Nghị viện Nhật Bản thông qua nghị quyết về người Duy Ngô Nhĩ nhưng tránh nêu tên Trung Quốc
Hôm thứ Ba (01/02), nghị viện Nhật Bản đã thông qua một nghị quyết bày tỏ sự lo ngại về những cáo buộc vi phạm nhân quyền ở vùng Duy Ngô Nhĩ của Tân Cương trước Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào hôm thứ Sáu (04/02), trong khi vẫn thận trọng đưa ra lời chỉ trích Trung Quốc.
Nghị quyết này đã được hạ viện thông qua, với sự chấp thuận của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền và một số đảng đối lập.
Nghị quyết bày tỏ những lo ngại về tình hình nhân quyền và những vi phạm tự do tôn giáo ở khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Tây Tạng, và Hồng Kông, kêu gọi chính phủ Nhật Bản phối hợp với cộng đồng quốc tế để giải quyết các vấn đề này và thực hiện nhiều biện pháp làm giảm bớt [các vi phạm].
“Các vấn đề nhân quyền không thể chỉ là những vấn đề trong nước bởi vì nhân quyền có các giá trị phổ quát và là một vấn đề chính đáng được cộng đồng quốc tế quan tâm”, nghị quyết này cho biết.
“Viện này công nhận những thay đổi đối với hiện trạng bằng vũ lực, vốn được biểu thị bằng tình trạng nhân quyền nghiêm trọng, là một mối đe dọa đối với cộng đồng quốc tế.”
Tuy nhiên, Nhật Bản dường như tránh trực tiếp lên án chính quyền Trung Quốc, vì nghị quyết đã không đề cập trực tiếp đến “Trung Quốc”.
Họ cũng tránh sử dụng cụm từ “vi phạm nhân quyền”, thay vào đó chọn cụm từ “tình hình nhân quyền”, có thể là một sự thừa nhận mối quan hệ kinh tế song phương chặt chẽ giữa hai quốc gia này.
Trước đó, Nhật Bản cho biết nước này sẽ không cử một phái đoàn chính phủ đến Thế vận hội để phản đối tình hình nhân quyền ở Trung Quốc, thế nhưng Tokyo đã tránh gọi quyết định này là một cuộc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội.
Hôm thứ Hai (31/12/2021), các nhà lập pháp từ 20 quốc gia đã thúc giục văn phòng nhân quyền của Liên Hiệp Quốc công bố một báo cáo được chờ đợi từ lâu về các vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh ở Tân Cương vào ngày 04/02, ngày trùng với ngày khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.
Nhóm các nhà lập pháp này chỉ ra rằng làm như vậy sẽ gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng không có chính phủ nước nào nằm ngoài sự giám sát hoặc luật pháp quốc tế.
Ngoài ra, 243 tổ chức phi chính phủ khắp thế giới, trong đó có Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ và Hội nghị Duy Ngô Nhĩ Thế giới, cũng đã đưa ra tuyên bố chung kêu gọi nhiều quốc gia hơn tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.
“Hình ảnh Thế vận hội không thể che đậy tội ác diệt chủng,” giám đốc điều hành của Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ Omer Kanat nói. “Thật khó hiểu lý do tại sao ai đó thấy còn có thể kỷ niệm tình hữu nghị quốc tế và ‘các giá trị Olympic’ tại Bắc Kinh năm nay.”
Một số quốc gia phương Tây, do Hoa Kỳ dẫn đầu, đã tuyên bố một cuộc tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa đông nhằm phản đối “tội ác diệt chủng và các tội ác chống lại nhân loại đang diễn ra ở Tân Cương” của chính quyền Trung Quốc.
Hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác đang bị giam giữ trong các trại giam ở Tân Cương, tại đó họ được cho là bị lạm dụng như cưỡng bức triệt sản, cưỡng ép phá thai, cưỡng hiếp, tra tấn, lao động cưỡng bức, và tách trẻ em ra khỏi gia đình.
Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.
Bản tin có sự đóng góp của Frank Fang và Reuters
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: