụng phụ bao gồm tăng cân và cao huyết áp.
Sau khi chuyển sang Lexapro, một loại thuốc chỉ đơn giản là cải thiện chức năng serotonin, chứng lo âu và trầm cảm đã cải thiện một lần nữa. Nhưng không lâu sau, cô bắt đầu tăng cân trở lại. Cô bắt đầu gặp phải các tác dụng phụ đáng lo ngại khác như giảm ham muốn tình dục, mờ mắt và cảm giác kiến bò khắp cơ thể.
Ông Yang cho biết mối lo ngại nghiêm trọng nhất về loại thuốc này và những loại thuốc chống trầm cảm thông thường khác là cảnh báo hộp đen, rằng thiếu niên và thanh niên dễ có ý định và xu hướng tự sát hơn trong vài tuần đầu sau khi dùng thuốc. Ngoài ra, với một số người, thuốc chống trầm cảm làm nặng thêm các triệu chứng.
Điều trị trầm cảm trong Trung Y
Tiến sĩ Dong Shidao, một bác sĩ Trung Y sống ở New Zealand, nói với The Epoch Times rằng Trung Y tin rằng trầm cảm có liên quan chặt chẽ đến lá gan và đáp ứng của gan với cảm xúc con người.
Trung Y cho rằng gan giữ một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát dòng chảy của khí — hay “nguồn năng lượng thiết yếu” — đi khắp cơ thể. Khi gan không chịu ảnh hưởng của rối loạn cảm xúc, khí sẽ lưu thông thuận lợi, giúp ngăn ngừa bệnh trầm cảm. Trầm cảm xảy ra khi những cảm xúc tiêu cực làm gián đoạn chức năng gan và gây trì trệ hoặc tắc nghẽn lưu thông khí.
Ông Dong tin rằng nhiều người dễ bị ứ khí tại gan khi không thể kiểm soát lo lắng và căng thẳng. Thay vì học cách chăm sóc bản thân bằng việc phát triển các hệ thống trợ giúp và mối quan hệ thân thiết, con người thời nay dành quá nhiều thời gian cho điện thoại di động và máy tính, ông nói. Họ không biết xoa dịu nỗi lo một cách lành mạnh, để tránh trầm cảm liên quan đến gan.
Ông Dong tin rằng “sự căng thẳng của xã hội hiện đại chỉ làm căn bệnh trầm cảm càng thêm trầm trọng.” Để chứng minh quan điểm của mình, ông đã trích dẫn một câu nói nổi tiếng của Trung Hoa: “Chính khí tồn nội, tà bất khả can.” Ông dự đoán rằng khi xã hội ngày càng phát triển, những người dễ bị thương tổn sẽ càng dễ bị trầm cảm hơn.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times