Nghị viện Lithuania: Đối xử của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ là ‘Tội diệt chủng’
Nghị viện Lithuania hôm thứ Năm (20/5) đã trở thành [cơ quan] gần đây nhất mô tả việc Trung Cộng đối xử với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ của mình là “tội diệt chủng”. Nghị viện đã bỏ phiếu, kêu gọi một cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc về các trại giam giữ và yêu cầu Ủy ban châu Âu xem xét lại mối quan hệ với Bắc Kinh.
Chính phủ ông Biden ở Hoa Kỳ cũng như nghị viện ở các nước bao gồm Anh Quốc và Canada đã sử dụng thuật ngữ ‘diệt chủng’ để mô tả các hành động của chế độ Trung Cộng đối với người Duy Ngô Nhĩ. Bắc Kinh phủ nhận việc ngược đãi những người thiểu số, và đang chỉ trích các quốc gia sử dụng thuật ngữ này.
Nghị quyết không ràng buộc, được ba phần năm thành viên nghị viện Lithuania ủng hộ. [Nghị quyết] cũng kêu gọi Trung Cộng bãi bỏ luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông, và để các quan sát viên đến Tây Tạng và bắt đầu các cuộc đàm phán với Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng.
Cả Thủ tướng Ingrida Simonyte và Ngoại trưởng Gabrielius Landsbergis đều không tham gia bỏ phiếu, mặc dù [họ] đều có mặt trong nghị viện.
Ông Dovile Sakaliene, một nhà lập pháp đã bị Trung Cộng đưa vào danh sách đen và là người đã bảo trợ cho nghị quyết này, nêu rõ: “Chúng tôi ủng hộ nền dân chủ, vì chúng tôi sẽ không bao giờ quên bài học tàn nhẫn khi sống dưới sự chiếm đóng của chế độ cộng sản trong 50 năm.”
Là nước bị Liên Xô cai trị và trấn áp từ năm 1940 đến năm 1991 và hiện là thành viên của EU và NATO, Lithuania thường đóng vai trò nổi bật trong việc thúc đẩy các đường lối ngoại giao cứng rắn hơn của phương Tây đối với Nga và các nước cộng sản như Trung Quốc.
Vào tháng 3, Lithuania tuyên bố sẽ mở một văn phòng đại diện thương mại trong năm nay tại Đài Loan, nơi mà Trung Cộng coi là lãnh thổ của riêng mình, [điều này] khiến Bắc Kinh tức giận. Trên thực tế, Đài Loan là một quốc gia độc lập với chính phủ được bầu một cách dân chủ, có quân đội, hiến pháp và đồng tiền riêng.
Các nhóm nhân quyền, các nhà nghiên cứu, những người từng sinh sống [ở Tân Cương] và một số nhà lập pháp phương Tây cho biết chính quyền ở tỉnh Tân Cương của Trung Quốc đã tùy tiện giam giữ khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên của các nhóm thiểu số Hồi giáo chủ yếu khác, trong một mạng lưới trại giam kể từ năm 2016.
Bắc Kinh ban đầu phủ nhận sự tồn tại của các trại giam này, nhưng sau đó tuyên bố đó là các trung tâm đào tạo nghề, được sử dụng với mục đích chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
Do Reuters thực hiện
Với sự đóng góp của nhân viên The Epoch Times
Yến Nhi biên dịch
Xem thêm: