Nghị viện Âu Châu kêu gọi lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Cộng
Trong một báo cáo mang tính bước ngoặt được công bố hôm 16/09, Nghị viện Âu Châu kêu gọi Liên minh Âu Châu (EU) áp dụng một chiến lược mạnh mẽ hơn nhằm ứng phó với chế độ cộng sản Trung Quốc, để bảo vệ các giá trị dân chủ trọng yếu của mình.
Hôm 15/09, chiến lược mới của EU về Trung Quốc đã được đa số áp đảo thông qua ở Strasbourg, Pháp, với 570 phiếu thuận, 61 phiếu chống và 40 phiếu trắng.
Báo cáo này đã chỉ ra sáu nội dung chính mà EU và các quốc gia thành viên nên làm việc cùng nhau, để xây dựng một chiến lược mới ứng phó với Trung Quốc. Các nội dung này bao gồm sự hợp tác về những thách thức toàn cầu, cam kết về các chuẩn mực quốc tế và nhân quyền, xác định các rủi ro và điểm yếu, xây dựng các liên hệ đối tác với các bên cùng chí hướng, thúc đẩy quyền tự chủ chiến lược và bảo vệ các lợi ích và giá trị của Âu Châu.
Các thành viên của Nghị viện Âu Châu (MEP) đã đưa ra một loạt các khuyến nghị cho EU và 27 quốc gia thành viên, chẳng hạn như giải quyết các vi phạm nhân quyền, giải quyết các chiến dịch thông tin sai lệch của Bắc Kinh, kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-19, và loại trừ các công ty Trung Quốc không đáp ứng các tiêu chuẩn an ninh trong mạng viễn thông không dây 5G và 6G.
Bà Hilde Vautmans thành viên của MEP tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu hôm 15/09, “Chúng ta không được ngây ngô khi ứng phó với Trung Quốc. Các lợi ích kinh tế không nên khiến cho chúng ta mù quáng trước nghị trình chính trị đầy tham vọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chính sách đối ngoại ngày càng hung hăng và sự đàn áp của họ ở Tân Cương và Hồng Kông.”
Trong báo cáo này, MEP cũng yêu cầu Bắc Kinh chấp nhận một cuộc điều tra độc lập và minh bạch về nguồn gốc và sự lây lan của COVID-19.
Nghị viện Âu Châu nhắc lại việc lên án của mình đối với những vi phạm nhân quyền mang tính hệ thống của Trung Cộng ở Tân Cương, Nội Mông, Tây Tạng và Hồng Kông. Họ cũng kêu gọi hỗ trợ cho các công ty Âu Châu đã phải chịu sự cưỡng bách kinh tế của nhà cầm quyền này, sau khi họ cắt đứt liên kết với lao động cưỡng bức ở Tân Cương, đồng thời kêu gọi một lệnh cấm đối với các sản phẩm lao động cưỡng bức.
Đầu năm nay, EU đã thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Cộng vì vai trò của họ trong việc giám sát cuộc đàn áp các dân tộc thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương, dẫn đến việc Bắc Kinh đưa ra các biện pháp trừng phạt trả đũa đối với các chính trị gia và các tổ chức Âu Châu. Cuộc tranh cãi ngày càng sâu sắc dẫn đến việc đóng băng một thỏa thuận thương mại song phương hồi tháng 05/2021 sau bảy năm đàm phán.
Nghị viện Âu Châu nhấn mạnh trong báo cáo rằng thỏa thuận này sẽ không tiến triển trừ khi Bắc Kinh gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với các thành viên của MEP và các tổ chức của EU.
Báo cáo lưu ý rằng sự khác biệt về các giá trị cơ bản giữa EU và Trung Quốc bắt nguồn từ Đảng cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng). Báo cáo nêu rõ Đảng cầm quyền này, tuân thủ chủ nghĩa Mác-Lênin, là đi ngược lại các giá trị dân chủ như tự do ngôn luận và tôn giáo.
“Chúng ta phải bảo vệ các giá trị và lợi ích của mình bằng cách có được sự tự chủ chiến lược của Âu Châu trong các lĩnh vực như thương mại, kỹ thuật số và an ninh và quốc phòng”, bà Vautmans tuyên bố, đồng thời kêu gọi 27 quốc gia thành viên hợp tác cùng nhau để ứng phó với mối đe dọa của Trung Cộng.
Bà Jutta Urpilainen, Cao ủy Âu Châu phụ trách Hợp tác quốc tế, cho biết trong cuộc tranh luận hôm 14/09 rằng, “Trung Quốc sẽ vẫn là một cường quốc toàn cầu ngày càng hung hăng và không né tránh việc gây áp lực kinh tế lên các quốc gia và các bên có chính sách mà họ không đồng ý.
“Sự khác biệt về giá trị của chúng ta đang tăng lên.”
Báo cáo này cũng kêu gọi việc phát triển một thỏa thuận đầu tư của EU với Đài Loan. Trong một nghị quyết trước đó được Ủy ban Ngoại giao của Nghị viện Âu Châu thông qua hôm 01/09, các thành viên của MEP đã thúc giục EU xây dựng các mối liên hệ chặt chẽ hơn với hòn đảo được quản lý một cách dân chủ này.
Các thành viên của MEP cũng tìm cách chống lại các nỗ lực thông tin sai lệch của Bắc Kinh, khuyến nghị thành lập một ủy ban chuyên trách để giám sát và chặn lại các chiến dịch như vậy.
Họ cũng đề nghị phát triển một hệ thống quản lý để ngăn chặn các công ty truyền thông Âu Châu bị mua lại bởi các công ty do chính phủ các nước thứ ba kiểm soát hoặc tài trợ.
Nghị viện Âu Châu thúc giục các quốc gia thành viên EU làm việc với các đối tác cùng chí hướng, chẳng hạn như Hoa Kỳ, Canada, Anh Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Hàn và Úc.
Báo cáo cho biết các cơ sở nghiên cứu và giáo dục trên khắp EU cần thoát khỏi ảnh hưởng và hỗ trợ tài chính của Trung Cộng. Nghị viện khuyến khích các chương trình nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ Trung Hoa độc lập khỏi ảnh hưởng của Trung Cộng, chẳng hạn như các chương trình từ Đài Loan.
Hôm 15/09, EU đã công bố một dự án đầu tư nhằm chống lại Sáng kiến Vành đai và Con đường, một chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng gây tranh cãi của Trung Cộng. Bắc Kinh đã rót hàng tỷ dollar vào các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp Phi Châu, Mỹ Latinh, Đông Âu và Á Châu, và các nhà phân tích lo ngại chương trình này được sử dụng để mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Cộng trong khi gài các nước đang phát triển vào “các bẫy nợ.”
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: