Nghị trình chung về khan hiếm của các nhà đầu tư trục lợi và các nhà bảo vệ môi trường cực đoan ở California
Hồi tháng 09/2022, tại một cuộc tập hợp đã được lên kế hoạch từ lâu tại Tòa thị chính tiểu bang California, nông dân thung lũng San Joaquin đã phản đối các luật mới nhằm áp thuế đối với các giếng thủy lợi của họ. Tại Quận Madera, quê nhà của hầu hết những nông dân này, mức thuế mới này cao tới mức 246 USD cho mỗi mẫu đất canh tác. Nếu quý vị đang cố gắng tưới một vài mảnh đất để trồng hạnh nhân, thì khoản thuế đó sẽ được cộng vào nhanh chóng.
Việc chỉ đơn thuần hạn chế những người nông dân này tiếp cận nguồn nước ngầm cũng đã đủ để khiến họ chịu thiệt hại, đặc biệt bởi vì các luật mới còn đang hạn chế họ tiếp cận nguồn nước từ sông. Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất là thời điểm áp đặt loại thuế này. Chi phí nhiên liệu diesel hiện tăng gấp đôi, chi phí phân bón tăng gấp ba, và các trở ngại trong vận tải hàng hóa khiến nông dân không thể bán sản phẩm cho các thị trường xuất cảng, khiến hàng hóa tràn ngập thị trường nội địa, đẩy giá cả giảm xuống.
Doanh thu giảm. Các chi phí cao hơn. Và giờ đây là áp thuế lên mỗi mẫu đất đối với các giếng thủy lợi. Trình bày tại cuộc biểu tình của nông dân, Thượng nghị sĩ tiểu bang Melissa Hurtado đã phơi bày nghị trình ẩn giấu đằng sau cuộc chiến pháp lý không đúng lúc này đối với các nông dân. “Các nhà đầu cơ tài chính đang mua đất nông nghiệp nhằm lấy được quyền sử dụng nước,” bà nói, “rồi sau đó họ quay sang bán lại quyền sử dụng nước của quý vị cho chính quý vị.”
Bà Hurtado đã đúng. Chiến lược tài chính trục lợi này có điểm chung không thay đổi như sau: Khi sự áp bức bằng các quy định khiến người nông dân phải rời bỏ công việc, các nhà đầu tư sẽ tiến vào mua đất của họ. Cùng lúc đó, các nhà đầu tư này ủng hộ cho các hạn chế đối với việc lấy nước từ sông để tưới tiêu và phản đối các dự án cơ sở hạ tầng cấp nước (sử dụng lý lẽ của các nhà bảo vệ môi trường) mà những nhà bảo vệ môi trường đặt ra, mục đích là tạo ra sự thiếu hụt nguồn nước sẵn có. Tiếp đó, dựa vào quyền sử dụng nước được cấp, họ bán nước lại cho các tập đoàn canh tác nông nghiệp quy mô lớn vừa tiếp quản các khu đất này, cũng như cho các nông dân khác và các khách hàng thành thị. Sau đó, họ đổ thừa giá cả bị thổi phồng lên như vậy là do “biến đổi khí hậu.”
Việc các dòng vốn đầu cơ dịch chuyển một cách mau chóng vào các vùng đất nông nghiệp Hoa Kỳ đã được ghi nhận kỹ lưỡng. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, năm 2019, các nhà đầu tư ngoại quốc đã mua hơn 35 triệu mẫu đất nông nghiệp của Hoa Kỳ. Nói rõ hơn là, có gần 900,000 dặm vuông đất nông nghiệp ở Hoa Kỳ (toàn bộ 48 tiểu bang vùng hạ có 1.9 tỷ mẫu Anh), nhưng tác động của những lần mua này không được phân bổ đồng đều. Các nhà đầu tư ngoại quốc ưa chuộng những mảnh đất nông nghiệp được tưới tiêu có chất lượng tốt nhất mà chỉ có khoảng 58 triệu mẫu trên khắp Hoa Kỳ. California, với 9.6 triệu mẫu đất nông nghiệp được tưới tiêu, là nơi bắt đầu diễn ra việc mua đất kiểu này.
Vì California diễn ra tình trạng khan hiếm nước có liên quan đến chính trị nên các khoản đầu tư vào đất nông nghiệp đổ dồn về tiểu bang này. Các khoản đầu tư này cũng được thúc đẩy do mong muốn bảo đảm các quyền sinh lợi từ nước cũng như để gieo trồng thực phẩm. Ngoài ra, tuy các nhà đầu tư ngoại quốc là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng hỗn loạn này, nhưng phần lớn việc mua đất đai là do các công ty Hoa Kỳ thực hiện. Ví dụ, các nhà đầu tư Ả Rập Xê Út đang mua đất nhằm có được quyền sử dụng nước ở thung lũng Imperial Valley, còn Đại học Harvard đã dùng 32 tỷ USD tiền hiến tặng vào việc mua đất nhằm có được quyền sử dụng nước ở vùng trung tâm California. Các quỹ phòng hộ và công ty đầu tư của Mỹ, trong đó có Trinitas Partners, LGS Holdings Group, Greenstone, và những công ty khác, cũng đang mua đất từ những nông dân đang gặp sức ép tài chính tại California. Mô hình lợi nhuận của họ là dựa vào tình trạng khan hiếm nước.
Một trong những nguồn cung cấp nước chính cho vùng Tây Nam Hoa Kỳ là sông Colorado. Với lưu lượng nước được tồn trữ qua hàng thập niên tại hồ Powell và hồ Mead, nước được chảy xuống hạ lưu, cung cấp cho các thành phố Phoenix, Las Vegas, Los Angeles, và San Diego, cùng với vô số thành phố nhỏ hơn cũng như các vùng đất làm nông nghiệp quy mô lớn, chủ yếu ở Arizona và thung lũng Imperial của California. Riêng California mỗi năm tiếp nhận bốn triệu acre feet (khoảng 4,933 triệu mét khối, 1 ac-ft ≈ 1,233 m3) nước từ sông Colorado. Thêm nữa, việc các hồ chứa bị hút nước quá mức suốt hàng thập niên cùng với một đợt hạn hán kéo dài có thể khiến khả năng cấp nước của sông Colorado giảm mạnh.
Đầu tư công vào các dự án cấp nước có thể ngăn chặn được cuộc khủng hoảng về nước đang bùng phát. Các hồ chứa lớn mới ngoài dòng như hồ chứa Sites được đề nghị ở miền Bắc California, có thể thu và lưu trữ lượng nước lũ từ sông Sacramento. Biện pháp nâng chiều cao của đập Shasta, cùng với một số đập hiện có khác, có thể làm tăng khả năng lưu trữ nước của California mà không cần tốn nhiều chi phí. Các lưu vực trải rộng — và sử dụng trở lại hệ thống tưới ngập — cũng có thể thu được lượng nước chảy dọc theo toàn bộ sườn phía tây của dãy núi Sierra Nevada và lưu giữ hàng triệu acre feet nước mỗi năm trong các tầng ngậm nước bên dưới. Việc tái chế nước đô thị có thể làm giảm hàng triệu acre feet nước mỗi năm cần cho các thành phố của California. Các nhà máy khử mặn có thể cung cấp nguồn nước vĩnh viễn, chống hạn hán cho các thành phố ven biển ở California.
Thay vào đó, giải pháp duy nhất mà các nhà hoạch định chính sách của California đề nghị là áp đặt hạn mức sử dụng nước trong bối cảnh khan hiếm nước triền miên và giá cao. Nhưng điều quan trọng là cần biết được đằng sau tình trạng này là gì, bởi vì hệ tư tưởng thực tế thường không liên quan nhiều đến cạnh tranh giữa các chủ nghĩa tự do cổ điển và bảo tồn truyền thống, sự phân chia tư bản và xã hội chủ nghĩa. Nhóm quyền lực được hưởng lợi ích đặc biệt, vốn lợi dụng tình trạng khan hiếm nước, là các nhà đầu tư mang tính đầu cơ đã lợi dụng các nhà bảo vệ môi trường để ngăn chặn các dự án cung cấp nước. Ngoài ra, mặc dù các nhà bảo vệ môi trường cánh tả công kích các nhà tư bản một cách rình rang, nhưng họ lại có một liên minh cộng sinh với những nhà đầu tư này. Cả hai bên đều muốn tình trạng khan hiếm nước xảy ra.
Điều trớ trêu, và những khuôn mẫu bị phá hỏng này, có gốc rễ rất sâu xa. Hãy xem xét những người theo chủ nghĩa tự do điển hình phản ứng ra sao đối với việc đầu tư công vào cơ sở hạ tầng cấp nước. Họ sẽ nói rằng: “Hãy để thị trường quyết định.” Nhưng xét theo nhiều mặt, thị trường đã bị phá hỏng. Giống như nhiều người tôn sùng chủ nghĩa tự do, “thị trường” chỉ vận hành được một cách hoàn hảo trong một thế giới hoàn hảo. Tại California, tài trợ công cho các dự án cấp nước khiến giá nước luôn thấp hơn và tạo cơ hội cho thị trường vận hành với nguồn nước dồi dào. Đến lượt điều này lại kích hoạt một hệ sinh thái phi tập trung hơn gồm những người nông dân cạnh tranh với nhau, bán các sản phẩm nông nghiệp đa dạng hơn với giá thấp hơn, trong khi vẫn tạo ra lợi nhuận. Cùng lúc đó, nguồn nước dồi dào làm nản lòng các nhà đầu tư trục lợi muốn lợi dụng tình trạng khan hiếm nước và biến ngành nông nghiệp thành nạn nhân mới nhất của cái mà một số người gọi là chủ nghĩa tư bản trục lợi.
Thượng nghị sĩ tiểu bang Hurtado, một thành viên Đảng Dân Chủ có địa hạt bầu cử bao gồm vùng trung tâm của thung lũng San Joaquin, hiểu quá rõ điều này. Người nông dân dày dạn kinh nghiệm John Duarte, đang tranh cử vào Địa hạt Quốc hội số 13 với tư cách là thành viên Đảng Cộng Hòa, cũng biết rõ như vậy. Ông Duarte đã đặt ra thuật ngữ “Các lãnh chúa của sự khan hiếm” để giải thích hiện tượng này. Một đánh giá hai chính trị gia này một cách đảng phái sẽ ngay lập tức đặt họ vào hai phe đối lập là phe thiên tả và phe bảo tồn truyền thống. Nhưng cả hai người đều thừa nhận hiện tượng khan hiếm nguồn nước này khi họ nhận thấy, và đều cam kết chống lại tác động ký sinh của hiện tượng này.
Bên tổ chức cuộc biểu tình nông dân nói trên cũng đưa ra ví dụ rằng liên minh mới phá bỏ khuôn mẫu này đang được hình thành để phản đối việc tài chính hóa nông nghiệp. Ban lãnh đạo của liên minh này đến từ Nhóm Nông dân người Mỹ Punjabi (Punjabi American Growers Group), với hầu hết các thành viên đều là nông dân nhà nòi đã đến California trong vòng 50 năm qua. Trước khi hiện tượng ‘các lãnh chúa của sự khan hiếm’ bắt đầu vòng kìm kẹp đến cùng cực này, họ phát hiện ra rằng ở vùng đất nào mà quý vị siêng năng làm lụng thì quý vị đều có thể mua đất, trồng lương thực, và đạt được sự thịnh vượng qua nhiều thế hệ. Thời nay, lối sống đó đang bị đe dọa, đồng thời những người Mỹ từng gốc Punjab này, cùng với hàng triệu người Mỹ thuộc mọi hoàn cảnh xuất thân và hệ tư tưởng khác nhau, hiện đang tỉnh ra.
Giải quyết tình trạng khan hiếm nước cũng như duy trì một ngành nông nghiệp đa dạng, phi tập trung, cạnh tranh, và sinh lợi ở California sẽ đòi hỏi những liên minh mới, sẵn sàng phơi bày nghị trình dựa trên sự khan hiếm do các nhà đầu tư đầu cơ và các nhà bảo vệ môi trường cuồng tín gây ra. Liên minh mới đó đang được hình thành, vậy nên trong một sớm một chiều cũng chưa thể thực hiện điều này ngay được.
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times