Nghị viên Úc: Phản ứng của Bắc Kinh đối với các cuộc tẩy chay Thế vận hội là ‘trẻ con’
Một thượng nghị sĩ Úc đã bác bỏ tuyên bố của Bắc Kinh rằng họ không quan tâm có đại diện của ngoại quốc tham dự Thế vận hội Mùa Đông sắp tới hay không cũng như sự phủ nhận [của nhà cầm quyền này] về những lo ngại về hồ sơ nhân quyền của họ.
Các quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Canada, Lithuania, và Anh Quốc sẽ tiến hành một cuộc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa Đông 2022, bắt đầu trong vòng 60 ngày tới. Điều này đồng nghĩa với việc các chính phủ này sẽ không cử đại diện cấp bộ trưởng tới Bắc Kinh.
Thượng nghị sĩ Eric Abetz, người đứng đầu ủy ban các vấn đề ngoại giao, quốc phòng, và thương mại tại Quốc hội Úc, nói với The Epoch Times hôm 06/12, “Tôi kêu gọi tất cả lãnh đạo của các quốc gia không tham gia thi đấu không đến tham dự Thế vận hội, bất kỳ du khách nào đang nghĩ đến việc xem Thế vận hội, xin đừng đi”.
“Hãy nói với chế độ độc tài này: ‘Chúng tôi biết các người đang làm gì, và chúng tôi không kiêng nể gì [đối với những hành vi đó],’” ngài thượng nghị sĩ, nổi tiếng với lập trường chính trị bảo tồn truyền thống của mình, cho biết. Ông Abetz đang đề cập đến những vi phạm nhân quyền “thâm căn cố đế” xảy ra dưới bàn tay của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng).
Hồi đầu tuần này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã cáo buộc Hoa Thịnh Đốn “đẩy mạnh một cuộc ‘tẩy chay ngoại giao’ trong khi thậm chí còn không được mời.” Ông nhấn mạnh rằng Bắc Kinh có quyền quyết định mời ai.
“Không ai quan tâm liệu những người này có đến hay không,” ông Triệu nói, sau khi được hỏi hôm 06/12 về một cuộc tẩy chay Thế vận hội tiềm năng của chính phủ Thủ tướng Morrison của Úc.
Những nhận xét trên khiến ông Abetz “kinh ngạc”. Ông nói rằng những phát ngôn này thật “trẻ con” và “không tuân theo bất cứ phân tích nào theo lẽ thường”.
Ông nói: “Không còn nghi ngờ gì nữa, chế độ độc tài này muốn trở thành tâm điểm chú ý của thế giới”.
Vị thượng nghị sĩ nói, “Điều này giống như khi ai đó nói, ‘Tôi sẽ không đến dự tiệc sinh nhật của anh,’ và sau đó quý vị trả lời bằng cách nói, ‘Ừ, tôi cũng có định mời anh đâu mà.’ Đây là trò trẻ con, và một lần nữa, khiến chính sách ngoại giao của Trung Quốc không được đánh giá cao”.
“Và điều này khiến quý vị tự hỏi: Liệu họ [các quan chức Trung Cộng] có thực sự hiểu hay thực sự tin vào lời tuyên truyền của chính họ?”
Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã thông báo từ hai tháng trước rằng vé cho Thế vận hội 2022 sẽ chỉ được bán cho người dân Trung Quốc đại lục do lo ngại về COVID-19. Cách tiếp cận này khác với Thế vận hội Olympic Tokyo năm nay, vốn không cho phép khán giả tham dự nhưng lại để các nhà lãnh đạo thế giới tham dự.
Tòa Bạch Ốc đã tuyên bố một cuộc tẩy chay ngoại giao hôm 06/12, sau khi Lithuania tuyên bố hôm 03/12, nói rằng Hoa Thịnh Đốn “không thể cứ coi mọi việc như thường” khi đối mặt với “nạn diệt chủng và tội ác chống lại nhân loại đang diễn ra” của chính quyền Cộng Sản.
Úc đã trở thành quốc gia kế tiếp tuyên bố tẩy chay hôm 08/12.
Diễn biến mới nhất này xảy ra sau sự biến mất đột ngột của Bành Soái (Peng Shuai), một vận động viên quần vợt hàng đầu của Trung Quốc từng ba lần tham gia thế vận hội. Cô đã biến mất khỏi tầm mắt của công chúng trong nhiều tuần sau khi công khai cáo buộc một quan chức cao cấp đã về hưu của ĐCSTQ tấn công tình dục mình.
Lo ngại trước những vi phạm nhân quyền đang diễn ra của chính quyền Trung Quốc, hôm 07/12, ông Abetz là một trong những nghị viên liên bang đầu tiên đã thúc giục chính phủ nước ông làm theo bằng một cuộc tẩy chay.
Ông nói với The Epoch Times rằng trách nhiệm thuộc về IOC, chứ không phải là các vận động viên, vì đã chấp nhận đề nghị đăng cai tổ chức Thế vận hội của Bắc Kinh.
Ông nói, “Lẽ ra [IOC] không bao giờ nên cho phép Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội, để vi phạm tất cả các tiêu chuẩn và giá trị nhân quyền mà Thế vận hội tượng trưng cho, và khiến người ta thực sự phải đặt câu hỏi làm thế nào mà quyết định này lại được đưa ra”.
Hồ sơ nhân quyền ‘kinh hoàng’
Ông Abetz nói với The Epoch Times rằng ông thấy kiểu đối xử tệ bạc của ĐCSTQ với công dân của mình là “kinh hoàng”.
“Cách hành xử của [họ] hiện giờ đang được phơi bày cho thế giới này thấy,” ông Abetz nói, nêu ra trường hợp của các ký giả công dân Trung Quốc Trương Triển (Zhang Zhan) và Phương Bân (Fang Bin) như các ví dụ về những hành vi nghiêm trọng của nhà cầm quyền này. Cả hai công dân Trung Quốc nêu trên đều đã bị bắt giữ vì đưa tin về giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch COVID-19 ở Vũ Hán.
“[ĐCSTQ] tin rằng họ có thể nắm giữ luật pháp trong lòng bàn tay và đối phó với quý vị,” ông nói và cho biết thêm rằng những ảnh hưởng của Trung Cộng được thiết lập để phá hoại xã hội tự do.
Bắc Kinh đã áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại đối với hàng hóa của Úc — chẳng hạn như than, rượu vang, lúa mạch, thịt bò, tôm hùm, gỗ, và bông — sau khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch.
Hồi tháng Bảy, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã thừa nhận rằng cuộc tranh chấp thương mại với Úc có động cơ chính trị.
Ông Abetz nói: “Chúng tôi đã phải hứng chịu một số hậu quả thương mại chỉ vì yêu cầu điều mà hầu hết các quốc gia khác sẽ tự nguyện đồng ý. Nhưng đơn giản là có một số thứ không phải để bán. Và tất nhiên, sự tự do của chúng tôi nằm ở vị trí số một trong danh sách đó”.
Cách chính quyền này đối đãi các ký giả không phải là người Trung Quốc cũng khiến vị thượng nghị sĩ này lo ngại.
Bà Thành Lôi (Cheng Lei), 49 tuổi, một ký giả Trung Quốc quốc tịch Úc và là xướng ngôn viên cho chi nhánh quốc tế của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc [CGTN], đã chính thức bị bắt tại Trung Quốc hôm 05/02 vì tình nghi cung cấp trái phép bí mật quốc gia cho ngoại quốc. Các nhà chức trách trước đó đã giam giữ bà Thành trong sáu tháng mà không buộc tội trong bối cảnh quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh đang căng thẳng.
“Nếu họ sẵn sàng đối xử với một người ngoại quốc, một công dân Úc, theo cách này, người ta phải đặt câu hỏi, ‘Thế thì họ đối xử với người dân của chính mình như thế nào?’ Và người ta sẽ hoài nghi rằng họ cũng sẽ đối xử tệ bạc y như vậy, nếu không muốn nói là tệ hơn,” ông Abetz cho hay.
‘Những lời lẽ này rất đáng buồn’
Sinh ra ở Đức, là một người ủng hộ lâu năm cho việc chấm dứt các hành vi lạm dụng nhân quyền của ĐCSTQ, vị thượng nghị sĩ này cho biết ông đã gặp nhiều khó khăn với chính quyền Trung Quốc trong sự nghiệp chính trị lâu dài của mình.
Ông Abetz, 63 tuổi, ban đầu được bầu vào năm 1994 với tư cách là một thượng nghị sĩ Đảng Tự Do cho tiểu bang Tasmania của Úc. Ông từng là bộ trưởng nội các cao cấp nhất của chính phủ và là phát ngôn viên chính của chính phủ tại Thượng viện trong chính phủ của cựu Thủ tướng Tony Abbott.
Ông Abetz nói: “Tôi luôn luôn phải cố gắng rất nhiều để mọi người hiểu rằng tôi không có vấn đề gì với bất kỳ một người Trung Quốc nào, hay dân tộc Trung Hoa [nói chung, mà là với] một nhóm rất nhỏ được gọi là ban lãnh đạo độc tài của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. … Thật dễ dàng để một số người tìm cách bảo vệ chế độ khủng khiếp này gán cho quý vị cái mác ‘phân biệt chủng tộc”.
Ông gọi những lời lẽ phân biệt chủng tộc như vậy là “những cụm từ xấu xí”, đó là cách dễ dàng nhất để chống lại những cáo buộc về nhà cầm quyền này.
Vị thượng nghị sĩ này nói: “Những lời lẽ này rất đáng buồn. Và trên thực tế, án tử hình, nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức, lao động nô lệ trong trại tập trung vẫn tiếp diễn”.
Ngài thượng nghị sĩ từng làm dấy lên những phản ứng gay gắt sau khi hỏi ba người Úc gốc Hoa về thái độ của họ đối với Bắc Kinh trong phiên điều trần của một ủy ban Thượng viện hồi tháng 10 năm ngoái. Cả ba người đã cố không trực tiếp lên án Trung Cộng và kể từ lúc đó họ đã công khai chỉ trích vị thượng nghị sĩ này về lời chất vấn của ông.
Một số người cho rằng các câu hỏi này có thành kiến với người da màu, và một nhóm cấp cơ sở đã đệ đơn lên thủ tướng nước này để lên án thượng nghị sĩ vì lập trường cứng rắn của ông về Trung Quốc.
Tuy nhiên, “gánh nặng nhỏ này”, như chính ông Abetz gọi nó, lại trở nên không đáng kể so với những gì các nạn nhân dưới chế độ độc tài cộng sản của Trung Quốc phải chịu đựng.
Ông cho hay, “Nếu tôi là một tín đồ Cơ Đốc, nếu tôi là một học viên Pháp Luân Công, nếu tôi là một [người] Hồng Kông đang tìm kiếm sự dân chủ và theo đuổi nền dân chủ, thì liệu tôi có muốn những nhân vật công chúng ở Úc nói những điều mà tôi đang nói hôm nay mà không hề lo sợ hay không có sự thiên kiến nào không?”
“Vâng, tôi sẽ muốn được như vậy [nếu là họ]”.
Trong giai đoạn đầu của đại dịch toàn cầu, Bắc Kinh cũng tận dụng sự nhạy cảm của Úc về vấn đề phân biệt chủng tộc và cáo buộc rằng người Trung Quốc đang phải nếm trải một “sự gia tăng đáng kể” trong việc bị phân biệt chủng tộc.
Các cáo buộc được đưa ra sau khi Úc ban hành các luật đầu tư ngoại quốc mới và nghiêm ngặt hơn, vốn có thể có khả năng ngăn chặn các công ty Trung Quốc — khi Trung Quốc bắt đầu đối diện với tình trạng kinh tế nội bộ đang ngày càng bất ổn.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: