Nghị viện Âu Châu giục Brussels ‘nâng cấp’ liên kết đối tác với Đài Loan, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh
Liên minh Âu Châu phải thắt chặt thêm sợi dây liên kết với đồng minh dân chủ Đài Loan của mình, các nhà lập pháp cho biết trong một báo cáo được thông qua hôm 21/10, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ chính quyền Trung Quốc.
Nghị viện Âu Châu đã thông qua báo cáo có nhan đề “Quan hệ Chính trị và Hợp tác EU-Đài Loan” với đa số áp đảo ở thành phố Strasbourg của Pháp, với 580 phiếu thuận, 26 phiếu chống, và 66 phiếu trắng.
Báo cáo không ràng buộc này kêu gọi EU “nhanh chóng bắt đầu” hoạt động chuẩn bị cho một thỏa thuận đầu tư song phương mới, Hiệp định Đầu tư Song phương EU-Đài Loan, với “đối tác cùng chí hướng mà Âu Châu chia sẻ nhiều giá trị chung”.
Họ yêu cầu đổi tên văn phòng thương mại của khối Liên Âu ở Đài Bắc thành “văn phòng Liên minh Âu Châu tại Đài Loan” để phản ánh mối liên kết song phương đã được nâng cấp, mặc dù cả EU hay các thành viên EU đều không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, theo báo cáo.
Các thành viên Nghị viện Âu Châu (MEP) kêu gọi EU làm nhiều hơn nữa để giải quyết căng thẳng quân sự leo thang giữa Đài Loan và nhà cầm quyền Trung Quốc đồng thời bảo vệ nền dân chủ của hòn đảo, báo cáo cho biết.
Nghị viên của Hungary Katalin Cseh cho biết hôm 20/10, “Hoàn toàn chẳng còn thời gian để chờ đợi cho đến khi Hoa Kỳ đưa ra một chiến lược nữa. Âu Châu phải dẫn đầu một liên minh toàn cầu để bảo đảm sự có mặt của Đài Loan trong các tổ chức đa phương trong khi kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ngay lập tức cuộc phô diễn vũ trang quân sự ở Eo biển Đài Loan”.
Hồi đầu tháng Mười, Đài Bắc đã chứng kiến 150 chiến đấu cơ bay vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo trong bốn ngày liên tiếp. Bộ trưởng Quốc phòng [nước này] cảnh báo Bắc Kinh sẽ có khả năng tiến hành một cuộc xâm lược “quy mô toàn diện” trong bốn năm.
Bắc Kinh coi hòn đảo tự trị này là lãnh thổ của riêng mình mà sẽ có thể chiếm bằng vũ lực nếu cần thiết. Nhà cầm quyền này cũng có một thành tích nổi tiếng về việc yêu cầu các chính phủ khác tuân theo lập trường của mình đối với Đài Loan.
Phái bộ Trung Quốc tại EU đã chỉ trích bản báo cáo hôm thứ Năm trên, khi cảnh báo EU rằng việc tôn trọng các tuyên bố của họ đối với Đài Loan là “nền tảng chính trị” của liên kết đôi bên.
Phái bộ này cho biết trong một tuyên bố, “Nếu không có một nền tảng vững chắc, mọi thứ ở trên sẽ lung lay”.
Nhà cầm quyền này đã có “sự phản đối mạnh mẽ” khi Ủy ban Ngoại giao EU thông qua nghị quyết này hôm 01/09.
Nghị viên của Thụy Điển Charlie Weimers, báo cáo viên của báo cáo này, cho biết trên Twitter trước cuộc bỏ phiếu hôm thứ Tư (20/10) rằng, “Việc những nỗ lực của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (Trung Cộng) nhằm ngăn chặn tiến trình dân chủ này là bất thành đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ từ Strasbourg tới Bắc Kinh”.
🇪🇺🇹🇼 EU Parliament today votes on the historic report on EU-Taiwan political relations and cooperation. That Chinese Communist Party efforts to stop this democratic process were futile sends a strong signal from Strasbourg to Beijing.
I urge MEPs to vote in favor of my report. pic.twitter.com/fVIblYLoTE
— Charlie Weimers MEP 🇸🇪 (@weimers) October 20, 2021
Trước cuộc bỏ phiếu, đặc phái viên của Bắc Kinh tại Liên minh Âu Châu Trương Minh (Zhang Ming) được cho là đã cố gắng gây áp lực với chủ tịch Nghị viện Âu Châu để gây ảnh hưởng đến kết quả cuộc bỏ phiếu, theo một bức thư do tờ Bưu điện Nam Hoa Tảo Báo đăng tải.
Trái với mong muốn của Bắc Kinh, liên kết giữa các nước thành viên EU và Đài Loan đã ấm lên trong thời gian gần đây.
Một phái đoàn gồm các thượng nghị sĩ Pháp đã đến thăm hòn đảo và hội đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm 06/10. Ngoại trưởng Pháp đã bác bỏ lời cảnh báo của Bắc Kinh, nói rằng các thượng nghị sĩ được tự do gặp bất cứ ai họ muốn.
Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp sẽ bắt đầu chuyến công du đến Đông Âu, thăm các nước bao gồm Cộng hòa Czech và Lithuania từ ngày 23/10.
Mặc dù EU duy trì chính sách một Trung Quốc của mình, nhưng các thành viên Nghị viện Âu Châu đã thúc đẩy khối này áp dụng một chiến lược mạnh mẽ hơn để đối đầu với chế độ cộng sản Trung Quốc nhằm bảo vệ các giá trị dân chủ quan trọng của mình trong một báo cáo được thông qua tại Nghị viện hồi tháng trước.
Đầu năm nay, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Cộng vì vai trò của họ trong việc giám sát việc đàn áp các dân tộc thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương, dẫn đến việc Bắc Kinh áp dụng các biện pháp trừng phạt trả đũa đối với các chính trị gia và tổ chức của Âu Châu. Cuộc tranh luận ngày càng sâu sắc dẫn đến việc đóng băng một thỏa thuận thương mại song phương hồi tháng Năm sau bảy năm đàm phán.
Cô Dorothy Li là một phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: