Nghiên cứu cho thấy cây cối cũng sẽ ‘thức dậy’ vào buổi sáng
Bình minh là một giai đoạn hết sức quan trọng đối với thực vật. Ánh sáng và nhiệt độ khi ấy sẽ như chiếc đồng hồ đánh thức nhịp sinh học của thực vật. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra rằng, thực vật giống như con người, vẫn sẽ “thức dậy” vào buổi sáng ngay cả khi không có sự kích thích của ánh sáng.
Các nhà khoa học biết rằng, có một nhóm gen hoạt động vào mỗi sáng bình minh kích thích sự hưng phấn của thực vật. Các nhà nghiên cứu gọi tập hợp các gen này là “bình minh bùng cháy”. Nhiều gen trong số chúng là các protein kích thích hoạt động phiên mã, kích thích các “giác quan” nhạy cảm với ánh sáng và giúp thực vật tiết ra hormone tăng trưởng. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa nắm rõ cơ chế hoạt động của nhóm gen này và cách thực vật kiểm soát chúng.
Để hiểu rõ hơn về quá trình này, các nhà nghiên cứu của Đại học Cambridge và Đại học York đã hợp tác cùng nhau và lấy mẫu gen ở cải xoong để phân tích. Loài cải xoong này có tên tiếng Anh là Arabidopsis, thường được các nhà khoa học sử dụng để nghiên cứu gen thực vật. Các nhà nghiên cứu tiến hành lấy mẫu gen vào bình minh. Cứ hai phút, họ lại lấy một mẫu gen khác nhau để phân tích và so sánh hoạt động của gen vào sáng sớm.
Tác giả đầu tiên của nghiên cứu, Ông Martin Balcerowicz, cho biết: “Chúng tôi muốn khảo sát kỹ lưỡng các hoạt động của ‘bình minh bùng cháy’, chúng tôi tập trung vào đặc điểm của những gen thực hiện hoạt động phiên mã. Chúng tôi nhận thấy rằng, trong vòng hai giờ kể từ khi bắt đầu bình minh, xuất hiện 3 đợt gen khác nhau rất rõ ràng. Đợt đầu tiên xuất hiện 16 phút sau bình minh và chỉ kéo dài 8 phút. “
Ông Balcerowicz cho biết: “Hầu hết các gen này đều nhạy cảm với ánh sáng và nhiệt độ, nhưng chúng tôi muốn tìm hiểu cách các gen này hợp tác hoạt động như thế nào. Chúng tôi đã can thiệp vào một số cơ quan thụ cảm ánh sáng và lục lạp của cây. Kết quả là, chúng tôi phát hiện việc can thiệp này thực sự đã ảnh hưởng đến đặc tính của một số gen, nhưng đa số gen đều không bị ảnh hưởng. Do đó, chúng tôi tin rằng, có các yếu tố khác đang kiểm soát hoạt động “thức dậy” vào buổi sáng của thực vật.”
Nói cách khác, nghiên cứu này phát hiện ra thực vật cũng có cơ chế dậy sớm mỗi ngày và bắt đầu một ngày mới tương tự như cơ thể con người. Mọi người chúng ta sẽ thức dậy vào buổi sáng và buồn ngủ vào ban đêm ngay cả khi không nhìn thấy ánh sáng. Tất nhiên, ánh sáng cũng có ảnh hưởng nhất định đến đồng hồ sinh học của cơ thể. Thực vật cũng có một cơ chế đa kênh như vậy, chúng cũng có một cơ chế hoạt động giúp thực vật có thể “thức dậy” vào lúc bình minh. Cơ chế này được tạo thành bởi yếu tố “thói quen” và sự kích thích của ánh sáng.
Nhà nghiên cứu Daphne Ezer cho biết: “Việc nắm bắt các đặc điểm của nhóm gen kích thích sự hưng phấn của thực vật giúp chúng tôi hiểu được phản ứng của thực vật khi tiếp xúc với ánh sáng, đặc biệt là một số loại thực vật cần được nuôi dưỡng dưới ánh sáng nhân tạo. Ngoài ra, còn giúp chúng tôi hiểu được nhóm gen hoạt động vào lúc bình minh này đã tác động như thế nào đến sự phát triển của cây cối.”
Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí Molecular Plant vào ngày 23/3.
Do Chu Hàm Nho, Lý Thiểu Duy thực hiện
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: