Nghị viện Thụy Điển bầu thủ tướng Đảng Ôn Hòa lên làm lãnh đạo liên minh cánh hữu
STOCKHOLM — Hôm thứ Sáu (14/10), lãnh đạo Đảng Ôn Hòa Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết, ông nhắm đến việc thành lập một chính phủ thiểu số ba đảng với sự ủng hộ của của Đảng Dân Chủ Thụy Điển có quan điểm chống nhập cư sau khi khối cánh hữu giành được đa số trong cuộc bầu cử tháng trước (09/2022).
Chính phủ mới có kế hoạch cắt giảm thuế, bắt đầu quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới, giới hạn các phúc lợi, siết chặt các quy tắc nhập cư và trao thêm quyền cho cảnh sát như một phần của thỏa thuận chính sách với Đảng Dân Chủ Thụy Điển.
Ông Kristersson, 58 tuổi, nói với các phóng viên: “Thay đổi không chỉ là cần thiết, mà thay đổi cũng có thể xảy ra, và cả bốn đảng của chúng ta có thể cùng nhau mang lại thay đổi đó.”
Hiện là đảng cánh hữu lớn nhất của Thụy Điển và theo chủ nghĩa dân tộc, khả năng định hình chính sách của Đảng Dân Chủ Thụy Điển đánh dấu một thay đổi lớn trong nền chính trị và là điều không tưởng cách đây chưa đầy một thập niên.
Thông điệp của lãnh đạo Jimmie Akesson — rằng hầu hết các tệ nạn của Thụy Điển là kết quả của nhiều thập niên [áp dụng] chính sách nhập cư quá hào phóng và sự thất bại trong việc hòa nhập “những người Thụy Điển mới” — đã tạo được tiếng vang với các cử tri trẻ tuổi nói riêng, khiến cho khối cánh hữu hoàn toàn không thể cầm quyền mà không có sự ủng hộ từ đảng của ông.
Ông Akesson nói trong cuộc họp báo: “Đối với chúng tôi trong Đảng Dân Chủ Thụy Điển… một sự thay đổi quyền lực cũng có nghĩa là một sự thay đổi mô hình liên quan đến chính sách nhập cư và hội nhập.”
Bà Ann-Cathrine Jungar, phó giáo sư tại Đại học Sodertorn, nói với Financial Times rằng việc chuyển sang làm việc với Đảng Dân Chủ Thụy Điển, bắt đầu từ năm 2019, đã lặp lại bối cảnh chính trị được thấy ở các quốc gia khác trong khu vực.
“Đây là một bước quan trọng. Theo cách này, Thụy Điển đang trở nên giống các quốc gia Âu Châu khác, nơi các đảng trung hữu hợp tác với các đảng cực hữu như Đan Mạch, Na Uy hoặc Áo,” bà Jungar nói.
Tân chính phủ sẽ tạo nhiều khó khăn hơn cho những người nhập cư mới thiếu phẩm chất, tận dụng hệ thống phúc lợi xã hội của Thụy Điển, trong khi mục tiêu viện trợ cho ngoại quốc là 1% tổng thu nhập quốc dân sẽ được thay thế bằng một khoản cố định.
Nếu quý vị đến Thụy Điển và không phải là công dân Thụy Điển, thì quý vị phải làm việc, tự nuôi sống bản thân, học tập, hoặc đóng góp cho xã hội bằng nhiều cách khác nhau — chứ không phải đến Thụy Điển để lợi dụng xã hội Thụy Điển, ông Kristersson nói với các phóng viên.
Cảnh sát sẽ có thể thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn đối với các băng nhóm tội phạm và bản án dành cho tội phạm băng đảng sẽ dài hơn.
Những thách thức phía trước
Ông Kristersson đã giành được một cuộc bỏ phiếu xác nhận vào thứ Hai (17/10). Nhưng vị thế thiểu số của đảng ông có thể khiến việc điều hành trong bốn năm tới trở nên vô cùng khó khăn.
Ông sẽ phải dựa vào Đảng Dân Chủ và Đảng Tự Do của Thụy Điển, cũng như cả Đảng Dân Chủ Cơ Đốc Giáo, những người vốn bất đồng ý kiến mạnh mẽ về nhiều chính sách. Cả hai phe đều có thể khiến chính phủ của ông Kristersson đổ bể.
Các biện pháp để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu cần được gạt sang một bên và các lỗ hổng trong hệ thống phúc lợi bị đại dịch phơi bày cần được khắc phục. Chi tiêu quốc phòng tăng theo kế hoạch phải được tài trợ.
Thụy Điển đang ở giữa cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt và có thể sẽ suy thoái vào năm tới, trong khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã gây bất ổn cho khu vực Baltic — sân sau của Thụy Điển. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể chặn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển.
Trong cuộc bầu cử vào ngày 11/09, khối cánh hữu đã giành được đa số với chênh lệch sít sao, giành được 176 ghế trong nghị viện gồm 349 thành viên.
Đảng Dân Chủ Thụy Điển đã giành được 20.5% số phiếu bầu vào tháng Chín, so với 19.1% của Đảng Ôn Hòa.
Do Anna Ringstrom và Simon Johnson của Reuters thực hiện
Bản tin có sự đóng góp của The Epoch Times
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times