Nghỉ hưu rất dễ bị trầm cảm? Hãy tránh xa những cảm xúc nguy hiểm này
Có một cuốn nhật ký nuôi dạy con của một cặp vợ chồng trẻ ghi lại cuộc sống hàng ngày của gia đình, nhưng nhìn vào những ghi chép thì nó dường như không phải là một hồi ức dễ chịu, rốt cuộc là chuyện gì vậy.
Ghi chép trong nhật ký
“Người đó tự mình chăm sóc con đến nay mới được mấy tháng, mà nụ cười trên môi cũng dần biến mất. Không những không hài lòng với nhất cử nhất động của tôi, thậm chí còn ghét cả sự tồn tại của tôi. Ở bên cạnh người đó, Tôi cũng cảm thấy rất đau lòng và càng ngày càng buồn chán. Nhưng bởi vì tôi biết tại sao người đó lại thay đổi và tại sao lại vất vả như vậy, cho nên tôi chọn cách bao dung hết lần này đến lần khác.
Đã có lần, tôi ân cần hỏi người đó rằng: “Mình vất vả quá, giống như mình đang bị trầm cảm, hay là tâm lý có vấn đề, có cần đến bệnh viện khám bác sĩ lấy thuốc về uống không?” Kết quả người đó bực tức với tôi và nói bản thân không phải bị trầm cảm, ngược lại trách tôi đi làm về không chịu giúp đỡ và việc nhà làm cũng không ra gì, nên nhìn thấy đâm ra bực mình.
Người đó cảm thấy rằng tôi không xem lại những lỗi lầm của mình, mà lại vội vàng coi người kia như một người bệnh trầm cảm. Tôi nghĩ, nếu tiếp tục nói chuyện thì sẽ không đi đến đâu, nên không nói gì nữa, nhưng đến giờ nghĩ lại, tôi vẫn hối hận vì lúc đó đã không thuyết phục được người đó đi nghe tư vấn hay chấp nhận điều trị.”
Đó dường như là giọng điệu của một người chồng mô tả cuộc sống của một người vợ phải chăm sóc con một mình mà không có sự giúp đỡ của chồng, lại còn mắc chứng trầm cảm sau sinh, nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Đoạn văn này được trích từ một chuyên mục trên nhật báo “Dân tộc Hàn” do cựu dân biểu Hàn Quốc Jang Ha Na đóng góp.
Jang Ha Na là một nữ nghị sĩ, được bầu làm đại biểu Quốc hội Hàn Quốc khóa 19 vì tỷ lệ thanh niên trong quốc hội. Mô tả của Jang Ha Na chính là thời gian khó khăn khi cô trở lại làm việc tại Quốc hội sau khi kết thúc thời gian nghỉ thai sản và chồng cô phải bắt đầu chăm sóc con một mình. Người thể hiện các triệu chứng trầm cảm sau sinh trong nhật ký nuôi dạy con cái chính là chồng của Jang Ha Na, cô đã cố tình đổi “người chồng” ở trong bài thành “người đó.”
Lời bài báo
Nếu đưa nguyên nhân của chứng trầm cảm sau sinh được cho là do sự thay đổi mạnh mẽ nội tiết tố và thể chất của người mẹ, thì sự đau khổ mà bố của Du Ri (chồng của Jang Ha Na) phải trải qua là khó lý giải. Sự xuất hiện trầm cảm sau sinh không chỉ có lý do về mặt sinh lý, mà còn do thay đổi của cuộc sống và tâm lý như mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, căng thẳng… trong quá trình chăm sóc con cái.
Theo “Cổng thông tin Y tế Quốc gia” của Bộ Phúc lợi, 85% các bà mẹ trải qua trầm cảm nhẹ sau sinh và 10% đến 20% bị trầm cảm nặng sau sinh. Nói cách khác, những cảm xúc mà cha của Du Ri trải qua thực sự là trải nghiệm của hầu hết các bà mẹ.
Vào hoàn cảnh bắt buộc phải chăm con một mình và cuộc sống hàng ngày thiếu sự chăm sóc tâm lý của người khác là những nguyên nhân khiến bố của Du Ri mắc chứng trầm cảm sau sinh. Trầm cảm sau sinh là một căn bệnh sinh lý gây ra bởi sự thay đổi nội tiết tố của phụ nữ sau khi sinh con, nhưng điều này không áp dụng với bố của Du Ri. Trong hoàn cảnh chăm sóc con một mình, nam giới cũng sẽ xuất hiện triệu chứng trầm cảm sau sinh, điều này rõ ràng không liên quan đến vấn đề nội tiết tố nữ.
Ngành tâm thần học hiện đại rất giỏi trong việc sử dụng các nghiên cứu và thực nghiệm khác nhau để quy nguyên nhân của những vấn đề tâm lý cá nhân không bình thường do tính kết cấu xã hội gây nên, là bởi sự mất cân bằng sinh học. Đối mặt với vũ trụ bí ẩn mà nhân loại không thể chạm đến và thâm nhập vào, y học tâm thần cố gắng đơn giản hóa vấn đề bằng một số chất dẫn truyền thần kinh như serotonin.
Hãy tưởng tượng một chút, nếu như hoàn toàn loại bỏ được căn bệnh như bệnh trầm cảm, thì sẽ phát sinh sự việc gì? Mặc dù bệnh trầm cảm đã mở rộng doanh số cho ngành y và ngành dược, và nó đã đạt đến quy mô với chữ số thiên văn, khó có thể tưởng tượng được tình hình sau khi nó biến mất, nhưng chỉ tưởng tượng ra vấn đề này thôi cũng đủ để khiến chúng ta có cảm giác tìm lại được cái gì đó đã mất. Ở một góc độ nào đó, có thể sau khi tên của những căn bệnh như trầm cảm biến mất, thì những phương pháp cứu con người thoát khỏi đau khổ sẽ có nhiều hơn giống như nấm mọc sau mưa vậy.
Nếu sự đau khổ của bố Du Ri không phải là chứng trầm cảm sau sinh, thì nên gọi nó là bệnh gì? Tôi nghĩ bản thân câu hỏi đã là sai rồi: Sự u sầu của bố Du Ri không phải là một căn bệnh, nó chỉ là một mảnh vụn trong cuộc sống của chúng ta mà thôi.
U sầu và cảm giác mệt mỏi là bản thân cuộc sống, không phải bệnh tật
Tâm tư và tình cảm của con người cũng giống như những hiện tượng tự nhiên, có lúc giá lạnh, có lúc nóng bức, có lúc trời trong mây trắng, có lúc nổi cơn gió mạnh, có lúc bất ngờ động đất, có lúc lại nổi cơn sóng thần. Sau khi gió yên sóng lặng, phía chân trời lại xuất hiện lơ lửng một vòng cung cầu vồng, dường như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Hỏi rằng cái gì giỏi biến đổi nhất trên thế giới, thì chắc chắn là thời tiết. Một giây trước vẫn là trời nắng chói chang, nhưng giây sau thì có thể là áp khí cao gặp áp khí thấp, trời sẽ ngay lập tức đổ mưa lớn.
Những thay đổi và biến hóa đó là do hoạt động tự nhiên của trái đất và khí quyển tạo thành. Dù bão hay sóng thần có thể hủy diệt cuộc sống của con người, nhưng không phải vì thế mà trái đất bị bệnh. Giống như cơ thể cảm thấy lạnh sẽ phát run, hoặc cảm thấy nóng sẽ đổ mồ hôi, đó không phải là một phản ứng sai lầm cũng không phải là cơ thể đang bị bệnh. Mồ hôi hoặc rét run có thể gây bất tiện nhưng không cần thiết phải uống thuốc điều trị, đây chỉ là phản ứng của cơ thể để duy trì nhiệt độ thích hợp, sau khi cơ thể cảm nhận rồi đưa ra phản ứng mà thôi.
Cảm xúc cũng đúng như vậy. Những cảm xúc như buồn bã, mệt mỏi và cô đơn cũng giống như thời tiết, con người thay đổi cảm xúc không phải là một triệu chứng của bệnh tật mà là phản ứng tự nhiên của mỗi cá nhân để thể hiện cuộc sống hay nội tâm của chính mình. Cảm giác sầu muộn thì cũng giống khi con người đứng trước một bức tường tưởng chừng như không thể vượt qua, nên cảm nhận được phản xạ của cảm xúc.
Cuộc sống con người phải đối diện với bức tường chết, chính là một ngày giới hạn chỉ có hai mươi bốn giờ. Chính xác hơn mà nói, cuộc sống của con người chính là một bức tường cao. Theo quan điểm này, tất cả con người về cơ bản đều là những cá thể u sầu.
Vì vậy, trầm cảm không phải là một căn bệnh, mà là màu sắc phổ biến của cuộc sống. Nói cách khác, bản thân trầm cảm không phải là bệnh, mà trầm cảm là chính cuộc sống. Mặc dù vậy, đôi khi chúng ta vẫn không thể thoát khỏi gông cùm của sầu muộn, và cảm thấy rằng mình dù sao cũng không thể nhìn thấy tận cùng, và dường như bị mắc kẹt trong ngục tù của sầu muộn cho đến hết đời, đưa mắt nhìn bốn phía, thấy mờ mịt và vô vọng; cũng có nhiều lúc chúng ta không thể một mình đối mặt với tất cả mọi thứ, điều này có nghĩa là chúng ta cần được giúp đỡ. Lúc này chúng ta thực sự cần sự giúp đỡ gần gũi nhất trong cuộc sống hàng ngày và cũng là sự giúp đỡ hữu hiệu nhất.
Có một người đàn ông cố gắng hết sức để trở thành CEO của một công ty lớn, sau khi nghỉ hưu cơ thể của ông bắt đầu suy yếu và trở nên dễ cáu kỉnh. Bản thân ông cũng nhận thức rất rõ rằng ông ta bị ảo tưởng về việc bị hại, nên đối với việc nhỏ không đáng kể cũng trở nên rất nhạy cảm. Ông bắt đầu tập luyện và đăng ký học thêm lớp học tiếng Trung để cố gắng thoát khỏi cảm giác mệt mỏi này. Ngay cả khi không có lịch trình nào khác vào ngày hôm sau, trước khi đi ngủ ông ấy vẫn quen đặt đồng hồ báo thức lúc 5 giờ, giống như cuộc sống của ông trước khi nghỉ hưu. Ông nói lo lắng bản thân trở nên buông lơi, nên phải làm như vậy, nhưng vợ ông đứng bên cạnh lại dùng ánh mắt nói: “Ông ấy bị trầm cảm sau khi nghỉ hưu.”
Liệu sự bất lực của ông ấy có phải do trầm cảm sau khi nghỉ hưu? Đó có phải là vấn đề cần phải giải quyết và khắc phục không? Không. Đó không phải là đối tượng cần khắc phục. Cảm giác bất lực của anh ta không phải vì không thể thích nghi với cuộc sống sau khi nghỉ hưu, rồi từ đó sản sinh cảm xúc bệnh tật, mà là phải học cách chung sống hòa bình với tất cả các cảm xúc trọng yếu trong cuộc đời.
Nếu bạn không có cảm xúc như vậy sau khi nghỉ hưu, đó là điều không bình thường. Nếu có người sau khi nghỉ hưu, vẫn tràn đầy năng lượng và sức sống như trước đây, tôi sẽ rất lo lắng cho người này. Cũng giống như việc thêm chất bảo quản quá mức vào xúc xích để ngăn chúng không bị thối rữa, nếu có ai cố tình ngăn cản quá trình phát triển tự nhiên của sinh mệnh là “nghỉ hưu,” thì cuối cùng sẽ phải tự mình gánh chịu hậu quả.
Nói cách khác, nếu như có ai cứ không ngừng trì hoãn những vấn đề quan trọng mà cuối cùng cuộc sống của mình rồi cũng sẽ phải đối mặt và chấp nhận, thì người đó sẽ phải trả một cái giá quá phũ phàng bao gồm cả vốn lẫn lãi. Sự u uất và cảm giác mệt mỏi sau khi nghỉ hưu là những phản ứng cảm xúc không thể thiếu và thậm chí là những tín hiệu tích cực ở một khía cạnh nào đó.
Ở Hàn Quốc, hầu hết cuộc sống ở công sở đều coi nhẹ hình tượng lập thể và nhiều vai trò của mỗi cá nhân. Các cá nhân chỉ có thể chiểu theo các nhu cầu của công ty mà sống như một công cụ. Cái gọi là “thành công trong xã hội” chẳng qua là kết quả của việc áp chế cá nhân mà thôi. Trong bước cuối cùng của cuộc sống-nghỉ hưu, là một sự kiện quan trọng giải phóng cơ thể bị đè nén bấy lâu nay chỉ trong một hơi thở.
Nói khoa trương một chút, thì giống như người thụ án bị giam trong nhà tù già nửa đời người, ngày ra tù, sẽ bị ánh sáng làm cho chói mắt đến mức không thể mở mắt được; cũng như cuộc sống định trước là trải qua hai mươi bốn giờ một ngày. Đột nhiên, một ngày nào đó anh ta có thể tùy ý đi bốn phương, có thể ăn bất cứ lúc nào và đi ngủ bất cứ khi nào. Kể từ thời khắc đó trở đi, con người mới thực sự trở lại với cuộc sống của bản thân họ.
Tuy nhiên, đối với những tù nhân đã ở tù quá nửa cuộc đời giờ mới được thả ra mà nói, thế giới đầy rẫy những ẩn số và nỗi sợ hãi. Những trạng thái như cảm giác mệt mỏi, chán nản và ảo tưởng bị hại trong lòng họ cũng là những cảm xúc mà người nghỉ hưu sẽ có. Sự u uất và bất lực là tấm gương phản chiếu trung thực trạng thái tâm lý. Nói cách khác, cảm giác mệt mỏi và u uất lúc đó là tín hiệu để tự nhủ rằng đã đến lúc phải ngồi xuống và xem xét cẩn thận lại cuộc đời mình.
Đối với những người vừa mới ra tù, tròng đen của mắt họ có tác dụng tương tự như ống kính, đầu tiên là chặn ánh sáng mặt trời ngay lập tức chiếu vào mắt; cũng như vậy, cảm giác bất lực và u uất là muốn nói cho người trong cuộc rằng, trong một thời gian ngắn hãy thử mở lòng đón nhận nhiều thời gian, sự tự do hơn nữa. “Đừng vội đến câu lạc bộ hay lớp học thêm để tìm sức sống mới, hãy để bản thân dừng lại một chút.” Điều mà nội tâm thông qua sự u uất và cảm giác mệt mỏi muốn nói với chúng ta, chính là câu nói này.
Bằng cách này, cảm xúc đưa chúng ta đến thế giới thực (Real World). Trong thế giới thực, chúng ta có thể nhìn thấy bản thân mình thuần khiết nhất. “Mình cũng có lúc bất lực như vậy,” “Hóa ra mình cũng có lúc thiếu kế hoạch và không kiểm soát được gì cả,” “Hóa ra mình cũng là người như vậy,” thuận theo việc những suy nghĩ này xuất hiện, thực tế cuộc sống sẽ quay trở lại từng chút một.
Điều đầu tiên đập vào mắt chúng ta dĩ nhiên là người thân xung quanh chúng ta. Tiếp theo, người đầu tiên chúng ta sẽ nghĩ đến là “Tôi là ai? Đối với gia đình của mình mà nói, tôi đã tồn tại như thế nào? Trước đây tôi đã sống như thế nào? Đối với tôi mà nói, gia đình đã tồn tại như thế nào?” Chỉ sau khi rời bỏ cuộc sống như cái ốc vít, người ta mới có cơ hội nhìn thấy “bản thân”. Đây là một sự kiện vui lớn trong cuộc đời.
Một cách tự nhiên, trạng thái tâm lý trong quá trình này là những cảm xúc như mệt mỏi và buồn chán. Bước lên bước đệm của cảm xúc này, chúng ta bắt đầu nhận ra một điều gì đó. Cảm giác mệt mỏi này cho ta biết, trước kia ta nghĩ bản thân mình luôn lấp lánh hào quang, kỳ thực chỉ có một nửa tỏa sáng mà thôi. Khi mà suy nghĩ hay phán đoán ta cũng không thể tìm hiểu sâu về bản thân mình, thì cảm xúc sẽ bộc lộ ra nửa diện mạo kia của chúng ta. Đây chính là sức mạnh mà cảm xúc có thể phát huy.
Trong cuộc sống ở nơi công tác, người ta chưa từng phát hiện được rằng mình đang sống một cuộc sống tách ly khỏi cuộc sống thường ngày. Mãi đến sau khi nghỉ hưu, mới thực sự nhìn thấy cuộc đời của mình, mà giai đoạn sống này sẽ đi kèm với cảm giác mệt mỏi và buồn chán.
Người mẹ hơn 90 tuổi của bạn tôi bị ngã gãy xương chậu và đùi. Một mặt bạn tôi nói rằng mẹ tôi thường rất vui vẻ nhưng gần đây thường nhắc đến chủ đề về cái chết, mặt khác hỏi tôi: “Mẹ tôi có vẻ bị trầm cảm, chắc phải uống thuốc mới đỡ, phải không?”
Tôi hỏi lại bạn tôi: “người già trên 90 tuổi đang nằm trên giường bệnh, chủ động trò chuyện về cái chết. Đây được coi là bệnh gì vậy? Nếu trong hoàn cảnh như vậy, bà ấy từ bỏ ý định tiếp tục sống, chỉ tiếp nhận điều trị một cách bị động, thì đó mới chính là việc không tự nhiên và lạ lùng phải không? Khi mẹ bạn nói về cái chết, bạn cũng có thể hỏi bà: “Mẹ ơi, mẹ có nghĩ cái chết đang cận kề với mẹ không?” “Mẹ ơi, mẹ có sợ chết không?,” “Mẹ ơi, dạo này mẹ thường nghĩ đến ai?” Những câu hỏi này sẽ dẫn đến những câu chuyện mang lại cho hai mẹ con những giây phút vui vẻ.”
Loại lo lắng này làm nội tâm người mẹ càng ngày càng yếu đuối, lo lắng rằng không biết nên làm như thế nào, đây chính là câu thành ngữ gọi là “lo bò trắng răng.” Hai mẹ con hãy nắm tay nhau, bình thản bộc lộ trong lòng sự lo sợ đối với cái chết và đối với những tiếc nuối, ân hận trong cuộc đời, quá trình này chính là quá trình chữa trị và ổn định tâm lý.
So sánh một chút, việc tìm gặp một bác sĩ tâm lý xa lạ, uống thuốc chống trầm cảm và qua đời trong cơn mê mờ hoảng hốt, không phải càng khiến người ta còn u buồn và đáng tiếc hơn hay sao? Tại sao cảm xúc này lại được gọi là trầm cảm và phải nhờ đến bác sĩ chăm lo?
Cho dù là chủ đề về cái chết của người mẹ già hay là chứng trầm cảm sau khi nghỉ hưu đều không phải là đối tượng phải khắc phục. Ngược lại, đó chính là thời điểm cho phép ta bắt nhịp với giai điệu cuộc sống của chính mình, dao động thuận theo cảm xúc.
Mọi cảm xúc là kim chỉ nam của cuộc sống
Tâm thần học hiện đại đang tẩy não công chúng một cách phô thiên cái địa: “Nhiều vấn đề mà chúng ta vẫn thường dự đoán được trong cuộc sống đều là chướng ngại do mất cân bằng hóa học trong cơ thể, chỉ cần dùng thuốc là có thể giải quyết.” Dựa trên nền tảng kiến thức và thiết bị phần cứng được thiết lập trong phương pháp tuyên truyền này, nên chi phí điều trị y tế đã trở thành một “gã khổng lồ hiếu chiến” không có đối thủ.
Nỗi đau cha mẹ mất con sao có thể gọi là trầm cảm? Khi một người được tuyên bố là ung thư giai đoạn cuối, thì sự lo lắng và sợ hãi của anh ta sao lại là trầm cảm? Sau khi nghỉ hưu, những cảm xúc như mệt mỏi, buồn chán và ảo tưởng bị hại sao lại có thể trở thành trầm cảm? Khi các chuyên gia đem sự buồn chán và bất an của trẻ khi bị kỳ thị ở trường học đổ lỗi cho là do mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh trong não nên tạo thành chứng bệnh trầm cảm, thì họ không chỉ đã nhẫn tâm mà còn thiếu tinh thần trách nhiệm.
Những cảm xúc này chỉ là những vấn đề thường gặp hàng ngày trong cuộc sống, và cũng là những quan ải trong cuộc sống mà cần có sự giúp đỡ của người bên cạnh để cùng nhau vượt qua. Bất cứ ai cũng có khả năng phải đối mặt với những vách đá dựng đứng vốn không thể một mình vượt qua, thay vì mù quáng tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia, chúng ta nên ưu tiên chuẩn bị tâm lý và suy nghĩ xem nên có thái độ như thế nào để đối mặt với thử thách, như thế mới có thể làm cho cuộc sống ổn định hơn.
Vào thời điểm xảy ra thảm kịch lật phà “Sewol”, một số lượng lớn tình nguyện viên đã đổ xô đến Jindo, Ansan và Mokpo, và họ nói gần như giống hệt nhau. “Tôi không thể làm gì để giúp được. Tôi cảm thấy mình thật bất lực và có cảm giác tội lỗi sâu sắc.”
Cảm giác bất lực hay tội lỗi của những người này có phải là cảm xúc của kẻ thất bại không? Không phải. Khi đó người thân của những nạn nhân ở phà Sewol là những người đã phải chịu đựng những tổn thương rất lớn, Sở dĩ có thể kiên trì sống tiếp thay vì tự sát, chính là vì bầu không khí có tính trị liệu được hình thành bởi cảm giác bất lực và tội lỗi mạnh mẽ của một số lượng lớn người dân thành phố, đã cho họ nhiều điểm tựa để họ có thể dựa vào.
Cuối cùng, vụ phà Sewol đã lôi kéo được sức mạnh ở đất liền, nghĩ lại có lẽ cũng chính là sự tức giận do cảm giác bất lực và mặc cảm tội lỗi của nhiều người tích tụ lại, đã tạo thành động lực cơ bản nhất. Mặc dù chính quyền Park Geun-hye và giới truyền thông bắt tay, không ngừng rắc muối vào vết thương của các nạn nhân. Nhưng các nạn nhân vẫn có thể cắn răng tiếp tục chịu đựng, bởi vì phía sau đó chính là bầu không khí đồng cảm do cảm giác bất lực và cảm giác tội lỗi mãnh liệt của người dân tạo nên, giống như những thiên thần đang bảo hộ họ. Mặc dù ngoài những thứ đó ra thì chúng ta không có gì trong tay, nhưng lực lượng này là một trong những lực lượng chủ chốt đã có thể đánh đổ chính quyền tàn ác vô nhân đạo.
Nhìn bề ngoài, cảm giác tội lỗi và bất lực dường như là những cảm xúc vô ích làm lãng phí tinh lực cá nhân, nhưng thực tế không phải vậy. Kể từ có ghi chép lịch sử đến nay, những cảm xúc này đã có uy lực đủ mạnh để làm chấn động toàn bộ xã hội. Sự kết hợp giữa cảm giác tội lỗi và bất lực đã tạo thành sức mạnh thúc đẩy xã hội.
Tất cả những cảm xúc chúng ta tạo ra trong cuộc sống hàng ngày, đều là kim chỉ nam của cuộc sống. Không phải là những cặn bã không cần thiết trong cuộc sống mà thuốc men có thể loại bỏ. Khi lấy thuốc để khắc chế cảm xúc, thì đồng thời kim chỉ nam và ngọn hải đăng của cuộc sống sẽ sụp đổ. Cảm xúc là cốt lõi cho sự tồn tại của bản thân.
Do Chen Zhen thực hiện
Sương Sương biên dịch
Tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa Ngữ
Xem thêm: