Nghị sĩ Canada kêu gọi thông qua dự luật chống buôn bán nội tạng để vinh danh ông David Kilgour
Các nhà lập pháp bày tỏ lòng tôn kính dành cho vị cựu nghị sĩ kiêm nhà vận động nhân quyền nổi tiếng đã qua đời trong tuần này.
Trong tuần này, tại Hạ viện, các nghị sĩ Canada đã trình một bản kiến nghị yêu cầu thông qua dự luật chống buôn bán nội tạng để vinh danh ông David Kilgour, một cựu quốc vụ khanh và là nhà vận động nhân quyền nổi tiếng.
Ông Kilgour, từng cống hiến một thời gian dài trong sự nghiệp chính trị, đã qua đời hôm 05/04 ở tuổi 81 vì một căn bệnh phổi hiếm gặp.
Nghị sĩ Đảng Bảo Thủ Pat Kelly trình bày: “Cựu nghị sĩ David Kilgour chính là người đầu tiên đưa thông lệ tàn bạo này ra ánh sáng. Thật lấy làm tiếc khi ông ấy không còn sống để chứng kiến dự luật này được thông qua, nhưng tôi hy vọng chắc chắn rằng dự luật này sẽ được thông qua.”
Dự luật S-223 là một dự luật của Thượng viện nhằm chống lại nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức và buôn bán nội tạng. Theo đó, hành vi được xem là phạm tội khi một cá nhân ra ngoại quốc nhận cơ quan nội tạng từ một người vốn không chấp thuận trong sự hiểu biết đối với việc mổ lấy nội tạng. Điều luật này cũng sẽ được bổ sung vào Đạo luật Bảo vệ Người tị nạn và Nhập cư nhằm trục xuất một thường trú nhân hoặc công dân ngoại quốc không được Canada chấp nhận nếu họ dính líu tới các hoạt động liên quan đến buôn bán nội tạng người.
Năm 2006, ông Kilgour và luật sư nhân quyền người Canada David Matas là đồng tác giả của báo cáo mang tính đột phá có nhan đề “Thu Hoạch Đẫm Máu” (“Bloody Harvest”) — sau đó chuyển thể thành một cuốn sách có cùng nhan đề — điều tra nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các tù nhân lương tâm Pháp Luân Đại Pháp còn sống của chính quyền cộng sản Trung Quốc. Hai tác giả này cho biết dựa trên những phát hiện mà họ thu thập được, họ có thể khẳng định rằng Bắc Kinh đã thực hiện thông lệ tàn ác này.
Sau khi báo cáo được công bố, ông Kilgour và ông Matas đã đi đến nhiều quốc gia trên thế giới, tổ chức các cuộc hội thảo và nói chuyện với các nhà lập pháp để cung cấp thông tin cho họ về chiến dịch đàn áp và thu hoạch nội tạng các học viên Pháp Luân Đại Pháp của Bắc Kinh.
‘Di sản đáng kinh ngạc’
Trong khi làm chứng trước một ủy ban Thượng viện hồi năm ngoái (2021) về Dự luật S-204, tiền thân của dự luật S-223, ông Kilgour lưu ý rằng nhiều quốc gia đã ban hành luật nhằm chống lại nạn buôn bán nội tạng, và cho rằng thật “đáng xấu hổ” khi Canada chưa có luật như vậy.
Trong cuộc họp Quốc hội vừa qua, Thượng viện đồng thuận ủng hộ dự luật S-204. Tuy nhiên, trước khi dự luật này có cơ hội được biểu quyết nhất loạt tán thành ở Hạ viện, thì một cuộc bầu cử đã được tiến hành và Nghị viện bị giải tán.
Trước đó, các nghị sĩ đã nỗ lực để thông qua các dự luật tương tự như dự luật của thành viên cá nhân, nhưng tất cả đều bị hủy khi Quốc hội bị giải tán vì một cuộc bầu cử đang diễn ra.
Được giới thiệu bởi Thượng nghị sĩ Salma Ataullahjan, dự luật S-223 đã được thông qua tại Thượng viện vào ngày 09/12/2021 và có phiên giới thiệu chính thức tại Hạ viện vào ngày 16/12/2021.
Hôm 06/04 và 07/04, 13 thành viên Đảng Bảo Thủ đã đưa ra bản kiến nghị và khuyến khích thông qua dự luật này.
Trong các kỳ Quốc hội trước đây, Nghị sĩ Garnett Genuis đã đưa ra các dự luật của Thượng viện về nạn buôn bán nội tạng cho Hạ viện. Nhân cơ hội đó, ông cũng đã ghi nhận cống hiến của ông Kilgour.
“Tôi cùng với các nghị sĩ các viện ghi nhận di sản đáng kinh ngạc của ông David Kilgour, người mới qua đời trong tuần này,” ông Genuis nói.
“Ông David đã đưa vấn đề này vào tâm điểm chú ý của tôi, cũng như vào sự chú ý của nhiều người khác. Ông ấy cùng với ông David Matas đã soạn thảo bản báo cáo đầu tiên về vấn đề này. Ông ấy là một nhà hoạt động với nghị lực bền bỉ về vấn đề này và cũng như về rất nhiều vấn đề nhân quyền khác nữa.”
Nghị sĩ Damien Kurek cho biết: “Dự luật này đã được Thượng viện đồng thuận thông qua ba lần, và các nghị sĩ thuộc nhiều đảng phái đã đề xướng xây dựng dự luật này trong 13 năm qua. Những người kiến nghị này đang hy vọng rằng Nghị viện sẽ thông qua dự luật đó.”
Khi kêu gọi thông qua dự luật, nghị sĩ Stephen Ellis nói rằng với tư cách là một cựu bác sĩ gia đình, đạo luật này đánh trúng “trọng tâm của vấn đề đối với tôi,” và cho biết ông Kilgour là “một nhà hoạt động vĩ đại không chỉ về vấn đề này mà còn về các vấn đề nhân quyền khác.”
Nghị sĩ Tom Kmiec nói rằng chính ông Kilgour “là người đã hé mở cánh cửa đưa thông lệ này ra ngoại quốc và làm cho [luật] này trở nên khả thi. … Chúa phù hộ cho ông ấy vì những cống hiến của ông ấy và Chúa phù hộ cho ông ấy vì tất cả những gì ông ấy đã làm cho Nghị viện này.”
‘Người độc lập chính nghĩa’
Hôm 07/04, Nghị sĩ Đảng Tự Do John McKay cũng đã bày tỏ lòng kính trọng đến ông Kilgour tại Hạ viện, ghi nhận sự quan tâm mạnh mẽ của đồng nghiệp cũ đối với nhân quyền, sự độc lập kiên cường, và đức tin kiên định.
“Chính đức tin Cơ đốc sâu sắc đã làm cho mọi thứ trong cuộc sống của ông David trở nên sống động. Là một chính trị gia phản đối giới chính khách, ông David đã tranh cử vào Đảng Bảo Thủ và giành chiến thắng. Ông ấy đã tranh cử vào Đảng Tự Do và giành chiến thắng. Và cuối cùng ông lại là một người độc lập,” McKay nói.
“Ông ấy có rất ít hoặc không có thời gian cho những thỏa hiệp của chính trị, hay cho các vị thủ tướng, hay cho các nhà lãnh đạo đảng. Nếu một chính phủ vẫn còn lưỡng lự về vấn đề Darfur, vậy thì sao? Nếu ông ấy bị chính quyền Trung Quốc cấm vì ủng hộ thay mặt cho Pháp Luân Công hoặc người Duy Ngô Nhĩ, vậy thì sao?”
Ban đầu, ông gia nhập Hạ viện Canada với tư cách là một thành viên thuộc Đảng Bảo Thủ Tiến Bộ hồi năm 1979, nhưng ông đã bị trục xuất khỏi đảng vào năm 1990 sau khi bất đồng với thủ tướng đương thời Brian Mulroney về việc áp dụng Thuế Hàng hóa và Dịch vụ.
Ông gia nhập Đảng Tự Do vào năm 1992 và là quốc vụ khanh đặc trách khu vực Châu Mỹ Latinh và Phi Châu từ năm 1997 đến năm 2002, và là quốc vụ khanh đặc trách khu vực Á Châu-Thái Bình Dương từ năm 2002 đến năm 2003 dưới thời chính phủ Thủ tướng Jean Chrétien.
Năm 2005, ông Kilgour rời Đảng Tự Do vì những bất đồng về nguyên tắc và tham gia với tư cách là một nghị sĩ độc lập. Ông từ giã chính trường vào năm 2006.
Trong một bài báo trên trang web của mình với nhan đề “Tại sao tôi rời Đảng”, ông Kilgour đã viện dẫn việc Canada không sẵn lòng tham gia nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn nạn diệt chủng Rwanda và chế độ tàn bạo nhân quyền ở Sudan như là một lý do cho sự ra đi của ông.
Ông viết: “Không có nơi nào cho thấy khoảng trống chính sách ngoại giao của chúng ta rõ ràng hơn tại Sudan. 300,000 thường dân của nước này đã thiệt mạng trong một thảm họa mà ông Romeo Dallaire đã mô tả là ‘Rwanda trong chuyển động chậm.’”
Ông Dallaire là cựu chỉ huy lực lượng của Phái bộ Cứu trợ cho Rwanda của Liên Hiệp Quốc trước và trong cuộc diệt chủng năm 1994.
Nhiều tháng sau lời kêu gọi hành động của ông Kilgour, chính phủ ông Paul Martin đã gửi viện trợ nhân đạo đến Sudan.
Ông McKay cho biết sự cống hiến của ông Kilgour đối với các hoạt động nhân quyền được củng cố vững chắc bởi lòng dũng cảm và niềm tin rằng điều này sẽ thôi thúc những người khác làm theo.
“Lòng nhiệt thành của ông David quá đỗi mạnh mẽ và sự ủng hộ của ông ấy hiệu quả đến mức cuối cùng nhiều người khác đã tiếp nhận chuyện này,” ông nói.
Ông cho rằng ông Kilgour có thể được mô tả như một “người độc lập chính nghĩa”, đồng thời cũng biết cách kết hợp mọi người lại với nhau để “xoay chuyển các nghị trình”.
Ông cho hay: “Ông David đã sống theo Matthew 22: ‘Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí mà kính mến Chúa là Ðức Chúa Trời của ngươi.’
“Ông David có rất nhiều bạn láng giềng, và ông ấy yêu quý tất cả.”
Anh Isaac Teo là phóng viên của The Epoch Times tại Toronto.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: