Nghị sĩ Tom Tiffany tạo dựng sự ủng hộ trong Đảng Cộng Hòa cho nghị quyết công nhận Đài Loan độc lập
‘Nhiệm kỳ Quốc hội đầu tiên của tôi ... tôi là người bảo trợ duy nhất. Chúng tôi đã có 30 người bảo trợ trong quốc hội nhiệm kỳ trước, và bây giờ chúng tôi có 50 người bảo trợ trong kỳ Quốc hội nhiệm kỳ lần này.’
Nghị sĩ Tom Tiffany (Cộng Hòa-Wisconsin) đã và đang nhận thấy ngày càng nhiều sự ủng hộ của Đảng Cộng Hòa cho một nghị quyết mà ông bảo trợ để chấm dứt cái gọi là nguyên tắc “Một Trung Quốc,” đồng thời công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập riêng rẽ.
Hồi tháng Một, ông Tiffany giới thiệu nghị quyết của mình và đã nhận được sự ủng hộ của hàng chục nhà đồng bảo trợ trong Đảng Cộng Hòa. Tuần trước, Dân biểu Roger Williams (Cộng Hòa-Texas) đã trở thành người đồng bảo trợ thứ 50 cho nghị quyết này.
“Nhiệm kỳ Quốc hội đầu tiên mà tôi tại nhiệm, tôi đã giới thiệu nghị quyết này, và tôi là nhà bảo trợ duy nhất. Chúng tôi có 30 nhà bảo trợ trong Quốc hội nhiệm kỳ trước, và bây giờ chúng tôi có 50 nhà bảo trợ trong Quốc hội nhiệm kỳ này,” ông Tiffany nói với chương trình “Capitol Report” của NTD hôm thứ Tư (15/11). Vì vậy, điều đó thực sự cho thấy các thành viên Quốc hội đang ngày càng nhận thức rõ hơn về mối đe dọa từ Trung Quốc.”
Đài Loan tự quản trị như một quốc gia độc lập, nhưng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) coi hòn đảo này là một phần lãnh thổ của mình. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gọi quan điểm này là nguyên tắc “Một Trung Quốc.” Trong suốt lịch sử của cuộc tranh chấp về quyền kiểm soát lãnh thổ này, Hoa Kỳ đã duy trì quan điểm mơ hồ về vấn đề này.
Năm 1972, Tổng thống đương thời Richard Nixon tuyên bố quan điểm của Hoa Kỳ là “người dân ở cả hai bên Eo biển Đài Loan đều là người Trung Quốc nhưng chỉ có một nước Trung Quốc và Đài Loan là một phần của nước Trung Quốc” nhưng lại không nói rõ liệu chính phủ Đài Loan hay Chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có quyền cai quản hợp pháp đối với đất nước Trung Quốc. Tổng thống Nixon bày tỏ thêm quan điểm của Hoa Kỳ nhắm đến “một giải pháp hòa bình cho vấn đề Đài Loan của chính bản thân người Trung Quốc.”
Trong một thông cáo tiếp theo năm 1979, Tổng thống đương thời Jimmy Carter cho biết “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ công nhận Chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là Chính quyền hợp pháp duy nhất của Trung Quốc” nhưng cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục mối bang giao với Đài Loan “thông qua các biện pháp phi chính phủ.” Trong khoảng thời gian kể từ hai tuyên bố này, Hoa Kỳ quả thực đã tiếp tục bang giao với Đài Loan ở cấp độ không chính thức, trong đó có việc bán vũ khí cho Đài Loan, nhưng vẫn chưa rõ liệu quân đội Hoa Kỳ có can thiệp thay mặt Đài Loan hay không trong trường hợp chính quyền cộng sản Trung Quốc cố gắng khẳng định yêu sách lãnh thổ của mình đối với Đài Loan thông qua sức mạnh quân sự.
Nghị quyết của ông Tiffany kêu gọi tổng thống Hoa Kỳ từ bỏ quan điểm mơ hồ này, đồng thời công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập tách biệt khỏi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và thiết lập lại mối bang giao chính thức Hoa Kỳ-Đài Loan.
“Chúng ta cần có một chính phủ sẽ đủ mạnh để đứng lên và nói rằng chúng ta sẽ ủng hộ Đài Loan,” ông Tiffany nói.
Thành viên Đảng Cộng Hòa ở Wisconsin này khen ngợi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) vì đã đến thăm Đài Loan hồi năm ngoái và nói rằng một số thành viên Đảng Dân Chủ “đã thể hiện sự cứng rắn” về vấn đề Đài Loan, nhưng thể hiện sự không chắc chắn đối với việc liệu Tổng thống Joe Biden có chống lại CHND Trung Hoa trong vấn đề đó hay không.
Một số cảnh giác trước việc chống lại Trung Quốc
Mặc dù ông Tiffany nhận thấy ngày càng có nhiều sự ủng hộ dành cho nghị quyết công nhận nền độc lập của Đài Loan, nhưng một số người ủng hộ chính sách hiện tại của Hoa Kỳ đối với Đài Loan cho rằng đó là phương tiện tốt nhất hiện có để tránh một cuộc xung đột đẫm máu trực tiếp với Trung Quốc.
Trong phiên điều trần xác nhận ngày 20/10/2021, Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns ủng hộ việc Hoa Kỳ tuân thủ các chính sách đối với Đài Loan và Trung Quốc mà nước này đã duy trì từ năm 1979, lưu ý rằng Hoa Kỳ duy trì khả năng cung cấp vũ khí cho Đài Loan theo những chính sách hiện hành này. Ông Burns cho biết những chính sách này “có thể thành công nếu chúng ta thực hiện một cách nhất quán và bằng sự cứng rắn nhất định.”
Sau khi năm ngoái bà Pelosi đến thăm Đài Loan, ông Doug Bandow — thuộc Viện CATO theo chủ nghĩa tự do — đã viết rằng chuyến đi của bà và các hành động khác cho thấy một lập trường cởi mở hơn của Hoa Kỳ đối với Đài Loan chỉ đẩy Hoa Kỳ và Trung Quốc đến gần cuộc xung đột vũ trang lên hòn đảo này hơn. Ông Bandow lưu ý rằng sau khi bà Pelosi loan báo về chuyến thăm của mình, quân đội Trung Quốc đã tăng cường hiện diện xung quanh Đài Loan và tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần hòn đảo này.
“Thay vì ngăn cản CHND Trung Hoa hành động, bà Pelosi gần như chắc chắn đã đẩy nhanh những gì có thể trở thành một cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế, và có thể dễ dàng biến thành một cuộc khủng hoảng quân sự,” ông Bandow viết. “Hoa Thịnh Đốn không thể mong đợi Bắc Kinh lùi bước: Đài Loan quan trọng đối với Trung Quốc, người dân nước này cũng như các nhà lãnh đạo của nước này, hơn nhiều so với Mỹ quốc. Do đó, Trung Quốc sẽ chi tiêu và mạo hiểm nhiều hơn.”
Đảng Cộng Hòa thúc đẩy lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc
Ngoài nghị quyết của ông Tiffany nhằm tuyên bố rõ ràng mang tính chiến lược về vấn đề Đài Loan và công nhận hoàn toàn nền độc lập của Đài Loan, các thành viên Đảng Cộng Hòa khác, vừa nói chuyện với NTD News, đã kêu gọi Hoa Kỳ sẵn sàng hơn để thách thức Trung Quốc về một loạt các vấn đề.
Hôm thứ Năm (16/11), nói trong chương trình “Capitol Report,” Dân biểu Don Bacon (Cộng Hòa-Nebraska) cho biết Hoa Kỳ cần “hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân của mình” và “tăng cường các liên minh” để chống lại sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Ông Bacon cho biết Hoa Kỳ không nên tìm kiếm một cuộc chiến với Trung Quốc và dự đoán một cuộc tách rời kinh tế hoàn toàn giữa hai quốc gia là khó xảy ra, nhưng cho biết Hoa Kỳ có thể làm nhiều hơn để “giảm thiểu rủi ro” cho mối bang giao thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc và cảnh báo các doanh nghiệp Hoa Kỳ phải cảnh giác với hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ khi giao thương với Trung Quốc.
“Chúng ta phải nhớ rằng, họ không phải là một quốc gia có chung các giá trị với chúng ta, và chúng ta cần phải nói rõ điều đó với họ và thế giới. Quý vị biết đấy, họ muốn mở rộng thương mại với các nước lân bang, nhưng chúng ta phải nhắc nhở các nước lân bang của họ về những gì Trung Quốc đang làm với chính người dân của mình,” ông Bacon nói.
Trong một cuộc phỏng vấn khác với “Capitol Report,” Dân biểu Harriet Hageman (Cộng Hòa-Wyoming) đặc biệt chỉ trích Tổng thống Joe Biden, nói rằng ông trông yếu nhược khi gặp lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này.
Bà Hageman nói với “Capitol Report” hôm thứ Tư: “Tôi không đánh giá cao lắm với cách mà tổng thống của chúng ta đang tự hành xử hiện nay. Tôi khá ngạc nhiên khi thấy ông ấy tỏ ra yếu nhược ra sao.”
Bà nói rằng Tổng thống Biden lẽ ra nên đối đầu với ông Tập một cách dễ dàng hơn về các vấn đề như việc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ và dòng fentanyl do Trung Quốc sản xuất đưa vào Hoa Kỳ.