Nghiên cứu: 21% thủy thủ Trung Cộng đóng quân ở Biển Đông gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần
Một nghiên cứu gần đây của Đại học Quân Y thứ hai ở Thượng Hải cho thấy có khoảng 1/5 thủy thủ thuộc lực lượng tàu ngầm đóng quân ở Biển Đông gặp các vấn đề về sức khỏe tâm lý.
Theo phân tích của các chuyên gia quân sự Đài Loan, thủy thủ tàu ngầm cần có sức khỏe tâm lý vững vàng. Tuy nhiên, các vấn đề được báo cáo có thể liên quan đến tần suất các cuộc tập trận quân sự của Trung Cộng. Thêm vào đó, có thể tồn tại các vấn đề trong việc cung cấp tư vấn tâm lý cho các quân nhân.
Nghiên cứu nói trên, được công bố trên tạp chí quốc tế Military Medicine hôm 07/01, cho thấy trong số 580 nam giới tham gia nghiên cứu, có 21% số người được hỏi mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở một mức độ nào đó, thường là hội chứng lo âu và hoang tưởng.
Sự cô lập một cách khắc nghiệt mà các thủy thủ tàu ngầm phải đối mặt có thể là một phần của vấn đề. “Môi trường sinh hoạt trên tàu ngầm thường kéo theo sự cô lập kéo dài, có thể lên tới 60 đến 90 ngày di chuyển dưới mặt nước,” điều này càng trở nên trầm trọng hơn khi Trung Cộng “gia tăng số lượng các cuộc tuần tra và tập trận trên biển để tăng cường bảo vệ Biển Đông.”
Bắc Kinh có các yêu sách về lãnh hải đối với hầu hết các tuyến đường hàng hải trên Biển Đông, vốn đã bị tòa án quốc tế phán quyết là bất hợp pháp vào năm 2016. Các quốc gia trong khu vực cũng có các tranh chấp về chủ quyền đối với các tuyến đường hàng hải này. Là nơi có ngư trường phong phú và nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị tiềm năng, Biển Đông cũng là một trong những tuyến hàng hải chính trên thế giới.
Trong những năm gần đây, Trung Cộng đã tìm cách củng cố các yêu sách chủ quyền của mình đối với tuyến đường hàng hải chiến lược này bằng cách xây dựng các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo và tiến hành các cuộc tập trận. Ngoài ra, Trung Cộng còn khai triển các tàu tuần duyên và tàu đánh cá để uy hiếp tàu các nước khác, ngăn chặn việc tiếp cận các tuyến đường biển, và chiếm giữ các bãi cạn và đá ngầm.
Sức khỏe tâm lý của các thủy thủ tàu ngầm Trung Quốc ra sao?
Các chuyên gia nghiên cứu cho biết, “Nghiên cứu này là khảo sát tâm lý đầu tiên đối với các thủy thủ và sỹ quan của lực lượng tàu ngầm ở Biển Đông.”
Nghiên cứu này cũng giải thích rằng, “Các nghiên cứu trước đã chứng minh rằng các cuộc diễn tập quân sự có thể tạo ra các căng thẳng tâm sinh lý. Thêm vào đó, họ bị giới hạn trong không gian sinh hoạt chật hẹp và hít thở không khí và ánh sáng nhân tạo.”
Nhật báo quân đội Trung Cộng (PLA Daily) cũng đề cập đến căng thẳng tâm lý của các thủy thủ tàu ngầm trong một bài báo đăng ngày 01/09/2020: “Một lãnh đạo biệt đội đã cho biết trong một cuộc khảo sát tâm lý trước đó, nhiều thủy thủ lặn đã viết trong báo cáo cá nhân rằng họ có những bất ổn tâm lý sau khi thực hiện nhiệm vụ.”
Thủy thủ tàu ngầm Trung Cộng có được tư vấn tâm lý không?
Hồi tháng 09/2020, Vân Nam, Giang Tây và một số tỉnh khác ở đại lục đã báo cáo về các vụ việc nam thanh niên Trung Quốc bị trừng phạt vì trốn nghĩa vụ quân sự, theo một báo cáo của tờ Epoch Times phiên bản Hoa ngữ. Những vụ việc như vậy đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Trong cùng tháng đó, có một video lan truyền trên mạng Internet, cho thấy binh sỹ vừa hát và khóc trên chiếc xe buýt đang trên đường đến biên giới Trung-Ấn.
Và cũng trong năm 2020, tờ PLA Daily đã làm một điều hiếm có: nó đã đăng các bài báo về việc tư vấn tâm lý cho hải quân ba lần trong một năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết có sự khác biệt trong việc tư vấn cho quân nhân của quân đội Trung Cộng và các quốc gia khác. Tiến sĩ Ying-Yu Lin, một chuyên gia trong lĩnh vực chiến lược và quan hệ quốc tế tập trung vào quân đội Trung Cộng, đã nói với Đài Á Châu Tự do (RFA) rằng trên các tàu ngầm của Hoa Kỳ có linh mục, và có các cố vấn tâm lý trong hải quân Đài Loan.
Tiến sĩ Lin cho biết, ngược lại, những người thực hiện các công việc tương tự trong quân đội Trung Cộng lại là các chính ủy, nhiệm vụ của họ bao gồm cả các hoạt động tâm lý, và liệu một chính ủy có thể giúp giảm bớt áp lực mà các thủy thủ đang có, hay giao tiếp một cách hiệu quả với họ hay không? Ông cũng cho biết tần suất huấn luyện chính trị và tập hợp của quân đội Trung Cộng sẽ chỉ khiến tinh thần đi xuống.
Các cuộc tập trận thường xuyên gây tâm lý căng thẳng
Lee Zhen-shou, một chuyên gia nghiên cứu tại Quỹ Chính sách Quốc gia ở Đài Loan, cho rằng việc diễn tập thường xuyên ở Biển Đông có thể góp phần vào các vấn đề tâm lý mà quân nhân Trung Cộng đang phải đối mặt.
Chuyên gia Lee trao đổi với RFA rằng việc chịu đựng những chuyến đi dài như vậy khiến tâm lý kiệt quệ. Ông cho biết quân đội Hoa Kỳ có những hạm đội khác nhau luôn thay phiên nhau thực hiện các hoạt động để các sĩ quan và thuỷ thủ định kỳ có thể lên bờ và tiếp tục cuộc sống bình thường.
Theo thông tin công khai, kể từ tháng 07/2020, Trung Cộng đã tiến hành dồn dập các cuộc diễn tập quân sự.
Ví dụ, trong vài tháng gần đây, Trung Cộng đã tiến hành huấn luyện quân sự tại các vùng biển phía tây nam, nam, và đông nam của đảo Hải Nam từ ngày 29/12/2020 đến ngày 07/01/2021. Sau đó, quân đội Trung Cộng đã tiến hành một cuộc tập trận khác ở Biển Đông từ ngày 27-30/01/2021.
Trước đó, quân đội Trung Cộng cũng đã tiến hành các cuộc diễn tập quân sự tại các khu vực khác ở Biển Đông từ ngày 17-30/11/2020.
Chỉ riêng trong tháng 08/2020, Trung Cộng đã tiến hành ít nhất 10 cuộc tập trận ở Biển Đông, Hoàng Hải, Bột Hải, và Biển Hoa Đông.
Trước đó, các hoạt động diễn tập quân sự kéo dài năm ngày đã được tổ chức ở các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông vào ngày 01/07/2020.
Do Zhang Yujie thực hiện
Thanh Tùng biên dịch
Xem thêm: