Nghiên cứu: 75% trong số 800 tỷ USD thuộc Chương trình Bảo vệ Tiền lương được gửi đến người nhận ngoài ý muốn
Một báo cáo mới của Fed cho thấy, một chương trình kích thích chi tiêu thời kỳ đại dịch trị giá hàng tỷ USD chủ yếu giúp các doanh nghiệp nhỏ duy trì việc trả lương cho nhân viên hiện có và thuê lại những nhân viên bị sa thải đã nhắm đến sai mục tiêu, với chỉ khoảng ¼ số tiền đã hỗ trợ cho những việc làm mà nếu không nhận tiền hỗ trợ thì sẽ biến mất.
Các đợt phong tỏa và sự sụt giảm chi tiêu của người tiêu dùng trong làn sóng đại dịch đầu tiên đã làm dấy lên những lo ngại cho rằng lĩnh vực buôn bán nhỏ lẻ của Mỹ có nguy cơ sụp đổ.
Điều này đã thúc đẩy các nhà lập pháp tại Quốc hội thông qua một loạt các biện pháp cứu trợ, bao gồm Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP), hướng khoảng 800 tỷ USD dưới dạng các khoản vay không cần hoàn trả cho các doanh nghiệp nhỏ và các tổ chức khác bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng đại dịch.
Ít nhất 75% quỹ PPP được dự định để duy trì trả lương cho nhân viên hiện có hoặc thuê lại nhân viên đã bị sa thải và phần còn lại có thể được dành cho các chi phí hoạt động cố định như tiền thuê nhà và các tiện ích.
Nhưng số tiền này có được chi tiêu hiệu quả không? Đó là câu hỏi mà các nhà nghiên cứu tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis (St. Louis Fed) đã tìm cách trả lời trong nghiên cứu hôm 06/07 của họ, đã cho một kết luận không mấy khả quan.
Số tiền này có được chi tiêu hiệu quả không?
Với các tác giả là ông William Emmons, nhà kinh tế hàng đầu tại Bộ phận Giám sát của St. Louis Fed, và ông Drew Dahl, một nhà kinh tế tại St. Louis Fed, nghiên cứu trên cho rằng chương trình PPP là một “chính sách cần kíp nhưng không hoàn hảo.”
Mặc dù PPP đã cứu được khoảng 3 triệu việc làm vào thời kỳ đỉnh điểm của chương trình hồi quý 2 năm 2020, nhưng kế hoạch này đã nhắm đến sai mục tiêu và khá lũy thoái (regressive), với một phần lớn trong số các phúc lợi này được tích lũy cho những người nhận ngoài ý muốn.
“Nó được nhắm mục tiêu không chính xác, vì gần ¾ lợi ích của chương trình này đã đến tay những người nhận ngoài ý muốn, bao gồm các chủ doanh nghiệp, các chủ nợ và các nhà cung cấp, thay vì cho người lao động,” hai nhà kinh tế viết.
Họ nói thêm: “Do những khác biệt về thu nhập điển hình của các khu vực cử tri khác nhau, nên chương trình này cũng khá lũy thoái so với các chương trình cứu trợ COVID-19 lớn khác, vì nó mang lại lợi ích nhiều hơn cho các gia đình có thu nhập cao.”
Nghiên cứu cho thấy việc duy trì việc làm rất tốn kém, ước tính rằng PPP khiến người nộp thuế phải trả khoảng 4 USD cho mỗi 1 USD tiền lương và phúc lợi dành cho người lao động trong những việc làm được cứu.
Đồng thời, 3 USD trong số 4 USD được phân bổ qua chương trình này đã được chuyển đến các chủ doanh nghiệp nhỏ, những người đã chia sẻ số tiền này với các nhà cung cấp, các ngân hàng, và những người cho vay khác.
Nghiên cứu cho thấy, liên quan đến tính lũy tiến (progressive), là ý tưởng về việc dành lợi ích nhiều hơn cho các gia đình có thu nhập thấp hơn, thì chương trình PPP lại “không ưu việt” khi so sánh với các chương trình kích thích chi tiêu thời đại dịch lớn khác.
Để xác định mức độ lũy tiến, các nhà kinh tế của Fed đã trích dẫn một phân tích của Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ (AEA) ước tính rằng 72% quỹ PPP đã dành cho 20% gia đình có thu nhập cao nhất.
Khi so sánh với hai chương trình kích cầu lớn khác, một chương trình phân bổ các khoản chi trả bảo hiểm thất nghiệp trị giá khoảng 680 tỷ USD và một chương trình khác cung cấp các chi phiếu kích cầu trị giá 800 tỷ USD — có tên gọi chính thức là các khoản chi trả tác động kinh tế — ít lũy thoái hơn nhiều. Từ 20% đến 25% các khoản chi trả bảo hiểm thất nghiệp đến với 20% gia đình có thu nhập cao nhất, trong khi đối với các khoản chi trả tác động kinh tế, con số này là từ 10% đến 15%.
‘Sử dụng vòi chữa cháy thay vì bình chữa cháy’
Nghiên cứu của AEA đã đưa ra kết luận tương tự như St. Louis Fed, phát hiện rằng tác động kinh tế của PPP đã “ít hơn kỳ vọng”.
Họ viết: “Chương trình này chỉ bảo tồn một số lượng việc làm vừa phải với chi phí cao mỗi năm và chuyển nguồn lực một cách áp đảo cho các gia đình thuộc nhóm ngũ phân vị giàu nhất.”
Tuy nhiên, nghiên cứu của AEA nói rằng những kết quả này không nhất thiết nên được xem là những thất bại của chương trình này. Nhu cầu cấp thiết phải nhanh chóng phân bổ ngân sách trong bối cảnh thiếu cơ sở hạ tầng hành chính để phân phối tiền tới mục tiêu nhắm đến có nghĩa là chắc chắn sẽ có sự lãng phí.
Họ nói trong báo cáo của mình (pdf), “Với những hạn chế về thời gian, và sâu xa hơn là việc thiếu cơ sở hạ tầng hành chính hiện có để giám sát sự hỗ trợ có mục tiêu của liên bang cho toàn bộ các doanh nghiệp nhỏ lẻ của Hoa Kỳ khi đại dịch bùng phát, chúng tôi thực sự cho rằng Quốc hội không thể nhắm mục tiêu tốt hơn cho Chương trình Bảo vệ Tiền lương mà không có sự chậm trễ đáng kể trong việc phân phối ngân sách.”
AEA khuyến nghị tăng cường năng lực quản trị để các hệ thống hỗ trợ kinh doanh nhắm tốt hơn tới mục tiêu và làm cho các hệ thống này hiệu quả hơn trong các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Cụ thể, AEA kêu gọi đầu tư vào các hệ thống hành chính để giám sát giờ làm của nhân viên và tính tiền lương.
“Thiếu những hệ thống như vậy, Hoa Kỳ đã chọn cách thực hiện viện trợ khẩn cấp bằng vòi chữa cháy thay vì bình chữa cháy, với hậu quả có thể đoán trước là hầu như toàn bộ lĩnh vực buôn bán nhỏ lẻ đã ngập trong tiền.”